Trực Ninh đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa bão

07:07, 15/07/2022

Dự báo năm 2022, thời tiết tiếp tục chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai bất thường, ngày càng cực đoan, trái quy luật. Trong khi đó, huyện Trực Ninh có 21 đơn vị hành chính với số dân 172.658 người, nằm trên lưu vực của hai sông lớn là sông Hồng và sông Ninh Cơ, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ, bão và thuỷ triều. Khi xảy ra tổ hợp bất lợi mưa to, bão mạnh, lũ lớn, triều cường thì mức độ ảnh hưởng, thiệt hại là rất lớn. Vì vậy huyện Trực Ninh luôn chủ động thực hiện công tác phòng chống, ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.

Huyện Trực Ninh diễn tập phương án bảo vệ đê, kè trong mùa mưa bão 2022.
Huyện Trực Ninh diễn tập phương án bảo vệ đê, kè trong mùa mưa bão 2022.

Ngay từ trước mùa mưa bão, huyện đã rà soát, nắm bắt hiện trạng để chủ động phương án đảm bảo an toàn, phòng chống thiệt hại cho hệ thống đê, kè, cống cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, nhất là các hộ dân sinh sống trong các vùng đê bối xung yếu. Qua đó, huyện đã nhận diện được: Trên 43,3km đê sông của huyện, còn nhiều đoạn tuyến có hiện tượng thẩm lậu, rò rỉ, mạch đùn, mạch sủi. Trên 6,4km đê hữu Hồng có các đoạn từ K182+580 đến K182+620, từ K183+450 đến K183+900, thị trấn Cổ Lễ và từ K185+750 đến K185+780, xã Trực Chính bị thẩm lậu, nước trong; tại K185+640 có hiện tượng rò rỉ. Đối với đê hữu Ninh Cơ, tại đoạn từ K0+500 đến K1, xã Phương Định có thẩm lậu mái đê, chân đê phía đồng, đoạn bãi sông từ K22+350 đến K22+700, xã Trực Mỹ và Trực Thuận bị sạt lở nhiều, một số vị trí sạt gần chân đê, cần tiếp tục theo dõi. Trong tổng số 14,2km của 13 kè trên địa bàn huyện có một số đoạn kè xung yếu đang bị sạt lở, được xác định là trọng điểm phòng chống thiên tai (PCTT) cấp huyện gồm: Kè Phượng Tường đoạn từ K6+067 đến K6+347, đê hữu Ninh, xã Việt Hùng; kè Trực Bình đoạn từ K10 đến K10+525 và đoạn từ K10+860 đến K11, đê hữu Ninh, xã Việt Hùng. Trong 32 cống dưới đê chính có nhiều cống đã xây dựng từ lâu, thiết kế lạc hậu, đã bị hư hỏng xuống cấp gồm Cống Đá, Phú An, Sa Đê, Thốp, Dầm, Sẻ; cống Văn Lai tại K0+961 đê hữu Ninh, xã Phương Định nằm trong trọng điểm PCTT cấp huyện; các vị trí cống xung yếu là: Cống Cổ Lễ, Cát Chử, Bà Nữ, Nam Tân, Rõng 1, Rõng 2, Trực Cường. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các vị trí xung yếu là các vùng bối Phương Định, bối Trực Chính, bãi sông hữu Ninh thuộc xã Trực Mỹ - Trực Thuận, bãi sông tả Ninh thuộc xã Trực Hùng. Huyện chủ động xây dựng phương án, bố trí đầy đủ vật tư, nhân lực sẵn sàng ứng phó với các cấp độ thiên tai gồm: áp thấp nhiệt đới, bão; mưa lớn, lũ, ngập lụt… kể cả phương án ứng phó khi siêu bão đổ bộ. Trong đó, huyện quan tâm chỉ đạo xã, thị trấn nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy tại chỗ khi có bão, đặc biệt là siêu bão đổ bộ, nhất là các phương án đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại về người, nhà cửa và các công trình hạ tầng do nước biển dâng.

Cùng với đảm bảo chỉ huy tại chỗ mỗi xã, thị trấn đã thành lập đội xung kích PCTT tối thiểu 70 người sẵn sàng ứng cứu khi cần; đối với các xã, thị trấn có đê bố trí thêm lực lượng quản lý đê nhân dân, trưởng điếm và lực lượng tuần tra, canh gác, hộ đê giờ đầu. Trong kho của huyện hiện đã dự trữ sẵn sàng 11 bộ nhà bạt các loại, 420 áo phao cứu sinh, 420 phao tròn cứu sinh, 14 phao bè, 1 máy phát điện. Ban CHQS huyện đã chuẩn bị 10 bộ nhà bạt loại 16,5m2; 4.153m3 đá hộc để tại các tuyến đê: Hữu Hồng (Cổ Lễ, Trực Chính), hữu Ninh (Phương Định, Việt Hùng, Cát Thành, Trực Thuận). Huyện giao mỗi xã, thị trấn đã chuẩn bị 2.000 bao tải, có kế hoạch huy động 500 cây tre; riêng các xã, thị trấn có đê chuẩn bị 160 áo phao cứu sinh, 500 phao tròn cứu sinh; xác định vị trí thuận lợi, không bị ngập úng để khai thác tối thiểu 1.000m3 đất hộ đê khi cần thiết; các địa phương có vị trí xung yếu có phương án huy động vật tư dự trữ riêng. Ban chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn ký hợp đồng cụ thể với tổ chức, cá nhân về cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước khi cần huy động. Sau khi Tổng cục PCTT (Bộ NN và PTNT) kiểm tra công tác phòng chống lũ trên địa bàn dịp trung tuần tháng 6-2022, một số tồn tại, hạn chế như một số xã, thị trấn chưa bố trí đủ nhân lực tuần tra, canh gác đê; thiếu dụng cụ phục vụ tuần tra tại nơi thường trực, không ghi sổ nhật ký tuần tra, còn nhiều cây cối, cỏ dại trên mái, cơ đê gây khó khăn cho hoạt động tuần tra đê điều đã được huyện yêu cầu các xã, thị trấn kịp thời khắc phục. Yêu cầu cơ sở thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo quy định tại Thông tư 01/2009/TT-BNN ngày 6-1-2009 của Bộ NN và PTNT; thường trực, ghi chép đầy đủ nhật ký tuần tra đê, tổ chức phát quang cây cối, cỏ dại toàn tuyến đê đảm bảo để tìm kiếm, phát hiện ẩn họa, sự cố kịp thời. 

Thời gian tới, huyện tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bão và siêu bão đến cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân để phát huy ý thức tự giác phòng, chống bão, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người do siêu bão gây ra. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, khi có áp thấp, bão, siêu bão phải tổ chức trực ban chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến để chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Khi có bão, chú trọng bảo vệ trọng điểm đê kè, di dân vùng bối (nếu cần thiết); các thuyền trên sông phải lên bờ, các tàu cá trên biển của xã Trực Hùng, thị trấn Ninh Cường di chuyển về nơi neo đậu đã được quy định (khu kết hợp cảng cá Ninh Cơ, huyện Hải Hậu; cửa sông Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng; cửa Hà Lạn, huyện Giao Thủy), các chủ phương tiện không ở lại trên tàu thuyền mà về các nhà kiên cố trong đê, kiên quyết không cho tàu ra khơi trong thời điểm bão đang tiến đến gần và khi bão đổ bộ. Trường hợp có lũ trên báo động 3, toàn huyện sẽ triển khai phương án sơ tán 1.710 hộ với 4.130 khẩu sinh sống ven đê, ngoài bãi sông và vùng bối. Trong đó, sẽ đặc biệt chú ý phương án di dân đối với 538 hộ với 1.676 nhân khẩu sinh sống trong vùng bối Phương Định và đối tượng dễ bị tổn thương (người già, trẻ em, phụ nữ mang thai). Khi có lệnh sơ tán, đội xung kích PCTT xã, thị trấn hỗ trợ nhân dân trong công tác di dời; thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn trực tiếp xuống thôn, xóm được phân công để hướng dẫn, đôn đốc công tác di dời từ nhà không kiên cố đến nơi an toàn đã được lên phương án.

Huyện Trực Ninh quyết tâm đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão 2022./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com