Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (KTB) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch bệnh COVID-19, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nằm ở vị trí ven biển, Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) sẵn sàng mặt bằng sạch để cung cấp cho các nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh: Bùi Luận |
Kỳ 1: Dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Nam Định có bờ biển dài 72km; có 80 xã, thị trấn với hơn 600 nghìn người sinh sống (khoảng 34% dân số toàn tỉnh) thuộc 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng trên diện tích 724km2 đất tự nhiên ven biển (bằng 43% diện tích toàn tỉnh). Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của KTB đối với sự phát triển của địa phương, thời gian qua, tỉnh đã bám sát Nghị quyết 36-NQ/TW để ban hành các chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển vùng KTB của tỉnh. Ngày 5-12-2018 BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW xác định mục tiêu lâu dài, xuyên suốt trong từng giai đoạn phát triển và phấn đấu KTB ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh. Ngày 18-6-2021, ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó xác định mục tiêu xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản; phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh... UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các kế hoạch, đề án, trong đó có Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 16-7-2021 và tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương tổ chức hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển KTB. Thực hiện chủ trương chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển KTB trong phạm vi địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Để cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, nâng cao hiệu quả thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, các ngành, các địa phương đã tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày một hiện đại. Trong đó ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước đầu tư các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị, khu dân cư tập trung... Trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn, tỉnh đã ban hành cơ chế quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn tiền đấu giá quyền sử dụng đất các khu đô thị, khu dân cư tập trung nên đã tạo được nguồn lực lớn để đầu tư các dự án trọng điểm, nhất là các công trình giao thông huyết mạch, có tính liên kết vùng, góp phần thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2016-2020, bằng nguồn vốn đầu tư công đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch mang tính kết nối, thúc đẩy phát triển vùng KTB như: tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; giai đoạn I tuyến đường trục phát triển kết nối vùng KTB tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đã cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hàng trăm km giao thông nông thôn, cầu, cống dân sinh. Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm, có vai trò tạo sức bật mới cho nhiệm vụ khai thác, phát triển tiềm năng, lợi thế vùng KTB của tỉnh: Giai đoạn 2 tuyến đường trục phát triển kết nối vùng KTB tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang và cụm công trình kênh đào nối sông Đáy và Ninh Cơ… Đến nay, toàn tỉnh đã nâng cấp, cứng hóa 88,17/91km đê biển chống được bão cấp 10, triều trung bình, còn lại chống được bão cấp 9; tập trung thi công dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc hạng mục dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 107 triệu USD. Giai đoạn 2016-2020, tại 3 huyện ven biển đã đầu tư 12 dự án xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, tỉnh đã sớm đẩy mạnh thu hút xã hội hóa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng KTB; đồng thời chú trọng dẫn dắt nguồn vốn tư nhân đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm như xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, 3 huyện ven biển đã huy động được 450 tỷ đồng từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tại 3 huyện ven biển đã hình thành Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, 6/23 cụm công nghiệp cấp huyện theo quy hoạch đến năm 2025 với tổng diện tích 85,5ha, cung ứng mặt bằng phục vụ sản xuất đa dạng các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy. Ảnh: Thanh Thúy |
Các huyện ven biển tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và gia tăng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư phát triển KTB. Đặc biệt ưu tiên thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, ngành nghề thế mạnh, tạo được những điểm nhấn trong phát triển KTB. Giao Thủy trước đây do “yếu thế” về giao thông nên vốn là địa bàn đuối nhất tỉnh trong thu hút đầu tư, công nghiệp chậm phát triển. Ngay khi nắm bắt được chủ trương đầu tư tuyến đường bộ ven biển đi qua địa bàn sẽ mở ra hướng phát triển mới của huyện bởi thuận tiện kết nối với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm của quốc gia như Hải Phòng, Quảng Ninh, huyện Giao Thủy đã nắm bắt cơ hội phát triển, tăng cường các chương trình, biện pháp hữu ích hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới, nâng cao công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Nhờ đó, Giao Thủy hiện đã vươn lên “top” đầu của tỉnh trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, Giao Thủy ngày càng thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm các sản phẩm kinh tế du lịch gồm trải nghiệm tại khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy, du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Giao Xuân. Tại Hải Hậu, huyện đã ưu tiên phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với các vùng nuôi được quy hoạch diện tích lớn, nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản, ứng dụng khoa học công nghệ mới; đẩy mạnh phát triển ngành chế biến thủy sản theo quy mô làng nghề; chú trọng phát triển kinh tế du lịch tắm biển tại bãi tắm Thịnh Long, du lịch trải nghiệm văn hóa tại khu chứng tích lịch sử nhà thờ đổ Hải Lý và sản phẩm du lịch nông thôn Ecohost - Hải Hậu. Tại Nghĩa Hưng chuyển hướng thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn với các nhà đầu tư tiềm năng. Cụ thể như Tập đoàn Xuân Thiện với các dự án: Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định tổng vốn đầu tư 88 nghìn tỷ đồng, nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng tổng vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng, nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng; Công ty TNHH Top Textiles đầu tư nhà máy dệt vải trị giá 203 triệu USD tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông.
Bằng những nỗ lực cụ thể hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển KTB tiềm năng phát triển kinh tế ven biển của tỉnh được phát huy khá toàn diện; vùng KTB dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, sản xuất công nghiệp giai đoạn 2018-2021, khu vực ven biển của tỉnh đã thu hút được 75 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký khoảng 101.823 tỷ đồng và 339 triệu USD. Sản xuất nông nghiệp đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các HTX, hộ nông dân và không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu, chất lượng các sản phẩm chủ lực là thuỷ sản, cây rau màu, lúa gạo. Đến nay, tại 3 huyện ven biển đã có 147 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm 58,6% số sản phẩm OCOP toàn tỉnh). Riêng sản phẩm ngao sạch còn được tỉnh hỗ trợ phát triển 500ha thành vùng nuôi ngao liên kết Lenger Farm đủ điều kiện trở thành vùng nuôi đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata (chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững trên toàn thế giới). Hàng năm các vùng ven biển đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên toàn tỉnh; tăng trưởng GRDP các huyện ven biển cao hơn bình quân toàn tỉnh. Các địa phương vùng ven biển luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Những kết quả kể trên đã minh chứng cho quyết tâm vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực thực hiện các giải pháp đúng, trúng để hiện thực hóa nghị quyết của Đảng về phát triển KTB của cả hệ thống chính trị và cộng đồng người dân, doanh nghiệp; đồng thời là tiền đề để tỉnh thực hiện thành công những định hướng chiến lược trong phát triển KTB đã đề ra.
(Còn nữa)
Thanh Thúy