Thời gian gần đây, bên cạnh các trường hợp mang tính trọng điểm, phát sinh từ nhiều năm trước nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm do tồn tại nhiều vướng mắc, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Nhờ quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên đất, huyện Giao Thủy đã sớm cung ứng mặt bằng sạch cho Công ty TNHH Nice Power đầu tư xây dựng nhà máy gia công đế và mũi giày dép tại xã Giao Tiến. |
Theo báo cáo của Công an tỉnh, các vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh chủ yếu là tình trạng: thu hồi đất, bán đất, cho thuê đất, giao đất trái thẩm quyền ở cấp cơ sở. Trong đó, các thôn, đội bán đất, cho thuê đất trái thẩm quyền để lấy vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như nhà văn hóa, cầu đường... theo các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Có những địa phương biết rõ không có thẩm quyền nhưng vẫn cố tình cho doanh nghiệp thuê đất để đầu tư xây dựng dự án ngay trong giai đoạn chờ UBND tỉnh, UBND huyện hoàn thiện thủ tục cho nhà đầu tư thuê đất. Tại các xã ngoại thành, các xã giáp ranh thành phố Nam Định phát sinh nhiều đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ruộng nhưng hầu hết các trường hợp này đều không hợp pháp vì các đối tượng nhận chuyển nhượng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, có nhiều người dân lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật như: tự ý xây dựng nhà trên đất vườn, ao (liền kề với thửa đất ở), thậm chí tự xây dựng nhà trên đất trồng lúa... mà không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định. Đặc biệt, thời gian gần đây, do tác động của tình hình thế giới và tình trạng đầu cơ gây “sốt ảo” tạo “bong bóng” của thị trường bất động sản trên cả nước, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tâm lý sợ lạm phát gia tăng nên một số bộ phận người dân có nguồn vốn đã đầu tư vào mua đất để bán kiếm lời hoặc để dành. Lợi dụng tâm lý của người dân, một số đối tượng “cò đất” đã “thổi giá”, “gây sốt ảo” tại các phiên đấu giá để bán đất đã đấu tại các phiên trước nhằm kiếm lời. Việc làm này gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người có nhu cầu thực sự về đất ở, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp; gây khó khăn không nhỏ đối với công tác xác định giá khởi điểm tại các phiên đấu giá đất ở của các cơ quan có thẩm quyền.
Trước hiện trạng kể trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã gia tăng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai; trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai. Đối với cấp Sở Tài nguyên và Môi trường, riêng năm 2021 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 đơn vị vi phạm trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền phạt là 34 triệu đồng; phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện 7 cuộc thanh tra và 10 cuộc kiểm tra liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường. 6 tháng đầu năm 2022, trong tổng số 35.308 trường hợp vi phạm sử dụng đất theo Hướng dẫn 1456/HD-STNMT cần xử lý với tổng diện tích là 14.978.526,4m2, đã ra quyết định xử lý 5 trường hợp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 trường hợp, thu được 603 triệu 402 nghìn đồng. Tính lũy kế đến nay đã xử lý được 3.617 trường hợp vi phạm với diện tích 729.184m2. Trong tổng số 70 dự án chậm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng sai so với mặt bằng được phê duyệt đã tiến hành hoàn thiện hồ sơ thực hiện xong được 62 dự án, còn 8 dự án tiếp tục đôn đốc thực hiện. Tích cực đôn đốc UBND các huyện, thành phố trong việc đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 43-KL/TU ngày 22-8-2018 của BCH Đảng bộ tỉnh. Các cơ quan chuyên ngành (Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) đã tăng cường phối hợp chặt chẽ trong thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, xác định tội danh, áp dụng biện pháp ngăn chặn; không để xảy ra oan, sai, sót lọt tội phạm liên quan đến đất đai. Trong đó, các ngành đặc biệt chú trọng xử lý nghiêm minh, đúng tội đối với các trường hợp vi phạm là cán bộ làm công tác quản lý đất đai tại cấp cơ sở. Đây là những người trực tiếp thực hiện công tác quản lý đất đai, hiểu rõ quy định pháp luật và thường áp dụng phương thức cấu kết với nhau để cấp, bán đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái thẩm quyền. Trong những năm vừa qua, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến lĩnh vực đất đai, thu hồi cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Hiện nay, các ngành chức năng, các địa phương tích cực rà soát, phân loại, lập biểu thống kê, xây dựng phương án xử lý để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án, đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến đất đai từ trước ngày 17-7-2012; tiếp tục xử lý quyết liệt, triệt để vi phạm phát sinh mới và triển khai thực hiện dứt điểm phương án cưỡng chế tháo dỡ công trình, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với các trường hợp vi phạm sau ngày 17-7-2012. Tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, nắm tình hình; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm, tội phạm về tham nhũng, kinh tế trong lĩnh vực đất đai; tập trung điều tra xác minh, nhanh chóng kết luận, đề xuất xử lý nghiêm minh, nhất là những vụ án gây thiệt hại lớn, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng thu hồi tài sản thiệt hại do tội phạm gây ra. Các ngành chức năng, các địa phương khuyến cáo nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; cảnh giác trước những thủ đoạn tạo “sốt ảo” của số đối tượng “cò đất”; tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến các sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy