Khoa học và công nghệ góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi lợn

08:07, 28/07/2022

Người xưa có câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”. Những năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn từ “khủng hoảng giá” lợn, giá thức ăn chăn nuôi đến dịch tả lợn châu Phi hoành hành… Song nhiều hộ nông dân trong tỉnh với sự hỗ trợ của ngành chức năng đã thay đổi tư duy, khéo léo đưa khoa học công nghệ (KHCN), đầu tư thiết bị hiện đại vào đổi mới sản xuất giúp chăn nuôi lợn phát triển bền vững, giữ vững vị trí số 1 trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh ta.

Trang trại nuôi lợn hữu cơ của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh).
Trang trại nuôi lợn hữu cơ của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh).

Trong xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi có thể kể đến mô hình “biến chất thải thành tiền” của anh Nguyễn Văn Chinh, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). Với quy mô nuôi 2.000 con lợn, trước đây hầm biogas của trang trại luôn bị quá tải, chất thải đầy ứ cả nước và bã khiến nước thải rò rỉ ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Được sự định hướng và hỗ trợ của Sở NN và PTNT và Ban quản lý Dự án Các bon thấp tỉnh, anh Chinh đã đầu tư công nghệ xử lý chất thải khép kín gồm: máy ép phân, bể chứa nhiều ngăn phục vụ máy ép và máy phát điện sinh học. Tất cả chất thải của lợn từ trong chuồng được chảy xuống bể lắng; máy tách phân sẽ hút chất thải để tách bã ép kiệt nước. Phân khô dạng mùn nhỏ mịn, tơi như mùn cưa, được sử dụng cho trồng trọt và nuôi thủy sản; nước thải tích vào hầm biogas dùng để tưới cây. Theo anh Chinh, mỗi lần hoạt động máy ép phân cho thu hơn 200kg phân khô, bán được từ 5-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhờ công nghệ máy phát điện chạy bằng khí gas được lấy từ công trình khí sinh học, mỗi tháng anh cũng tiết kiệm được 10-20 triệu đồng tiền điện. Song song với sử dụng máy tách phân, anh còn xây bể rộng 200m2, áp dụng mô hình nuôi giun quế Ấn Độ để xử lý chất thải. Phân lợn được bổ sung mật mía, sử dụng công nghệ vi sinh để phân hủy. Sau 2-3 ngày thì dùng cho giun ăn trực tiếp. Nuôi theo phương pháp này, giun sinh trưởng nhanh, sức đề kháng tốt, chỉ 40-45 ngày là cho thu hoạch, sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; Phân giun thì được xử lý làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. “Không chỉ hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, thu nhập từ mô hình sử dụng máy ép phân và nuôi giun quế cũng giúp gia đình chia sẻ chi phí sản xuất trong tình hình chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn như hiện nay” - anh Chinh cho biết. 

Mô hình lợn “phá cách” đầu tiên ở tỉnh phải kể đến trang trại nuôi lợn hữu cơ của ông Nguyễn Văn Thục, xóm 5 xã Trực Thái (Trực Ninh) - một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương trao tặng. Với số lượng nuôi trên 300 con lợn nhưng khu vực xung quanh trang trại luôn có mùi thơm ngát, nhẹ nhàng tỏa ra từ những bông hoa hồng ngoại, những chùm lan rừng… không có mùi hôi thối. Theo chia sẻ của ông Thục, trang trại thực hiện quy trình khép kín theo mô hình 3F “Feed - Farm - Food” (chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn) và áp dụng 4 “không” là không sử dụng chất cấm, không chất kháng sinh, không chất tăng trọng và không kim loại nặng trong chăn nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, trang trại sử dụng thức ăn “đặc biệt” cho lợn là hỗn hợp cám gạo, ngô, vỏ sò, cá khô, đậu tương, bỗng rượu cùng các loại thảo dược khác như thảo quả, hoàng đẳng sâm, kim ngân, quế chi… Ngoài ra còn bổ sung men vi sinh chủng EM trộn vào thức ăn để lợn tăng cường hấp thụ chất, đồng thời xử lý môi trường chuồng trại, khử mùi hôi. Hiện trang trại đã đầu tư xây dựng dây chuyền giết mổ công suất 10 con/ngày tạo thành 1 quy trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo sạch từ A đến Z. Sản phẩm lợn sau giết mổ được pha lọc, cắt xẻ, thái miếng, đóng túi hút chân không đảm bảo sạch khi bán đến tay người tiêu dùng. Ngoài sản phẩm thịt lợn tươi sống còn có các sản phẩm đã chế biến như ruốc thịt lợn, xúc xích, giò… đóng gói sẵn, dán tem nhãn, chứng nhận sản phẩm “sạch” đầy đủ. Trong số này, 3 sản phẩm thịt lợn, xúc xích, ruốc được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Điều này cũng giúp các sản phẩm của trang trại dễ dàng được khách hàng tin dùng và ủng hộ. Bình quân mỗi năm trang trại của ông Thục xuất bán ra thị trường 80-100 tấn thịt lợn thương phẩm, doanh thu đạt 4-5 tỷ đồng.

Để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn kỹ lưỡng con giống; khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư chuồng trại hiện đại, tự động hóa nhiều khâu với quy trình khép kín, dây chuyền giết mổ - chế biến hiện đại. Hiện nay, tỉnh tập trung phát triển các giống lợn ngoại, lợn lai 3-4 máu, đáp ứng nhu cầu sản xuất lợn thịt; duy trì tỷ lệ đàn lợn nái Móng Cái, nái lai với tỷ lệ phù hợp đáp ứng nhu cầu sản xuất lợn sữa xuất khẩu; áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn nhằm tạo con giống lai… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế dịch bệnh bùng phát, lây lan. Phương thức chăn nuôi lợn ở tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến rõ rệt, tích cực theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ; hình thức chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng được nhân rộng. Nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn đã mạnh dạn đầu tư chuồng kín (chuồng lạnh); sử dụng hệ thống máng ăn, núm uống nước tự động cho lợn theo nhu cầu. Đáng chú ý là ứng dụng KH và CN trong quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn như: sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải của lợn làm phân bón hữu cơ; sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải… không những giải quyết hiệu quả bài toán khó về phát triển chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; 1 cơ sở cấp xã và 38 cơ sở chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, từ năm 2020, Sở NN và PTNT đã hỗ trợ 3 hộ chăn nuôi lợn tại 3 huyện Ý Yên, Giao Thủy, Xuân Trường và Trung tâm Giống gia súc, gia cầm thực hiện mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Sau hơn 2 năm, mô hình đã khẳng định ưu điểm như giảm thiệt hại và chi phí trong phòng chống dịch thông qua việc kiểm soát nguồn nước và chất thải; giảm 70-80% lượng nước do không phải tắm cho lợn; giảm chi phí tiền điện; tăng giá trị sản phẩm; tạo thêm nguồn thu nhập cho người chăn nuôi thông qua việc cung cấp nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ cho ngành trồng trọt, đồng thời cải thiện môi trường chăn nuôi. Ngoài đẩy mạnh ứng dụng trong sản xuất, hiện nay các Công ty TNHH: Công Danh, một thành viên chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành, Biển Đông DHS… đã xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm chăn nuôi lợn và tổ chức liên kết theo chuỗi giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Một số sản phẩm lợn đã được xuất khẩu sang Hồng Kông, Malaysia. Mặc dù gặp nhiều khó khăn song năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 150.470 tấn, tăng 0,2% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 81.596 tấn, tăng 2,74% so với cùng kỳ năm trước.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi lợn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, tiếp tục giúp chăn nuôi lợn phát triển vững chắc và giữ vị trí hàng đầu trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



tìm ngay sim đầu số 094 tại khosim.comDịch vụ vps us tốtMua phần mềm cms digital signage chính hãng Red Screen Đăng ký gọi nội mạng Viettel Máy ảnh Fujifilm XH2 Thức ăn Hạt cho mèo khóa vân tay yale vinlockDịch vụ Viettel Cloud ServerNhững mẫu Máy quét 3D Cao Cấp Giá iphone 16 pro chi phí bảng giá chữ ký số vnpt tiết kiệm

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com