Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững

08:07, 26/07/2022

Thời gian qua, ngành NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp có tính đột phá về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời lồng ghép với các chương trình mục tiêu liên quan nhằm bảo vệ môi trường, tái cơ cấu nền kinh tế để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Sản xuất rau an toàn trong nhà màng tại xã Giao Phong (Giao Thủy).
Sản xuất rau an toàn trong nhà màng tại xã Giao Phong (Giao Thủy).

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững theo Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 24-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh tháo gỡ khó khăn cho nông dân, doanh nghiệp, đảm bảo ổn định tổ chức sản xuất, không bị đứt gãy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển bền vững và đảm bảo nguồn cung thực phẩm thiết yếu cho người dân ứng phó với dịch COVID-19. Trong công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, Sở NN và PTNT tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để hình thành nhiều cánh đồng lớn hoặc vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến cùng với đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch. Hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức củng cố, mở rộng và xây dựng mới các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiếp tục giám sát, hướng dẫn 125 cơ sở, doanh nghiệp duy trì áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến VietGAP, HACCP; 1 doanh nghiệp áp dụng TCVN 11041-2:2017 của nông nghiệp hữu cơ; duy trì vùng nuôi ngao liên kết 500ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đạt bộ tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường, xã hội, an sinh động vật, an toàn thực phẩm của ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Từ nguồn kinh phí của Trung ương và nguồn ngân sách của tỉnh, ngành NN và PTNT đã triển khai trên 10 dự án chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào chế biến nông sản như: ứng dụng công nghệ mới trong trồng, bảo quản chế biến khoai tây; trồng và chế biến lúa gạo chất lượng cao; chế biến tép moi sấy; chế biến nước mắm; ứng dụng và nhân rộng công nghệ nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản vào sản xuất phân bón và sản xuất rau sạch, rau an toàn; xây dựng các mô hình thực hiện tốt an toàn sinh học, quản lý chất thải, phòng chống dịch bệnh và sử dụng kháng sinh có hiệu quả trong chăn nuôi lợn… Đặc biệt, để thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đối với xử lý chất thải, từ năm 2021 đến nay, ngành NN và PTNT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép lưu hành; sử dụng phối hợp các loại phân bón cân đối, hợp lý; giảm lượng phân vô cơ, thuốc BVTV hóa học; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học nhằm chống thoái hóa đất. Đến nay, lượng phân bón vô cơ được sử dụng đã giảm khoảng 5% so với năm trước; lượng thuốc BVTV giảm 3,5%. Các địa phương đã xây dựng trên 20 nghìn bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, giảm thiểu đáng kể tình trạng làm ô nhiễm nguồn đất, nước. Trong chăn nuôi, Sở NN và PTNT đã hỗ trợ xây dựng 13 mô hình “Phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao” trên cơ sở áp dụng kỹ thuật chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ cho trồng trọt. Qua đó giúp người chăn nuôi lợn hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời thực hiện tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngoài ra, Sở NN và PTNT còn hỗ trợ phát triển các HTX tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường; tiêu biểu là HTX sản xuất kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc (Xuân Trường), HTX sản xuất rau an toàn Nam Cường (Ý Yên) với quy trình công nghệ Nhật Bản… Khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi từ các mô hình nuôi nhỏ lẻ, nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh và siêu thâm canh, hình thành các vùng nuôi tập trung với quy mô trên 10ha/vùng theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, nuôi tuần hoàn, Biofloc… Kết hợp đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm thiểu và kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất thủy sản. Năm 2021, có trên 100ha với 135 mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao cho sản lượng khoảng 1.000-1.200 tấn.

Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Việc áp dụng các hoạt động, mô hình về sản xuất, tiêu dùng bền vững gắn liền với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình xây dựng NTM được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực; được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình, tham gia tích cực. Qua đó, đã giúp thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về sản xuất an toàn, bền vững, đảm bảo tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, số lượng các mô hình sản xuất an toàn, VietGAP, hữu cơ gắn với chế biến và liên kết chuỗi giá trị; mô hình tuần hoàn giảm thiểu chất thải chưa nhiều. Một số mô hình thiếu tính bền vững trong liên kết hoặc có hiệu quả nhưng chậm được nhân rộng. Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu giống và thời vụ; tình trạng lạm dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu vẫn còn ở một số nơi… 

Thời gian tới, ngành NN và PTNT tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động về sản xuất và tiêu dùng bền vững, điển hình là các dự án xây dựng mô hình: nuôi rươi kết hợp với trồng lúa hữu cơ quy mô 20ha của Công ty TNHH Toản Xuân liên kết với hộ trồng lúa kết hợp nuôi rươi tại huyện Nghĩa Hưng; thực hành nông nghiệp hữu cơ sản phẩm bột, trà rau má của Công ty Cổ phần Trà dược liệu Ngọc Anh (Trực Ninh); sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm tép moi sấy khô của Công ty TNHH Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy). Để tiếp tục đẩy mạnh các mô hình, hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, Sở NN và PTNT cũng đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền tại các địa phương, đào tạo, tập huấn kiến thức cho nông dân về sản xuất, tiêu dùng bền vững. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, tự động hóa trong sản xuất. Khuyến khích doanh nghiệp có tiềm năng tham gia vào khâu chế biến nông sản; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chống hàng nhái, hàng giả. Tăng cường nguồn lực cho việc triển khai thực hiện xây dựng mô hình điểm, mô hình giảm thiểu chất thải sản xuất. Ưu tiên bố trí kinh phí phù hợp để sản xuất theo liên kết chuỗi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com