Giải pháp phát triển làng nghề bền vững

08:07, 01/07/2022

Nam Định là địa phương có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, trong đó có những làng nghề tồn tại và phát triển hàng trăm năm, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, với việc phát triển tự phát, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một trong nền kinh tế cạnh tranh hiện đại… Do vậy, phát triển làng nghề bền vững là một vấn đề tích cực, đúng đắn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.

Sản xuất miến dong tại xóm Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu).
Sản xuất miến dong tại xóm Gò, xã Hải Minh (Hải Hậu).

Theo thống kê Nam Định có 142 làng nghề đang hoạt động tại 10 huyện, thành phố; trong đó 80 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Một số làng nghề mới như làng nghề trồng cây dược liệu tại huyện Hải Hậu, trồng hoa tại huyện Mỹ Lộc được phát triển mở rộng. Nhiều sản phẩm của làng nghề được xuất khẩu như: đồ mộc, đồ đồng, tre nứa ghép ở huyện Ý Yên; khảm trai, đồ gỗ ở huyện Hải Hậu... Một số sản phẩm của làng nghề đã có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như sản phẩm đồ gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, cây cảnh Điền Xá... Các làng nghề trồng cây cảnh, sản xuất hoa lụa, đồ mộc, đồ đồng thu hút trên 50% lao động của địa phương. Một số làng nghề truyền thống đang hoạt động ổn định và có khả năng phát triển bền vững trong lương lai, có thế mạnh cần duy trì bảo tồn như: các làng trồng hoa cây cảnh Vị Khê, Lã Điền, Trừng Uyên ở xã Điền Xá (Nam Trực); làng nghề đồ gỗ khảm trai Bình Minh, xã Hải Minh (Hải Hậu); làng nghề mộc mỹ nghệ Ninh Xá, Lũ Phong và La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). Bình quân mỗi năm, giá trị sản xuất của các làng nghề ước đạt gần 6.000 tỷ đồng; trong đó, nhóm hàng chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản chiếm 1,94%; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 10,78%; nhóm hàng sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan... chiếm 48,04%; nhóm gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh 37,30%; nhóm xây dựng, vận tải và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn chiếm 1,92%. Có thể nói, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề ở nông thôn đã thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo... góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn từ 2,5-6 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng nhóm ngành nghề, nhóm nghề. Thu nhập cao nhất là nhóm nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng và thu nhập thấp nhất là nhóm nghề chiếu, cói, thêu ren.

Tuy nhiên quá trình phát triển làng nghề nông thôn ở Nam Định vẫn còn nhiều bất cập, phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, số lượng các hộ, cơ sở sản xuất tại làng nghề đang có xu hướng giảm mạnh qua từng năm. Năm 2013, toàn tỉnh có trên 23,4 nghìn hộ, cơ sở với 55,2 nghìn lao động tham gia sản xuất tại làng nghề thì đến nay chỉ còn 18,7 nghìn hộ, cơ sở tham gia với 44,7 nghìn lao động. Nhiều làng nghề chưa thực sự phát triển bền vững, đa số với quy mô sản xuất nhỏ; năng lực quản lý kinh doanh các chủ hộ, cơ sở sản xuất còn hạn chế. Người sản xuất ở làng nghề khó tiếp cận nguồn vốn và thụ hưởng những chính sách vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm của các làng nghề có nhiều chủng loại nhưng chất lượng chưa cao, sản phẩm đạt mức tinh xảo còn ít, chưa mang tính chủ lực mũi nhọn của địa phương. Việc tiêu thụ sản phẩm tại các làng nghề còn bị động, các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu qua khâu trung gian. Vai trò của các công ty, doanh nghiệp trong đầu tư tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế. Mặt khác Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế nên trong thời gian qua các sản phẩm làng nghề nông thôn Nam Định đã và đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại tại thị trường khu vực trong nước và thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, môi trường ở nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng như: làng rèn Vân Chàng thị trấn Nam Giang, làng nghề làm miến, bánh đa thôn Phượng, xã Nam Dương, làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh, làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn, làng nghề sản xuất hoa nhựa Báo Đáp (Nam Trực); làng nghề ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); làng nghề làm bún Phong Lộc, phường Cửa Nam (thành phố Nam Định); làng nghề sơn mài, tre nứa ghép xã Yên Tiến (Ý Yên)… Thu nhập thấp và không ổn định nên nhiều hộ không còn thiết tha với nghề. Tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề đang có chiều hướng gia tăng dẫn đến nhiều làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Chưa có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho việc duy trì và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống do nguồn lực của địa phương còn yếu. Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho sản xuất của các cơ sở làng nghề còn yếu; thiếu thông tin về thị trường. Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển làng nghề, cán bộ chuyên trách theo dõi lĩnh vực làng nghề, ngành nghề nông thôn còn thiếu và yếu; việc phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý Nhà nước về làng nghề chưa chặt chẽ, quyết liệt.

Theo đồng chí Lê Hồng Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để làng nghề phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, Nhà nước cần ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển làng nghề, trong đó sự hỗ trợ tích cực về tài chính là yếu tố quyết định; tạo điều kiện môi trường pháp lý thuận lợi cho các cơ sở, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất cả về chiều rộng và chiều sâu. Khai thác tiềm năng, nguồn nhân lực của địa phương để làng nghề sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đổi mới thiết bị công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kế thừa kỹ thuật truyền thống với kỹ thuật tiên tiến để nâng cao sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng để nâng cao trình độ, quản lý và kỹ thuật của các doanh nghiệp, hộ sản xuất và người lao động trong các làng nghề. Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trong làng nghề, tăng cường liên kết và thành lập các hợp tác xã chuyên ngành thực hiện vai trò cung ứng vật tư, tiếp thị và tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Huy động mọi nguồn lực về vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật để tham gia phát triển làng nghề. Thành lập và phát huy vai trò các tổ chức hội, hiệp hội về nghề và làng nghề trong phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch. Tăng cường công tác bảo vệ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; xây dựng quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường làng nghề. Xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề ở ngoài khu dân cư để mở rộng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng của làng nghề nhằm cải thiện môi trường làm việc cho người lao động. Đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa ở làng nghề, tạo điều kiện cho làng nghề tiếp cận với thị trường và nâng cao tinh thần vật chất của người lao động làng nghề. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và quy hoạch phát triển nghề, làng nghề bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com