[links()]
(Tiếp theo và hết)
Để đạt được mục tiêu “đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”, cùng với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề, trong đó có 5 Nghị quyết về phát triển kinh tế gồm: Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một góc nông thôn mới thị trấn Yên Định (Hải Hậu). |
Kỳ II: Thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm
Khác với những nhiệm kỳ trước, ngay khi bắt tay vào triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp thì bùng phát dịch bệnh COVID-19 không chỉ trong cả nước mà trên toàn cầu với những tác động tiêu cực sâu rộng, tàn phá nền kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn thế giới. Các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được quyết nghị trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XX khi chưa xuất hiện dịch bệnh nên được xây dựng ở mức khá cao. Trong năm đầu tiên 2021 và những tháng đầu năm 2022 thực hiện Nghị quyết Đại hội XX, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phải tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất, duy trì ổn định kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cả giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó kinh tế toàn cầu lại suy giảm trầm trọng do dịch bệnh kéo theo các hiệu ứng domino đến từng nền kinh tế các quốc gia. Các chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu, mà trong đó các doanh nghiệp, ngành hàng của tỉnh tham gia bị cắt đứt, ngừng trệ, cơ hội phục hồi khó khăn. Trước tình hình thực tế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề toàn khoá, triển khai quán triệt đến toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận trên diện rộng, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện. Cùng với việc chọn đúng khâu đột phá để xây dựng nghị quyết chuyên đề, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cũng tập trung lựa chọn những giải pháp thiết thực để quyết liệt tập trung chỉ đạo, lãnh đạo toàn Đảng bộ quyết tâm thực hiện và hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên các giải pháp về cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đổi mới cải cách công tác cán bộ… Theo báo cáo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong tháng 4-2022, Nam Định xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố với tổng số 64,99 điểm, tăng 16 bậc, từ nhóm trung bình năm 2020 vươn lên nhóm khá của cả nước. So với năm 2020, Nam Định có 6/10 chỉ số thành phần PCI tăng điểm gồm: chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tiếp cận đất đai; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động của chính quyền tỉnh.
Kiên trì chủ trương phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông để tháo gỡ, khắc phục các điểm yếu về vị trí địa lý, tăng năng lực vận tải; lưu thông hàng hóa, trong tháng 4-2022, UBND tỉnh đã khởi công đầu tư giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng của tỉnh với kỳ vọng mở ra những cơ hội đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng. Giai đoạn II của dự án có thời gian thực hiện hợp đồng 42 tháng và sẽ hoàn thành toàn tuyến. Đầu tháng 5-2022, thêm 1 dự án giao thông quan trọng là dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Mới nằm trên Quốc lộ 38B bắc qua sông Đáy kết nối giữa huyện Ý Yên tỉnh Nam Định với huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, là cây cầu lớn nhất trong tổng số 6 cầu của dự án Cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng), sử dụng vốn vay EDCF của Hàn Quốc chính thức được khởi công xây dựng. Hai địa bàn Ý Yên (Nam Định) và Hoa Lư (Ninh Bình) đều nằm trong các tuyến du lịch tâm linh, sinh thái tiềm năng phong phú của 2 tỉnh nói riêng và các tỉnh khu vực duyên hải đồng bằng sông Hồng nói chung.
Thi công cầu qua sông Hồng trên tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Giao Thuỷ. |
Với mục tiêu làm cơ sở để xây dựng và từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải (GTVT) tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đảm bảo phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, khoa học, ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối vùng; kết nối đô thị vùng với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia bền vững, ngày 26-5-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 970/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến tỉnh Hà Nam với tổng chiều dài khoảng 41,5km, quy mô tối thiểu đường cấp III đồng bằng, mỗi tuyến 4 làn xe, nền đường rộng khoảng 17m, phạm vi giải phóng mặt bằng khoảng 40m; Tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định - Đường cao tốc Bắc - Nam (tuyến tránh giảm tải cho Quốc lộ 10); Tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định đến đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định (tuyến tránh giảm tải cho Quốc lộ 10) và tuyến nhánh gồm: tuyến chính (thành phố Nam Định đến đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định) dài 19,6km vào quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tỉnh Nam Định đến năm 2030. Quy hoạch tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, kết nối Lạc Quần - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, ngân sách địa phương và tích cực huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên đầu tư, sớm hoàn thành một số công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch “đối nội” và “đối ngoại” gồm: hoàn thành dự án Đầu tư xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Bến Mới, cầu Đống Cao; Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Nâng cấp Quốc lộ 37C Nam Định - Ninh Bình - Hòa Bình và các dự án Tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C,... Với hàng loạt dự án giao thông đã khởi công và đang triển khai các bước đầu tư đã hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng vùng kinh tế biển theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Xây dựng, hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ là trung tâm giao thương về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và cảng biển; Khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng là trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang... Xây dựng, phát triển các đô thị ven biển như: Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông... theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển, nghỉ dưỡng... Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tập trung xây dựng phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025”. Trong đó tập trung tổ chức thực hiện tốt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Phấn đấu sớm hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính thành phố theo Quy hoạch được phê duyệt. Phát triển đặc trưng và bản sắc của thành phố Nam Định như: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Trần, Chùa Phổ Minh, truyền thống đất học,...
Trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được của nhiều nhiệm kỳ trước, với sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, có thể tin tưởng chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh trong nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, để tạo tiền đề vững chắc hơn nữa phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước./.
Bài và ảnh: Thành Trung