Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ động các giải pháp ổn định chính sách tiền tệ

08:07, 22/07/2022

6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách trọng tâm của Đảng, Nhà nước và của ngành đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn. Đồng thời, chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh.

Giải ngân vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NĐ-CP tại điểm giao dịch UBND xã Trực Nội (Trực Ninh).
Giải ngân vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NĐ-CP tại điểm giao dịch UBND xã Trực Nội (Trực Ninh).

Theo đó, NHNN Chi nhánh tỉnh đã tổ chức triển khai kịp thời, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng. NHNN Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với Văn phòng NHNN Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân; Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước quy mô 40 nghìn tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN. Hội nghị chuyên đề đánh giá hoạt động của hệ thống Quỹ Tín dụng nhân đân trên địa bàn. Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thông tin nội dung hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để doanh nghiệp nắm rõ và sớm được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; thường xuyên rà soát, kiểm tra khách hàng vay, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, tránh tình trạng khách hàng sử dụng vốn vay ưu đãi sai mục đích đầu tư kinh doanh bất động sản, gây nhiễu loạn thị trường này. Rà soát các khoản cho vay khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh theo danh sách tổ chức, cá nhân trúng đấu giá do UBND tỉnh cung cấp; giám sát, kiểm tra, đảm bảo khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh; không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất ổn định, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tuy có tăng nhẹ so với thời điểm tháng 12-2021 nhưng không ảnh hưởng đến lãi suất của toàn hệ thống. Lãi suất cho vay đến 6%/năm chiếm tỷ trọng 7,4%; từ trên 6%/năm đến 9%/năm chiếm tỷ trọng 63%; từ trên 9%/năm chiếm tỷ trọng 29,6% trong cơ cấu tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn tỉnh. Thị trường ngoại tệ tiếp tục duy trì ổn định, thanh khoản thị trường diễn ra bình thường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Đối với hoạt động huy động vốn, tính đến hết tháng 6-2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 93.234 tỷ đồng, tăng 6.099 tỷ đồng (7%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay thương mại và chính sách đạt 89.435 tỷ đồng, tăng 8.498 tỷ đồng (10,5%) so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 75,2%, dư nợ trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 24,8%. Đối với dư nợ các chương trình tín dụng, các TCTD đã thực hiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được 50.084 tỷ đồng, chiếm 56% tổng dư nợ cho vay; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.456 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng dư nợ. Thống kê cũng cho thấy, nợ xấu nội bảng trong toàn hệ thống ngành Ngân hàng của tỉnh ở mức 493 tỷ đồng, bằng 0,56% tổng dư nợ.

Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra NHNN Chi nhánh tỉnh đã tổ chức thanh tra đối với 7 đơn vị, gồm Ngân hàng TMCP Sài gòn - Hà Nội Chi nhánh Nam Định, Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Nam Định, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bắc Nam Định và các Quỹ Tín dụng nhân dân: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), Trực Thái (Trực Ninh), Hải Phương (Hải Hậu)... Tập trung thực hiện tốt công tác giám sát từ xa, đôn đốc, xử lý và chỉnh sửa sau thanh tra, bảo đảm hoạt động ngân hàng trên địa bàn tuân thủ quy định của pháp luật, an toàn, hiệu quả. Công tác tiếp dân được duy trì thường xuyên theo quy định, trong 6 tháng đầu năm 2022 tại NHNN Chi nhánh tỉnh không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Theo dự báo của NHNN Việt Nam, thời gian tới, hoạt động ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn phải đối mặt, trong đó là nguy cơ lạm phát. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2022, NHNN tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ của ngành thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam; Thông tư số 03/2022/TT-NHNN về hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Ngoài ra, đối với các TCTD, NHNN tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phục hồi sản xuất sau dịch, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Thông tin đầy đủ, kịp thời về các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, các giải pháp hỗ trợ đối với khách hàng vay vốn để triển khai và phối hợp thực hiện. Chú trọng công tác thanh tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các TCTD, đảm bảo chính sách được triển khai đến đúng đối tượng. Qua đó, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường. Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai chính sách, nhất là tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, góp phần hạn chế tín dụng đen. Triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh; Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh. Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường phối hợp, mở rộng kết nối với các ngành, lĩnh vực để cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng đối với các dịch vụ công./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com