Với nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng, nền kinh tế tỉnh nhà đã ghi nhận các tín hiệu chuyển biến tích cực, sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi sau đại dịch COVID-19 với động lực từ vốn ngân hàng.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề Tây Kênh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Tính đến hết tháng 6-2022, tổng dư nợ cho vay thương mại và chính sách của ngành Ngân hàng đạt 89.435 tỷ đồng, tăng 8.498 tỷ đồng (10,5%) so với đầu năm. Trong đó, cho vay phân theo ngành kinh tế gồm: công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 88,6%; nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 11,4%. Dư nợ cho vay doanh nghiệp là 27.099 tỷ đồng, chiếm 30,3%; hợp tác xã là 29 tỷ đồng, chiếm 0,03%; hộ gia đình, cá nhân là 62.307 tỷ đồng, chiếm 69,67%. Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh là 16.456 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng dư nợ cho vay và chiếm 60,7% dư nợ cho vay doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã thực hiện miễn, giảm lãi vay đối với 4.849 khách hàng có dư nợ là 4.548 tỷ đồng. Số tiền lãi được miễn, giảm là 19,8 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 2.202 khách hàng với số dư nợ 2.728 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã giải ngân được gần 50% vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ với 802 lượt khách hàng, số tiền 48 tỷ 850 triệu đồng, góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh sau đại dịch COVID-19. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc ở 7 doanh nghiệp, số tiền 1 tỷ 598 triệu đồng. Hiện có 5 doanh nghiệp còn dư nợ, số tiền 1 tỷ 356 triệu đồng.
Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoạt động trở lại tăng khá, đạt 17,8% so với cùng kỳ năm 2021. Có 508 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 4.506 tỷ đồng và 286 doanh nghiệp trở lại hoạt động. Đây là tín hiệu chứng tỏ nền kinh tế đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước phục hồi. Tuy nhiên áp lực lạm phát, giá vật tư nguyên liệu và nhiên liệu tăng cao, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và duy trì ở mức cao, trong khi đó, thiếu hụt dòng tiền, nhất là dòng vốn rẻ, cũng đang là mối lo mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt. Bối cảnh này đòi hỏi cần phải có thêm những chính sách “tiếp sức” về dòng vốn, giúp doanh nghiệp nâng cao “sức khỏe” tài chính để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Cùng với chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, chức năng, điều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mong mỏi nhất lúc này là hệ thống tổ chức tín dụng xem xét, tiếp tục giảm lãi suất cho vay 2-3%/năm đối với tất cả các khoản đang phát sinh và các khoản vay mới.
Ông Vũ Mạnh Trường, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoà Phát (Cụm công nghiệp An Xá) cho biết: “Dù phải gánh chịu nhiều thiệt hại do tác động của đại dịch COVID-19 khiến sản xuất, kinh doanh sụt giảm, nhưng nhờ tiềm lực tài chính vững vàng nên doanh nghiệp hiện vẫn hoạt động ổn định. Sản lượng gạch tiêu thụ mới đạt khoảng 20 triệu viên/năm và doanh thu bình quân khoảng 10 tỷ đồng/năm”. Đánh giá cao các chính sách hỗ trợ cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất từ phía ngân hàng đối với doanh nghiệp, song ông Trường vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm hơn nữa. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn có thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ giảm lãi suất 2% mà hệ thống ngân hàng chuẩn bị triển khai. Hiện tại, một tỷ lệ lớn doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn; số doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất thấp. Việc xem xét cấp tín dụng của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào trụ sở chính về hạn mức cho vay và các điều kiện tín dụng khác. Vì vậy, đối với những khoản vay vượt thẩm quyền của chi nhánh, doanh nghiệp thường bị chậm về thời gian, không đáp ứng được nhu cầu vay vốn, làm mất cơ hội của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Do đó, các ngân hàng cần xem xét một số điều kiện tín dụng sao cho phù hợp từng nhóm doanh nghiệp, ở từng địa phương và nên xem xét tăng thêm quyền quyết định hạn mức cho các chi nhánh và giao chi nhánh chịu trách nhiệm. Chị Trần Thị Hạt, Giám đốc Công ty Giày da xuất khẩu Hoàng Mỹ tại thôn Hạ Linh, xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) đề xuất: “Để tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi, ngành ngân hàng nên xem xét giảm lãi suất cho vay từ 2-3%/năm cho tất cả các khoản vay đang phát sinh và các khoản vay mới; nới rộng tín dụng trong việc cho vay vốn lưu động để nhập nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào trong tình hình chi phí vận tải tăng cao”.
Đáp ứng mong mỏi từ phía doanh nghiệp và người dân, ngày 20-5-2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Việc triển khai hỗ trợ lãi suất này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm bớt chi phí vay vốn và tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn sau ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19. Để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả hệ thống chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Đối với các tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ; quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách địa phương giao quản lý. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội trong hoạt động ủy thác, tích cực huy động từ tổ tiết kiệm và vay vốn, tiết kiệm từ dân cư, kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo phát huy hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức. Các chi nhánh ngân hàng thương mại, xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19./.
Bài và ảnh: Đức Toàn