Giao thông "đi trước một bước" để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (kỳ 1)

07:07, 12/07/2022

Việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại là giải pháp động lực quan trọng tháo gỡ những điểm nghẽn, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông, là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Với “giao thông đi trước một bước” là tiền đề vững chắc góp phần để đạt mục tiêu phấn đấu Nam Định “trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.

Phối cảnh đơn nguyên cầu Đống Cao trên tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh ta với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn II
Phối cảnh đơn nguyên cầu Đống Cao trên tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh ta với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn II.

Kỳ I: “Giao thông đến đâu, làm giàu đến đấy”

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt những kết quả khả quan. 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh tiếp tục khởi sắc, một số chỉ tiêu kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung của cả nước: tổng sản phẩm GRDP tăng 8,37% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,07%, năm 2020 tăng 4,29%), xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 65% dự toán, tăng 26% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,7%, chủ yếu là sự đóng góp từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là sản xuất dệt, may, sợi, da giầy, thuốc, dược liệu...; xuất khẩu hàng hóa tăng 13,3% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại, dịch vụ dần trở lại bình thường và đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,5%; tín dụng tăng 10,5% so với cuối năm 2021...

Để có được kết quả đó, thời gian qua, trên 40 nghìn tỷ đồng được tỉnh huy động từ các nguồn để đầu tư phát triển, nâng cấp cải tạo kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông thôn, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn. Nhờ đó, tạo thêm việc làm, sinh kế cho hàng trăm nghìn lao động tại các làng nghề và các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu, cụm công nghiệp; nhiều công trình, dự án quan trọng đã và đang triển khai góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế của tỉnh; vừa tạo diện mạo mới cho các vùng quê vừa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của tỉnh. Hệ thống giao thông đường bộ trên toàn tỉnh đến nay đã phát triển với tổng chiều dài hơn 12 nghìn km, trong đó có 1 tuyến cao tốc dài 20,4km; 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 259,5km; 12 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 269,37km; 465,5km đường đô thị; 376,1km đường huyện; 1.696,06km đường xã, liên xã và 9.207,4km đường giao thông nông thôn.

Theo Sở KH và ĐT, trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công theo hướng từng bước điều chỉnh cơ cấu đảm bảo phù hợp yêu cầu thực tiễn và hiệu quả; tích cực huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển. Tạm dừng, giãn tiến độ một số dự án chưa thực sự cấp bách để tạo điều kiện tập trung vốn cho các dự án trọng điểm. Đáng chú ý, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ các dự án do Sở NN và PTNT làm chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương thiếu vốn lớn so với khối lượng đã hoàn thành, dự án có tổng mức đầu tư lớn nhưng không còn được cấp vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ..., bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh để hoàn thiện đúng kế hoạch. Nhờ đó, đến hết năm 2021, một số dự án lớn, công trình trọng điểm có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của tỉnh đã được triển khai đảm bảo tiến độ như: Dự án Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Giai đoạn I); Tỉnh lộ 487B,... đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Tỉnh lộ 485B, 488B; 488C,... Ký hợp đồng thi công và tiếp tục triển khai dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định; Tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư dự án Xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Giai đoạn II), dự án Cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê sông xung yếu. Lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; hoàn thành công tác GPMB xây dựng cầu Bến Mới vượt sông Đáy trên Quốc lộ 38B; thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng cầu Đống Cao vượt sông Đào và cầu Ninh Cường trên Quốc lộ 37B vượt sông Ninh Cơ.

Lễ động thổ giai đoạn II dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Lễ động thổ giai đoạn II dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Để tạo nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, Chính phủ thắt chặt chi tiêu; thực hiện chỉ đạo của Ban TVTU, Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã đưa ra giải pháp đột phá với chương trình đầu tư các khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, vừa nâng cao tỷ lệ đô thị hóa ở khu vực nông thôn; vừa đáp ứng nhu cầu đất ở với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho người dân nông thôn, đồng thời giải quyết được khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai được trên 70 dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn; số tiền thu được từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2021 ngân sách tỉnh đã dành 76,5% (5.201,699 tỷ đồng) để thanh, quyết toán cho các dự án, hạng mục đã hoàn thành tạo động lực thu hút đầu tư các dự án mới. Các quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đều hướng tới mục tiêu nâng cấp cơ sở hạ tầng góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhiều công trình dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi trọng điểm được đầu tư theo quy hoạch dài hạn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng; đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ với tổng mức đầu tư gần 1.160 tỷ đồng; Tỉnh lộ 488 (từ cầu Vòi đến thị trấn Thịnh Long) với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng; Tỉnh lộ 487 với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng; Tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (cầu Lạc Quần) đến phà Sa Cao với tổng mức đầu tư trên 580 tỷ đồng; năm 2021 hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tổng mức đầu tư trên 2.800 tỷ đồng... Đồng thời, đã tập trung cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được trên 2.500km giao thông nông thôn và gần 3.000 cầu, cống dân sinh.

Nhờ hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, đảm bảo kết nối thuận lợi nên công tác thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và bảo vệ môi trường cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Tổng diện tích đất các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.500ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đang hoạt động là Bảo Minh, Hòa Xá, Dệt may Rạng Đông, Mỹ Trung với tổng diện tích khoảng 1.100ha; thu hút được trên 220 dự án trong nước và nước ngoài, giải quyết việc làm cho trên 45 nghìn lao động. Có 19/24 cụm công nghiệp cấp huyện đã đi vào hoạt động, thu hút gần 500 dự án đầu tư, tạo việc làm cho trên 20 nghìn lao động. Các dự án đầu tư về nông thôn không chỉ mang đến những cơ hội phát triển, chuyển dịch đồng bộ, năng động cho kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn trong tỉnh.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thành Trung

 

 



Công ty mua hàng taobao về việt Nam Cách mua hàng trên taobao giá sỉ

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com