Xác định chất lượng con giống luôn là yếu tố then chốt hàng đầu trong lĩnh vực nuôi thủy sản “nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ”, thời gian qua Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp để quản lý sản xuất, cung ứng con giống góp phần nâng cao hiệu quả các vụ nuôi.
Chăm sóc đàn cá giống bố mẹ tại Trung tâm Giống thủy hải sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). |
Diện tích nuôi thủy sản của tỉnh luôn ổn định ở mức hơn 16 nghìn ha nhưng nhờ con giống ngày càng được nâng cao cả về số lượng, chất lượng và chủng loại nên góp phần tăng sản lượng và giá trị sản xuất trên mỗi ha mặt nước. Hiện toàn tỉnh có 110 cơ sở sản xuất giống, trong đó 101 cơ sở sản xuất con giống mặn lợ, 9 cơ sở sản xuất con giống nước ngọt. Các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý chất lượng nhằm đáp ứng tốt các điều kiện sản xuất theo quy định. Đến nay, đã có 63 cơ sở được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Trong năm 2021, sản lượng giống thủy sản các loại sản xuất ước đạt 14,8 tỷ con, trong đó giống nước ngọt được 1 tỷ con, chủ yếu là các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép… Một số đối tượng nuôi có giá trị cao (con nuôi đặc sản) như: lươn, chạch sụn, ếch Thái Lan, ốc nhồi đã được người dân sản xuất thành công con giống và cung ứng ra thị trường cho người nuôi thương phẩm. Sản xuất giống mặn lợ tiếp tục phát triển mạnh, tập trung tại các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Năm 2021, sản lượng giống mặn lợ đạt 13,8 tỷ con với các đối tượng chủ yếu là ngao, hàu, cua biển, cá bống bớp… Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh tiếp tục triển khai sản xuất theo đúng kế hoạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu nuôi thả trong và ngoài tỉnh. Đến hết tháng 7-2022, lượng con giống sản xuất ước tính khoảng 5,055 tỷ con, đạt 44% so với kế hoạch. Trong đó có 680 triệu con giống cá nước ngọt, 300 triệu con giống hàu, 4 tỷ con giống ngao, 15 triệu con giống cua, 20 triệu con giống cá bống bớp, 40 triệu con giống các loại khác. Riêng sản lượng giống ngao năm nay hiện mới chỉ đạt được khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân do giá ngao giống giảm mạnh so với năm 2021 nên lượng giống bố mẹ đưa vào sản xuất năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Để tăng cường công tác quản lý giống thủy sản, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản thực hiện đúng các quy định theo Luật Thuỷ sản 2017; kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, duy trì điều kiện cơ sở theo quy định. Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra ngành NN và PTNT năm 2022, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, một số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản mặc dù được tuyên truyền, hướng dẫn nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định như: chưa xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học trong sản xuất giống… Chi cục đã xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm, đồng thời hướng dẫn cơ sở xây dựng và thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định.
Ngoài nguồn giống chủ động sản xuất được tại chỗ, hàng năm tỉnh vẫn phải nhập các giống tôm nước lợ, cá song, cá vược, cá diêu hồng… Từ đầu năm đến nay, lượng giống tôm nước lợ nhập về tỉnh ước khoảng 1,35 tỷ con giống. Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Thanh tra Sở; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; Phòng NN và PTNT các huyện thực hiện quản lý chặt chẽ hệ thống cung ứng giống từ các nơi khác về tỉnh. Kiểm soát toàn bộ nguồn giống nhập, đối chiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, đánh giá chất lượng giống, thu mẫu xét nghiệm đối chứng, xử lý vi phạm trong vận chuyển, lưu thông nhằm ngăn chặn, loại bỏ những lô giống kém chất lượng, nhiễm bệnh. Qua đó đảm bảo chất lượng, số lượng các loại con giống, đáp ứng kịp thời nhu cầu nuôi thả của người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và kiểm soát chất lượng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vấn đề tồn tại như việc còn cơ sở sản xuất giống chưa thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng, chưa thực hiện kiểm dịch con giống khi xuất bán theo quy định. Chất lượng giống các đối tượng nuôi nước ngọt chưa thực sự đảm bảo do chất lượng đàn cá bố, mẹ đã xuống cấp và thoái hóa. Đặc biệt vấn đề kiểm dịch chất lượng giống các đối tượng nuôi nước ngọt trước khi xuất bán chưa được thực hiện thường xuyên.
Để công tác quản lý chất lượng con giống thủy sản hoạt động hiệu quả, đáp ứng đủ nhu cầu giống cả về số lượng và chất lượng cho các vùng nuôi; đưa sản xuất giống và nuôi thủy sản của tỉnh phát triển ổn định và thân thiện với môi trường, thời gian tới Chi cục Thủy sản tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống căn cứ lịch mùa vụ, nhu cầu thực tiễn nuôi thả của người dân để tiếp tục sản xuất, cung cấp các loại giống thủy sản đảm bảo chất lượng, kịp thời cho người nuôi. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng thực hiện các quy định về điều kiện cơ sở, đảm bảo chất lượng giống; tăng cường công tác kiểm tra, duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống thuỷ sản nhập từ nơi khác, nhất là đối với giống tôm nước lợ, đảm bảo nguồn giống nhập vào tỉnh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định an toàn dịch bệnh và sản xuất tại các cơ sở đủ điều kiện. Từ việc quản lý chất lượng giống thủy sản nền nếp giúp các cơ sở, hộ nuôi có nguồn con giống tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh là yếu tố đầu tiên cấu thành năng suất vụ nuôi thành công, góp phần đưa lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh ta phát triển hiệu quả, bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh