Quy hoạch tỉnh (QHT) là công cụ quan trọng, là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh. Tỉnh đã xác định công tác lập QHT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các cấp chính quyền, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Thi công xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo quy hoạch. |
UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo lập QHT, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo; ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 18-8-2021 về tổ chức lập QHT (với mục tiêu ban đầu đặt ra là khoảng tháng 7-2022 đơn vị tư vấn sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình thẩm định và phê duyệt QHT), cùng nhiều quyết định thực hiện các phần việc liên quan đến lập QHT như: Phương án bố trí vốn, phê duyệt danh mục 38 nội dung đề xuất tích hợp vào QHT, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn lập QHT… Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo lập QHT, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Ban quản lý dự án lập QHT thuộc Sở; tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương thông báo, hướng dẫn kịp thời các thông tư, quy định, hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh liên quan để triển khai các phần việc liên quan đến lập QHT, nhất là hướng dẫn kỹ thuật về khung cơ sở dữ liệu QHT. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phê duyệt lựa chọn Liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 4 thành viên là: Công ty cổ phần tư vấn và Thiết kế kiến trúc Việt Nam; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp; Trung tâm Điều tra và Quy hoạch đất đai. Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo và các đơn vị có liên quan đã tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng đề cương nhiệm vụ; xác định các nội dung trọng tâm cần tích hợp vào QHT; hoàn chỉnh toàn bộ số liệu, tài liệu, các định hướng phát triển đối với các nội dung liên quan đến 38 nội dung đề xuất tích hợp vào QHT theo lĩnh vực, địa bàn và chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình để đề xuất trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình triển khai lập QHT phát sinh nhiều vướng mắc, nhiều vấn đề khó, mới, nhạy cảm.
Ở nhiều cuộc họp của Trung ương với 63 tỉnh, thành phố đều cho thấy, việc chậm tiến độ lập QHT là thực trạng chung của tất cả các địa phương trên toàn quốc. Nguyên nhân trước hết là từ hệ thống pháp luật về quy hoạch. Luật Quy hoạch có một số quy định chưa bắt kịp thực tiễn, chưa đánh giá được hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong khi việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật quá chậm và còn nhiều bất cập như: chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí tổ chức phiên họp của Hội đồng thẩm định; chưa có quy định cụ thể hướng dẫn xây dựng dự toán chi phí thuê tư vấn phản biện độc lập, chưa ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn huy động nguồn lực tài chính để lập quy hoạch, chưa có đầy đủ các hướng dẫn kỹ thuật, chuyên ngành về lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật theo quy định của Luật Quy hoạch... Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia chưa được hoàn thiện, chậm được cập nhật, trong khi việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ, ngành và địa phương còn hạn chế khiến địa phương khó khăn trong tiếp cận thông tin, dữ liệu về quy hoạch, phải mất nhiều thời gian tìm hiểu dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai lập QHT. Quy hoạch hiện nay mang tính đa ngành, yêu cầu tích hợp theo phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đòi hỏi đơn vị tư vấn xây dựng QHT phải có đủ năng lực, nắm bắt chuyên sâu từng ngành (đặc biệt là ngành mang tính đặc thù), đồng thời phải bảo đảm kiến thức tổng thể, liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các lĩnh vực. Trong khi đó thực tế phát sinh tình trạng một số ngành, địa phương đề xuất nội dung tích hợp ở góc độ riêng lẻ chuyên ngành, chưa đảm bảo tính khoa học, kết nối liên ngành, liên huyện, chưa bao quát, đồng bộ ở quy mô toàn tỉnh. Trong Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 17-9-2021 “về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030”, Chính phủ đặt ra mục tiêu hoàn thành việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định pháp luật về quy hoạch trước ngày 31-12-2022. Như vậy, thời gian đến hạn này không còn nhiều, trong khi số lượng các phần việc của tỉnh phải thực hiện còn rất lớn, đòi hỏi phải tập trung cao độ, nhất là phải đồng loạt rà soát, khớp nối, thiết lập lại để đảm bảo hệ thống thông tin, nhiệm vụ phải thực hiện của tất cả các ngành, các địa phương trong tỉnh có tính kết nối, hỗ trợ, đồng bộ với nhau ở quy mô nội tỉnh và quy mô liên vùng, toàn quốc.
Trước các bất cập kể trên, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết để chỉ đạo và tháo gỡ một số khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền trong việc lập Quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị toàn quốc để lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia về các nhiệm vụ, giải pháp gỡ vướng trong công tác lập quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải xác định công tác lập QHT là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022; coi đây là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan; phải tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập QHT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chấp hành chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải tập trung cao độ, dành thời gian góp ý, hoàn thiện các nội dung quy hoạch thuộc chuyên ngành, lãnh thổ để đơn vị Tư vấn tích hợp vào QHT. Tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp để nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch, cập nhật, chia sẻ thông tin bảo đảm tính công khai, minh bạch. Đặc biệt, phải chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của QHT; phải chủ động liên hệ trực tiếp với bộ, ngành quản lý để tiếp cận sớm các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, tháo gỡ các mâu thuẫn, chồng chéo trong thực hiện công tác quy hoạch và lấy thông tin, tích hợp quy hoạch ngành vào QHT. Đồng thời, tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các công việc, có phương pháp làm việc phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác lập QHT; chú trọng bảo đảm yêu cầu về các nội dung chính của QHT, nhất là: Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế; đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
Bằng việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp và gia tăng các biện pháp, các ngành, các địa phương quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập QHT, sớm hoàn thành cơ bản Báo cáo Quy hoạch tổng hợp để gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và các đơn vị liên quan, đồng thời trình thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Trên cơ sở đó đủ điều kiện để trong tháng 9-2022 trình HĐND tỉnh thông qua để thực hiện các bước tiếp theo trình Hội đồng thẩm định QHT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đúng thời hạn quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27-9-2021 của Chính phủ./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy