Các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Trực Ninh thường xuyên quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, qua đó đã khơi dậy tinh thần, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, khuyến khích các chủ trang trại, gia trại phát triển sản xuất, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác.
Anh Trần Văn Toản, xã Trực Tuấn là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. |
Hàng năm, HND huyện đã phát động hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hưởng ứng phong trào thi đua, đã có hàng nghìn cán bộ, hội viên trở thành gương điển hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng, một số hộ có thu nhập từ 500 triệu đến gần 3 tỷ đồng. Nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ phát triển theo hướng liên kết tích tụ, tập trung ruộng đất, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn. Tiêu biểu như ông Trịnh Văn Diện, xã Trực Chính thuê 20 mẫu ruộng cánh gò từ những hộ gia đình không cấy để thực hiện mô hình cánh đồng lớn trồng khoai tây và luân canh 2 vụ lúa giống/năm. Ông đầu tư mua 5 máy làm đất cỡ lớn, 1 máy phay đất, 1 máy gieo hạt, 3 máy thu hoạch lúa màu các loại phục vụ sản xuất và nhận dịch vụ làm đất, gieo hạt, thu hoạch cho bà con nông dân. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, tổng thu nhập của gia đình ông đạt 450-500 triệu đồng/năm; đồng thời giải quyết việc làm cho từ 15 đến 20 lao động địa phương. Ông Diện vinh dự là một trong những người lao động tiêu biểu của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020. Tại xã Trung Đông, ông Vũ Trung Trực nhiều năm qua đã thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa giống, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Năm 2015, khi Công ty TNHH Cường Tân về triển khai mô hình trồng lúa lai tại xã, được hỗ trợ, hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, ông đã mạnh dạn đứng ra nhận làm. Ông đầu tư mua 2 máy cấy, 1 máy gieo sạ, 1 máy phun phân cùng các loại máy cày, bừa để phục vụ cho việc trồng lúa lai, thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm. Tại xã Trực Thái, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của UBND và HND xã, ông Nguyễn Văn Thục đã thuê gần 4.000m2 đất xây dựng trang trại VAC theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi với 3 sào ao nuôi cá, gần 600m2 chuồng trại chăn nuôi lợn và vườn trồng hoa phong lan, hoa hồng, cây ăn quả, cây dược liệu. Trong chăn nuôi lợn, ông đưa thêm thảo dược vào khâu chế biến thức ăn, giúp lợn tăng sức đề kháng, chất lượng thịt thơm ngon hơn. Với quy mô đàn 500 con, bình quân mỗi năm trang trại xuất bán 70-80 tấn thịt lợn thương phẩm. Ông còn cùng với những hộ chăn nuôi lợn thành lập Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, trên cơ sở đó xây dựng HTX chăn nuôi đa dạng sinh học với 13 thành viên, thường xuyên sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Cũng tại xã Trực Thái, ông Phạm Văn Bằng đã liên kết với các hộ sản xuất nấm tại địa phương và các xã Hải Xuân (Hải Hậu); Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng)… thành lập HTX sản xuất nấm Nhật Bằng nhằm hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giống, phôi nấm, nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ 17 thành viên tham gia ban đầu, đến nay HTX đã phát triển lên trên 30 thành viên. Ngoài ra phải kể đến những hội viên tiêu biểu trong duy trì, phát triển ngành nghề, nghề truyền thống. Điển hình như ông Nguyễn Đoàn Phó, thị trấn Cổ Lễ sản xuất đồ gỗ truyền thống; ông Trần Văn Toản, xã Trực Tuấn với mô hình sản xuất giỏ hoa.
Để nhân rộng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp HND huyện Trực Ninh luôn quan tâm hỗ trợ hội viên về vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề tạo việc làm, quảng bá, bao tiêu sản phẩm… Hội đã tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, gần 100 hộ nông dân vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; 5.088 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 150,6 tỷ đồng; 4.619 hộ vay vốn Ngân hàng NN và PTNT với tổng dư nợ 1.289,66 tỷ đồng. Hội còn thường xuyên phối hợp với các công ty, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Ban nông nghiệp, các HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăm sóc, bảo vệ lúa, cây màu xuân; chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; nuôi thuỷ sản, đặc biệt là chuyển giao hướng dẫn bà con sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã tổ chức được 50 buổi với 5.532 người tham dự. HND huyện còn phối hợp với Bưu điện huyện triển khai, thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa HND Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa năm 2022; tổ chức lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp của nông dân trong huyện đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART. Ngoài ra, các cấp Hội tiếp tục xây dựng mới và duy trì các mô hình kinh tế tập thể tại các xã, thị trấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thành lập 3 tổ hợp tác gồm: chăn nuôi tổng hợp xã Trực Đại; hoa lan, cây cảnh thị trấn Cát Thành; nuôi cá nước ngọt xã Trực Thanh. Đến nay, toàn huyện có 13 tổ hợp tác, 1 HTX, 5 tổ hội nghề nghiệp. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống người dân. Bên cạnh đó, các cấp HND huyện Trực Ninh luôn chú trọng biểu dương, khen thưởng những cá nhân tiêu biểu. 6 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội đã bình xét đề cử nông dân tiêu biểu đề nghị Trung ương HND Việt Nam tôn vinh nông dân xuất sắc năm 2022; đề nghị tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Nguyễn Đoàn Phó, thị trấn Cổ Lễ, đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các ông Vũ Trung Trực, xã Trung Đông; Vũ Thanh Chuyển, xã Trực Thanh; Vũ Văn Bằng, xã Trực Thái; đề nghị tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 5 hộ nông dân tiêu biểu.
Những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Trực Ninh đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 19 cánh đồng lớn tại 15 xã, thị trấn với diện tích 731,98ha; 19/21 xã, thị trấn có mô hình cánh đồng liên kết sản xuất lúa, quy mô 641ha. Huyện đã hình thành các mô hình sản xuất hữu cơ công nghệ cao như: Sản xuất giống lúa của Công ty TNHH Cường Tân (350ha), liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa sạch của Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh (150ha), Công ty cổ phần Giống cây trồng Việt Nam (8ha), HTX Dược thảo Hoàng Thành (15ha); mô hình trồng rau, củ, quả theo công nghệ thuỷ sinh và hữu cơ của Công ty cổ phần Sản xuất rau, củ quả sạch Ngọc Anh... Sản xuất, kinh doanh phát triển đã đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện, tạo ra nhiều sự đổi thay rõ rệt, đời sống người dân ngày càng nâng cao./.
Bài và ảnh: Lam Hồng