Tín dụng bán lẻ đang là thị trường tiềm năng được nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng quan tâm. Trong đó, số hóa hoạt động cho vay được xem là đòn bẩy cạnh tranh thu hút khách hàng giữa các ngân hàng với nhau và với các công ty tài chính. Để giữ vững được thị phần, gia tăng lợi thế cạnh tranh, thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ cũng như chuẩn bị các điều kiện thử nghiệm số hoá các hoạt động cho vay.
Giao dịch tại quầy của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) Chi nhánh Nam Định. |
Thống kê của nhiều ngân hàng trên địa bàn cho thấy, hiện tỷ lệ giao dịch trực tuyến chiếm tới trên 90% tổng số lượng giao dịch. Xu hướng chuyển đổi số của các ngân hàng diễn ra ngày càng rầm rộ. Các ngân hàng đã chạy đua đầu tư nền tảng công nghệ và cơ sở dữ liệu khách hàng để chuẩn bị cho việc chào bán các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số. Với nền tảng công nghệ hiện đại, trong năm qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Hàng hải Việt Nam (MSB) Chi nhánh Nam Định đã liên tục triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ số hóa các hoạt động cho vay như tín chấp trực tuyến cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Việc đăng ký vay cùng quá trình thẩm định, phê duyệt được số hóa hoàn toàn, rút ngắn quy trình từ vài ngày xuống còn vài giờ hoặc vài phút. Cụ thể hơn, khi truy cập website “vay tín chấp” của MSB, chỉ trong 5 phút, khách hàng cá nhân có thể dễ dàng đăng ký khoản vay với hạn mức tối đa lên tới 100 triệu đồng mà không cần chứng minh thu nhập. Sản phẩm được đánh giá là một trong những bước giúp hoàn thiện hệ sinh thái cho giao dịch tài chính cá nhân, tạo nên một vòng khép kín từ bước mở tài khoản tới phát hành và quản lý sản phẩm tài chính như thẻ thanh toán, thẻ tín dụng hay khoản vay. Với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, gần đây, MSB ra mắt sản phẩm số MPower với hạn mức tín chấp hấp dẫn tối đa lên tới 15 tỷ đồng. Doanh nghiệp có thể chủ động tra cứu hạn mức dự kiến được cấp chỉ trong 30 giây tại website “vay nhanh” của ngân hàng, đồng thời nộp hồ sơ trực tuyến 4 bước đơn giản thay vì phải mất thời gian, chi phí tới giao dịch trực tiếp tại quầy như trước đây. Bên cạnh đó, với thời gian phê duyệt khoản vay siêu tốc trong 3 ngày làm việc, MSB hiện là ngân hàng tiên phong trên thị trường trong việc số hóa hoàn toàn quy trình vay vốn. Đặc biệt, nhiều giao dịch tài chính của khách hàng doanh nghiệp trước đây cần tới điểm giao dịch thì nay đều có thể thực hiện trực tuyến gồm: theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ đăng ký vay, giải ngân, mở tài khoản, thanh toán quốc tế và mua bán ngoại tệ… Một số chi nhánh ngân hàng TMCP khác trên địa bàn tỉnh như: Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Quân đội (MB Bank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã thử nghiệm số hoá hoạt động cho vay, giải ngân trực tuyến đem lại các kết quả tích cực.
Theo cơ quan chuyên môn, để số hoá hoạt động cho vay, các ngân hàng phải tập trung đầu tư mạnh về công nghệ cũng như xây dựng đầy đủ nền tảng 3 yếu tố cốt lõi là dữ liệu, công nghệ và bảo mật. Đầu tiên là yếu tố dữ liệu bởi khi xét duyệt cho vay trực tuyến cần dữ liệu lớn của khách hàng để đảm bảo chất lượng chấm điểm tín dụng, xem xét nhiều yếu tố khác nhằm giảm thiểu rủi ro trước khi quyết định cho vay… Hệ thống cơ sở dữ liệu về khách hàng càng lớn thì ngân hàng càng có lợi thế. Tuy nhiên, nếu có cơ sở dữ liệu lớn mà không có công nghệ hiện đại để phân tích dữ liệu thì cũng không hiệu quả. Chẳng hạn như ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định cho vay trực tuyến. Cuối cùng là yếu tố bảo mật, đảm bảo an toàn cho các bên khi thực hiện cho vay trực tuyến. Thực tế thời gian qua có tình trạng nhiều thông tin cá nhân của khách hàng bị rò rỉ, đánh cắp, kể cả thông tin quan trọng như căn cước công dân, ảnh chân dung chụp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đã có nhiều trường hợp khách hàng bị lộ thông tin cá nhân, bị kẻ xấu sử dụng để đi vay hoặc làm các việc phi pháp mà “khổ chủ - khách hàng” không hề hay biết. Vì vậy, việc xác thực thông tin khách hàng qua phương thức xác thực định danh điện tử (eKYC) cần được đảm bảo an toàn hơn, sử dụng các công nghệ hiện đại để tăng mức độ bảo mật thông tin, giảm tối đa rủi ro cho ngân hàng và khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng cần xây dựng quy trình chấm điểm tín dụng chi tiết; ứng dụng nhiều công nghệ vào quy trình xét duyệt cho vay online, xem xét đưa vào sử dụng các hợp đồng số thông minh, giúp quy trình chặt chẽ, tự động hơn, giúp hoàn thiện quy trình số hoá cho vay của ngân hàng và giảm thiểu rủi ro cho các bên.
Nhằm thúc đẩy số hoá hoạt động cho vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, Dự thảo bổ sung quy định về hoạt động cho vay sử dụng các phương tiện điện tử theo hướng để áp dụng số hóa hoạt động cho vay, tổ chức tín dụng phải đáp ứng đầy đủ quy định về phòng chống rửa tiền, nhận diện khách hàng, chống gian lận… Nếu quy định trên của Dự thảo được thông qua thì các ngân hàng hết sức phấn khởi. Bởi hiện tại, Thông tư 39/2016/TT-NHNN và các văn bản liên quan đều yêu cầu các hợp đồng, thỏa thuận cho vay phải có chữ ký thực. Chính vì vậy, dù các tổ chức tín dụng có hệ thống công nghệ chấm điểm tín dụng, xếp hạng khách hàng, phê duyệt hồ sơ tín dụng tự động…, nhưng vẫn chưa thể áp dụng số hóa toàn bộ hoạt động cho vay. Mặc dù NHNN đã cho phép áp dụng phương thức xác thực định danh điện tử - eKYC từ hơn một năm nay, song riêng hoạt động cho vay, các ngân hàng vẫn phải áp dụng các quy định của Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tức là khách hàng vẫn phải trực tiếp đến ngân hàng cung cấp và lưu chữ ký thực, ngân hàng vẫn phải lưu hồ sơ giấy… Với quy định này, dù nền tảng công nghệ của các ngân hàng đều có thể đáp ứng việc cấp tín dụng trên nền tảng số hóa thay vì nền tảng truyền thống, nhưng do hành lang pháp lý chưa chắc chắn, nên nhiều ngân hàng vừa cho vay, vừa thấp thỏm sợ phạm luật. Một số ngân hàng như VPBank và MB Bank đã “vận dụng linh hoạt” để số hóa hoạt động cho vay, tạo thuận lợi cho khách hàng nhằm tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đứng trước rủi ro pháp lý nếu tranh chấp xảy ra, hợp đồng tín dụng có thể bị tuyên vô hiệu. Vì vậy, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang hy vọng những sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN sẽ “cởi trói” cho các ngân hàng trong triển khai số hóa hoạt động cho vay. Các tổ chức tín dụng sẽ tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, quy trình cho vay tự động hoá, xét duyệt hồ sơ nhanh hơn, tiết giảm chi phí, đặc biệt là chi phí nhân sự cho ngân hàng cũng như thời gian, chi phí cho khách hàng.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về số hoá hoạt động cho vay của ngân hàng sẽ góp phần tăng tỷ trọng dư nợ ngân hàng số so với ngân hàng truyền thống. Trong tương lai, 100% các dư nợ sẽ hướng tới kênh số hoá như mục tiêu mà NHNN đặt ra là đến năm 2025, tối thiểu 50% khoản vay nhỏ lẻ được số hóa hoàn toàn và đạt 70% vào năm 2030./.
Bài và ảnh: Đức Toàn