Khai thác và phát triển hiệu quả nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa

08:07, 13/07/2022

Nam Định được ghi nhận là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều kiểu hệ sinh thái, nguồn tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng và đặc hữu. Nhận thấy tầm quan trọng của nguồn gen trong việc bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa quý hiếm, tỉnh đã sớm coi trọng việc bảo tồn và lưu giữ nguồn gen bản địa.

Nam Định vốn có nhiều loại nông sản được đánh giá là “đặc sản” nổi tiếng gắn liền với những địa danh cụ thể, có chất lượng rất đặc biệt mà không giống nào có thể so sánh như: lúa tám xoan Hải Hậu; nếp cái hoa vàng Quần Liêu; tám ấp bẹ Xuân Đài; lạc sen Giao Thủy, Hải Hậu... Tuy nhiên, chất lượng của các giống cây này có thời điểm đã bị thoái hóa nghiêm trọng do công tác phục tráng, bảo tồn nguồn gen các giống không được chú trọng đúng mức. Điều này làm hạn chế không nhỏ đến tiềm năng phát triển nông sản đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh mà còn ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên sinh vật, nguồn gen cho nghiên cứu khoa học và phát triển lai tạo giống mới. Để từng bước bảo tồn và hướng đến nhân rộng các giống cây, con bản địa này, trong khoảng chục năm qua, tỉnh đã chú trọng triển khai các đề án, dự án, chương trình bảo tồn nhằm lưu giữ nguồn gen quý. Đáng chú ý là dự án khoa học và công nghệ (KH và CN) “Phục tráng để phát triển giống lúa tám ấp bẹ cổ truyền” được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Trường thực hiện tại xã Xuân Đài đã phục tráng được giống lúa tám ấp bẹ có khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn giống cũ đã thoái hóa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít hơn, cho sản phẩm gạo chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất và năng suất cao hơn các giống tám ấp bẹ được trồng đại trà. Dự án không chỉ giữ được giống bản địa của địa phương mà còn tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đồng thời mở rộng diện tích trồng giống lúa đặc sản này ra các địa phương lân cận để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Ngoài ra, dự án “Phục tráng và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho gạo tám xoan Hải Hậu” bước đầu cũng đã phục tráng, khai thác nguồn gen quý của gạo tám xoan Hải Hậu để đưa vào sản xuất, nâng cao vị thế nông sản Nam Định trên thị trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nông dân huyện Trực Ninh cấy lúa đặc sản nếp cái hoa vàng.
Nông dân huyện Trực Ninh cấy lúa đặc sản nếp cái hoa vàng.

Mặc dù vậy, có thể thấy so với con số về giống cây trồng, vật nuôi quý hiện có trên địa bàn tỉnh, số lượng nguồn gen được lưu giữ, bảo tồn còn quá ít ỏi. Trong khi đó, các cây, con đặc sản đang hàng ngày, hàng giờ bị khai thác quá mức làm cho nguy cơ tuyệt chủng cao hơn các cây, con thông thường. Sâu xa hơn nữa, nếu để mất các giống cây, con đặc sản này thì các giá trị tri thức, các giá trị văn hóa gắn liền với chúng cũng sẽ bị mất theo. Ở Nam Định nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung, thời gian qua, việc bảo tồn nguồn gen mới thiên về góc độ văn hóa, chứ chưa nhìn nhận nguồn gen là tư liệu sản xuất, là nguyên liệu ban đầu cho sản xuất nông nghiệp và bảo tồn nhiều giống/dòng/quần thể là điều rất quan trọng trong phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Chính vì thế, Bộ KH và CN đã ban hành một số văn bản nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, bảo tồn quỹ gen trên cả nước; trong đó có việc xây dựng Đề án khung nhiệm vụ KH và CN về quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 Công văn số 161/BKHCN-CNN ngày 21-1-2020. Căn cứ Công văn này, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án khung nhiệm vụ KH và CN về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen, đánh giá đặc tính quý và nhu cầu thị trường của các loại nông sản đặc sản: nếp cái hoa vàng Quần Liêu, lúa Dự hương Nam Mỹ, cam Hải Đường, khoai lang lim Nam Trực; bảo tồn và phát triển 2 loại dược liệu là cây đinh lăng, cây hoa hòe vùng Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; xây dựng 1 khu bảo tồn loài thủy sản quý hiếm tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy; bảo tồn nguồn gen cây công nghiệp ngắn ngày là lạc sen ở Giao Thủy và Hải Hậu. Mục tiêu của Đề án là tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của quốc gia và quốc tế trên địa bàn tỉnh với các nội dung hoàn thiện, cập nhật các loài đặc sản đưa vào danh mục bảo tồn. Thực hiện việc bảo tồn, đánh giá đặc tính quý và nhu cầu thị trường để tiến hành phục tráng, nhân giống, phát triển sản xuất loài cây nông nghiệp đặc sản, cây dược liệu có giá trị cao trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương trong vùng đệm và xung quanh Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Từ giữa năm 2021 đến nay, các đề tài KH và CN “Đánh giá tiềm năng di truyền và phục tráng, phát triển giống lạc sen Nam Định” và “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài móng tay ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy phục vụ bảo tồn và khai thác bền vững” đã và đang được thực hiện. Trong đó, đề tài “Đánh giá tiềm năng di truyền và phục tráng, phát triển giống lạc sen Nam Định” đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ thu thập các mẫu giống lạc sen từ các nguồn khác nhau; đánh giá đặc điểm hình thái, nông sinh học chính của các mẫu giống từ nguồn gen lạc sen; đánh giá đa dạng di truyền nguồn gen lạc sen và sàng lọc, xác định chỉ thị phân tử ADN đặc trưng và chỉ thị liên kết với tính trạng chất lượng, chống chịu bệnh chính của nguồn gen lạc sen. Từ đó phục tráng, sản xuất giống lạc sen siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xây dựng quy trình kỹ thuật, mô hình thâm canh giống lạc sen đã được phục tráng. Đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài móng tay ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy phục vụ bảo tồn và khai thác bền vững” đã thực hiện các nhiệm vụ điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng phân bổ và khai thác nguồn lợi ốc móng tay; nghiên cứu, xác định các đặc điểm sinh học và sinh thái, giá trị kinh tế của loài ốc móng tay tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Từ đó đề xuất các giải pháp, kế hoạch bảo tồn bền vững, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu sinh học và sinh thái về đối tượng này.

Có thể nói, việc bảo tồn, khai thác bền vững nguồn tài nguyên cây, con đặc sản quý hiếm không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương, góp phần phục vụ có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



Cây Muồng hoàng yến sắc vàng tươi

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com