Hội viên nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

08:07, 25/07/2022

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh còn tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Qua đó đã góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.

Ông Hoàng Văn Bốn, Giám đốc Hợp tác xã Chế biến nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) đầu tư hệ thống băng chuyền hiện đại để chế biến nông sản.
Ông Hoàng Văn Bốn, Giám đốc Hợp tác xã Chế biến nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) đầu tư hệ thống băng chuyền hiện đại để chế biến nông sản.

Trong lĩnh vực trồng trọt, cơ giới hóa được ứng dụng khá nhanh vào hầu hết các công đoạn sản xuất. Trước đây, nông dân phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các khâu từ cày, xới đất, gieo mạ, phun thuốc sâu, thu hoạch... từ khi ứng dụng cơ giới hóa đã góp phần giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng năng suất trên 1 đơn vị diện tích canh tác, mang lại lợi nhuận cao hơn. Ở các địa phương trong tỉnh, nhiều hộ nông dân đã đầu tư các loại máy cày bừa, máy cấy, máy gặt đập liên hợp… nhận làm các dịch vụ nông nghiệp, giúp cho các hộ nông dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thu hoạch đảm bảo thời vụ, nhanh chóng, hiệu quả. Đối với các hộ trồng rau màu, hoa, cây cảnh, việc ứng dụng cơ giới hóa cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Anh Nguyễn Văn Thái, xã Điền Xá (Nam Trực) là hộ có nhiều năm gắn bó với nghề trồng hoa, trong đó chủ yếu là hoa hồng cổ với khoảng 4.000 gốc hồng. Để phát triển mô hình, anh cất công vào tận làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) học tập kinh nghiệm, đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động khắp vườn. Cứ 3 ngày một lần, anh cho máy tưới mỗi vườn khoảng 15 phút, tạo cho các khu vườn trồng hồng độ ẩm lý tưởng. Anh Thái cho biết: “Nhờ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, gia đình tôi đã chủ động hơn trong quá trình chăm sóc hoa, cây cảnh. Lượng nước tưới được bảo đảm cung cấp đồng đều, đặc biệt là hạn chế được thất thoát về phân bón”. Tại thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), anh Vũ Văn Khá nhiều năm qua đã thành công với mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc, cà chua Monaco Israel, dưa chuột baby Hà Lan. Anh đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel, chủ động điều khiển độ ẩm, căn chỉnh lượng nước phù hợp với nhu cầu của cây trồng theo từng giai đoạn phát triển, cung cấp dinh dưỡng cho dưa phát triển đồng đều. Còn tại xã Hải Cường (Hải Hậu), anh Lê Tiến Đạt sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, xin làm việc ở các mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm đã về quê vay vốn, thuê đất, bắt tay xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rộng 700m2 gồm: khu nhà màng, nhà lưới khung thép kiên cố, hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, hệ thống quạt mát, camera tự động, trồng thử nghiệm các loại rau, quả, đặc biệt là giống dưa lưới của Nhật Bản theo quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ. Nhờ tư duy sản xuất mới và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đến nay, anh đã sở hữu cơ sở trồng rau công nghệ cao bằng các phương pháp thủy canh và tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, việc đẩy mạnh cơ giới hóa cũng giúp cho quá trình sản xuất thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Các hộ nuôi thủy sản hầu hết theo phương thức quảng canh và bán thâm canh; 100% diện tích nuôi trồng được cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu, trong đó việc sử dụng hệ thống máy sục khí, máy cho ăn tự động đã giúp tiết kiệm chi phí thức ăn, bảo vệ môi trường nguồn nước. 100% hộ chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, có máng ăn tự động, hệ thống làm mát mùa hè, ấm về mùa đông. 40% số hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các cơ sở chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại hiện nay đều áp dụng hệ thống chuồng trại khép kín từ cung cấp thức ăn, nước uống tự động, đến việc điều hòa không khí, thu gom trứng. Tiêu biểu như mô hình nuôi gà trắng thương phẩm của ông Trần Văn Rụ, xã Kim Thái (Vụ Bản) trang bị đầy đủ hệ thống cảm biến nhiệt độ, đèn điện, quạt thông gió, máng ăn tự động, camera giám sát… Mô hình nuôi gà siêu trứng của gia đình ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu) được đầu tư đồng bộ, hiện đại với công nghệ nhập từ Thái Lan và Cộng hòa Liên bang Đức. Ngoài ra, việc cơ giới hóa các khâu chế biến nông sản, thủy sản cũng đang được tập trung đẩy mạnh, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Với cơ chế, chính sách của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến để nâng cao giá trị nông sản, nhiều hội viên nông dân đã đầu tư trang thiết bị máy móc, xây dựng các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn. Điển hình như ông Hoàng Văn Bốn, Giám đốc HTX chế biến nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) đã đầu tư xây dựng sân phơi, nhà xưởng, cân điện tử và hệ thống băng chuyền máy móc hiện đại, trong đó máy tách màu trị giá 1,8 tỷ đồng, máy lau bóng trị giá 600 triệu đồng… phục vụ cho việc chế biến nông sản. Thương hiệu “Gạo sạch Bốn Thuận” vinh dự là một trong những đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên được Bộ NN và PTNT công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” theo quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, hạt giống, quy trình canh tác, bảo quản không hóa chất được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á theo tiêu chuẩn HACCP, mang đến cho người tiêu dùng những hạt gạo sạch, dẻo thơm, là tinh hoa của đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Những năm qua, số lượng máy móc và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, bình quân 100ha đất trồng lúa được trang bị xấp xỉ 4 máy làm đất; 0,7 máy gặt đập liên hợp. Toàn tỉnh hiện có trên 5.700 máy làm đất, 1.068 máy gặt đập liên hợp, 168 mấy cấy lúa bằng mạ khay, 7.095 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ đảm bảo, trên 90 máy sấy thóc… Thực tế cho thấy, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Việc cơ giới hóa nông nghiệp cũng thúc đẩy liên kết doanh nghiệp - nhà nông trong việc tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng lớn, đầu tư máy, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu như mô hình liên kết sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao của Công ty TNHH Cường Tân; sản xuất gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân; chế biến nông sản sấy của Công ty TNHH Minh Dương; sản xuất rau, củ quả sạch của Công ty cổ phần Ngọc Anh…

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần quan trọng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com