Trước những diễn biến thất thường của thời tiết, dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật, chủ động quản lý chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, tăng cường lấy mẫu giám sát dịch bệnh động vật, nhất là tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm những ổ dịch bệnh mới phát sinh, bảo đảm an toàn đàn vật nuôi.
Nuôi lợn theo quy mô trang trại tập trung ngày càng được người dân xã Hải Thanh (Hải Hậu) áp dụng, nhân rộng. |
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, chăn nuôi ở các địa phương tiếp tục có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ; hình thức chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng được nhân rộng. Các quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi kinh tế tuần hoàn được áp dụng tích cực trong sản xuất; chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm được tăng cường đã góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Một số mô hình chăn nuôi kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi theo hướng hữu cơ bước đầu hoạt động có hiệu quả. Nhờ đó từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì phát triển. Chăn nuôi lợn từng bước phục hồi, chăn nuôi gia cầm có tốc độ phát triển khá. Đàn lợn đạt 636 nghìn con, tăng 2.772 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 81.596 tấn, tăng 2.176 tấn so với cùng kỳ năm trước; trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 85 kg/con. Đàn bò 29.965 con, tăng 445 con; đàn gia cầm ước có 9 triệu 60 nghìn con, tăng 234 nghìn con…
Tuy nhiên, thời tiết, khí hậu thay đổi thất thường; các loại mầm bệnh nguy hiểm trên động vật tồn tại ngoài môi trường, nguy cơ bùng phát là rất cao, đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) chưa có vắc-xin phòng bệnh; nhận thức của người chăn nuôi về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng giấu dịch, tự ý điều trị, bán chạy lợn bệnh; một số hộ chăn nuôi chưa chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: chưa thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng còn qua loa, hình thức; công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch còn chậm... Để bảo đảm an toàn cho chăn nuôi, Sở NN và PTNT đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 30-12-2021 về phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 31-12-2021 về phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 28-1-2022 về phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022; Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 16-2-2022 về phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Nam Định; Công văn số 206/UBND-VP3 ngày 31-3-2022 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; Công văn số 225/UBND-VP3 ngày 7-4-2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Công văn số 277/UBND-VP3 ngày 22-4-2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức lấy 133 mẫu gộp huyết thanh lợn để giám sát bệnh DTLCP. Kết quả xét nghiệm tất cả các mẫu âm tính với bệnh DTLCP. Tổ chức lấy 78 mẫu bệnh phẩm lợn xét nghiệm bệnh DTLCP, trong đó có 58 mẫu xét nghiệm bệnh tai xanh và dịch tả lợn cổ điển. Kết quả có 7/78 mẫu dương tính với vi rút gây bệnh DTLCP; tất cả các mẫu âm tính với bệnh tai xanh và dịch tả lợn cổ điển. Giám sát bệnh cúm gia cầm, lấy 218 mẫu phân/dịch hầu họng gia cầm ở 10 huyện, thành phố để kiểm tra sự lưu hành của vi rút gây bệnh cúm gia cầm. Kết quả 78 mẫu xét nghiệm tại Chi cục đều âm tính với bệnh cúm gia cầm; 140 mẫu thuộc chương trình CDC xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng 1 phát hiện 5 mẫu dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N6 là các mẫu lấy tại chợ Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) và điểm giết mổ của hộ ông Trần Đức Trọng, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), vi rút cúm A/H5N6, cúm A/H5N1 tại chợ Năng Tĩnh, phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định). Lấy 31 mẫu tôm nuôi mặn, lợ tại 4 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường và Nghĩa Hưng để xét nghiệm cảnh báo sớm dịch bệnh. Qua đó phát hiện 3/31 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng. Không phát hiện vi rút gây bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trong các mẫu kiểm tra. Việc giám sát bị động cũng được tích cực thực hiện với việc lấy 1 mẫu bệnh phẩm gia cầm, 3 mẫu bệnh phẩm lợn ốm, chết xét nghiệm bệnh DTLCP, trong đó có 1 mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn cổ điển, tai xanh và 8 mẫu tôm nuôi tại huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu bệnh phẩm gia cầm âm tính với bệnh cúm A/H5N6; cả 3 mẫu bệnh phẩm lợn đều dương tính với bệnh DTLCP, âm tính với bệnh dịch tả lợn cổ điển và tai xanh. Đối với 8 mẫu tôm nuôi tại huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng có 4/8 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng; 5/5 mẫu âm tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp và 1/5 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý còn tổ chức lấy 86 mẫu (36 mẫu thức ăn chăn nuôi, 25 mẫu thịt lợn và 25 mẫu thịt gà) giám sát an toàn thực phẩm tại 10 huyện, thành phố để kiểm tra chất cấm, tồn dư kháng sinh. Kết quả kiểm tra không phát hiện chất cấm (Salbutamol, Clenbuterol), kháng sinh (Chloramphenicol, Furazolidone), vi khuẩn Salmonella trong các mẫu kiểm tra; chỉ tiêu E.coli nằm trong giới hạn cho phép.
Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Những kết quả trên đã được Chi cục thông tin rộng rãi tới các hộ, chủ cơ sở chăn nuôi, các cơ sở vận chuyển, giết mổ, chế biến sản phẩm động vật để các cơ sở, hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Căn cứ kết quả giám sát, đặc điểm dịch tễ, Chi cục cũng đưa ra dự báo, cảnh báo về dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường chăn nuôi; thực hiện tốt các đợt tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi với yêu cầu tiêm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin. Đồng thời phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng thuốc sát trùng thuộc danh mục cho phép của cơ quan chức năng, có tính chất khử trùng nhanh, mạnh, kéo dài, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh nhưng ít độc hại đối với con người, vật nuôi, môi trường… góp phần nâng cao hiệu quả phòng bệnh, bảo đảm đàn vật nuôi khỏe mạnh cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt.
Tăng cường công tác giám sát chủ động dịch bệnh động vật tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng có nguy cơ cao và các cơ sở, hộ chăn nuôi để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng, góp phần bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, tạo nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân trong dịp cuối năm./.
Bài và ảnh: Văn Đại