Vụ lúa xuân năm 2022 đã kết thúc thắng lợi, bà con nông dân phấn khởi vì cuối vụ thời tiết thuận lợi cho thu hoạch; năng suất, sản lượng cao, bám sát diễn biến thời tiết; chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp kịp thời khắc phục khó khăn và bảo đảm chất lượng giống, vật tư; cơ cấu mùa vụ, tuân thủ chặt chẽ khung thời vụ là những bài học kinh nghiệm quan trọng.
Người dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) thu hoạch lúa xuân 2022 bằng máy gặt đập liên hợp. |
Vượt qua thời tiết dị thường…
Sản xuất vụ lúa xuân năm 2022 gặp nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường chưa từng thấy. Đầu vụ lượng nước trên hệ thống các sông thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình hàng năm, lưu lượng dòng chảy đổ về các hồ chứa chỉ đạt khoảng 70% so với thiết kế; trong khi đó mực nước triều tiếp tục dâng cao hơn từ 60-70cm so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập sâu, gây khó khăn cho việc lấy nước đổ ải, làm đất phục vụ gieo cấy lúa xuân. Trước diễn biến kể trên, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, chủ động khắc phục khó khăn để bảo đảm gieo cấy toàn bộ diện tích lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Làm tốt công tác thủy lợi, bảo đảm vừa có nước chất lượng, vừa chủ động tích nước ở tất cả những nơi cho phép để có đủ nước phục vụ làm đất, gieo cấy và tưới dưỡng, giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, sau khi các địa phương vừa cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân thì xảy ra mưa lớn, rét đậm, rét hại kéo dài khiến nhiều diện tích lúa gieo sạ từ ngày 14-2 bị ngập, trôi mộng (trong đó huyện Ý Yên 500ha, Vụ Bản 410ha, Hải Hậu 400ha, Nghĩa Hưng 200ha, Trực Ninh 120ha, Nam Trực 100ha)... Mưa, rét đậm kéo dài khiến hàng nghìn ha lúa bị chết rét, thối rễ phải gieo cấy lại. Trước tình hình trên, đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra đồng ruộng và công tác chỉ đạo sản xuất tại các địa phương. Qua kiểm tra thực tế, đồng chí yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức điều tiết nước vào những chân ruộng đã gieo cấy, nhất là chân ruộng gieo sạ ở những vùng cao, nhằm bảo đảm đủ độ ẩm cho lúa sinh trưởng, phát triển. Tổ chức rà soát, phân loại những diện tích lúa bị chết do úng, ngập, chết rét để hướng dẫn người dân sử dụng mạ dự phòng cấy dặm và tiếp tục ngâm thóc giống bổ sung để gieo cấy lại. Tập trung diệt chuột, ốc bươu vàng, cỏ dại để bảo vệ lúa. Chủ động thu thập mẫu rầy và tích cực giám sát bệnh lùn sọc đen gửi mẫu về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phân tích làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các loại vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, giá bán ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân. Đặc biệt, từ ngày 11-5, thời tiết có mưa nhiều ngày, một số diện tích lúa chưa kịp phun thuốc hoặc phun xong gặp mưa nên hiệu quả phòng trừ kém. Tiếp đó, từ ngày 15-5 xuất hiện đợt không khí lạnh hiếm gặp trong 40 năm qua, nhiệt độ giảm sâu, gây mưa giông xen kẽ, biên độ nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn (từ 10-120C) trùng vào giai đoạn lúa trỗ bông. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh và gây hại mạnh, làm giảm nghiêm trọng năng suất lúa xuân. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 nở rộ từ ngày 22-5, gây hại chủ yếu trên diện tích lúa trỗ bông sau ngày 20-5; bệnh đen lép hạt, bệnh bạc lá… có quy mô phân bố và mức độ gây hại cao hơn vụ xuân 2021. Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT đã khẩn trương có công điện đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình từ huyện đến các xã, thị trấn về tác hại của bệnh đạo ôn cổ bông, việc phun thuốc chỉ có tác dụng phòng bệnh ở giai đoạn lúa bắt đầu trỗ và trỗ thoát hoàn toàn. Sở còn khuyến cáo các địa phương tranh thủ lách thời tiết khẩn trương phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông cho những diện tích lúa phun xong gặp mưa và khi lúa bắt đầu trỗ 3-5% số bông, tập trung trên các giống nhiễm như: BC15, TBR225, Khang Dân 18, Q5, Đài thơm 8, Thiên ưu 8, Thái Xuyên 111, Phúc Thái 168, Nếp... Trường hợp áp lực bệnh cao cần phun thuốc lần 2 khi lúa đã trỗ thoát hoàn toàn. Ruộng lúa khi trỗ không kịp phun thuốc phải phun lại ngay sau khi lúa đã trỗ thoát hoàn toàn. Đồng thời tổ chức phun trừ kịp thời sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, tập trung từ ngày 22-5 đến 27-5, rầy nâu lứa 3, bệnh đen lép hạt, bệnh khô vằn… theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.
Trước tình hình giá các loại vật tư nông nghiệp có xu hướng tăng, thị trường nông sản không ổn định ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của nông dân và hiệu quả sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) đã phân công cán bộ bám sát cơ sở; tham mưu tổ chức các đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn tình trạng trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng đưa vào sản xuất ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng, gây mất an ninh trật tự.
Thắng lợi toàn diện!
Những khó khăn do thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường, tình hình sâu bệnh, giá vật tư, phân bón tăng đã được UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân khắc phục, vượt qua để bảo đảm gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất là những yếu tố quan trọng để giành vụ lúa xuân thắng lợi. Vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 71.007ha, giảm 783ha so với vụ xuân 2021; trong đó có 44.500ha gieo sạ, đạt 63% diện tích. Toàn tỉnh có 229 máy cấy lúa bằng mạ khay, đảm bảo cơ giới hoá khâu gieo cấy đạt khoảng 10% diện tích, tuy nhiên mới có gần 3.000ha lúa áp dụng phương thức “mạ khay - máy cấy”, đạt 4% diện tích; cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đạt 96% diện tích... Có 253 mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa, màu với diện tích 11.263ha, trong đó có 237 cánh đồng lúa với diện tích 10.796ha, 16 mô hình rau màu với diện tích 467ha. Có 1.472ha được bao tiêu sản phẩm. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, từ ngày 5 đến ngày 25-6-2022 toàn tỉnh đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa xuân. Dự kiến, năng suất lúa xuân đạt 69,3 tạ/ha, tương đương vụ xuân năm 2021. Như vậy, do thời tiết vụ xuân năm 2022 kết thúc muộn hơn vụ xuân năm ngoái khoảng 10 ngày. Cùng với đó, Sở NN và PTNT, các huyện, thành phố đã hướng dẫn nông dân tập trung sử dụng các giống thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ như: Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, TBR279, Nàng xuân, NĐ5, HDT10; những chân ruộng chua, mặn hoặc úng trũng sử dụng các giống lúa lai chất lượng cao: Nhị ưu 838, CT16, TX111, Tej vàng, TH3-3... Các huyện, thành phố lựa chọn sử dụng tập trung 1-2 giống lúa lai và 2-3 giống lúa thuần chất lượng trong cơ cấu giống của địa phương; đồng thời chủ động mở rộng mô hình trình diễn các giống lúa mới có năng suất chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, hạn, mặn như: Ly 2099, LT2 kháng bạc lá, LP5, Nhiệt đới 15, Lộc trời 183, TBR89, ST24, QL301, BC15 kháng đạo ôn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục duy trì tổ chức sản xuất trên 700ha giống lúa lai, bao gồm các tổ hợp lai F1: CT16, Nhị ưu 838, Ly 2099, GS55, HYT10 và 3 tổ hợp lai mới... Trong đó, Công ty TNHH Cường Tân 350ha, Công ty Giống cây trồng Nam Định 30ha, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường 50ha. Các địa phương có phong trào phát triển cánh đồng lớn và áp dụng cơ giới hóa các công đoạn sản xuất nhanh là: Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên, Hải Hậu. Một số doanh nghiệp của tỉnh đã thuê gom, tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất lúa thương phẩm, lúa giống tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà, truyền thống. Công ty TNHH Cường Tân, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường thuê gom ruộng đất hình thành các cánh đồng lớn sản xuất giống lúa lai F1; lợi nhuận bình quân đạt 30-50 triệu đồng/ha/vụ, thu nhập của người nông dân trên mỗi ha đất canh tác cao gấp trên 3 lần so với cách làm cũ. Công ty TNHH Toản Xuân liên kết với các hộ nông dân có diện tích đất sản xuất lớn, các HTX nông nghiệp trong tỉnh với quy mô 500ha sản xuất lúa thương phẩm. Việc mở rộng nhanh diện tích các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá như: Ly 2099, LT2 KBL, LP5, Nhiệt đới 15, TBR 89, Nếp Đài Loan, Lai thơm 6... cũng được các địa phương, các HTX nông nghiệp chú trọng.
Dù có nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và nông dân nên vụ lúa xuân năm 2022 đã thắng lợi toàn diện./.
Bài và ảnh: Văn Đại