Các hợp tác xã năng động trong sản xuất, kinh doanh

08:07, 11/07/2022

Năm 2022, kinh tế tập thể, HTX cùng với các thành phần kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Với nỗ lực vượt khó và phát huy tinh thần hợp tác, các HTX trong tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.

Hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản Hải Hậu, xã Hải Lý phát triển nghề làm nước mắm truyền thống.
Hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản Hải Hậu, xã Hải Lý phát triển nghề làm nước mắm truyền thống.

Toàn tỉnh hiện có 489 HTX với tổng số 376.763 thành viên. 6 tháng đầu năm 2022 bằng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của các cơ quan chức năng, kết hợp với sự năng động, đổi mới phương thức hoạt động phục hồi, thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch bệnh, các HTX đã tích cực đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đất đai, lao động, lợi thế sản phẩm vùng miền, tạo thêm động lực mới cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế HTX, tích cực thực hiện tốt phong trào thi đua “HTX chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu”. Nhiều HTX đã tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng hợp tác để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, thực hiện các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản. Các HTX cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất kết hợp với doanh nghiệp phối hợp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó hiệu quả kinh tế của chính HTX và kinh tế hộ thành viên được nâng cao theo hướng bền vững. Nhiều HTX đã tích cực triển khai đăng ký sản xuất sản phẩm chủ lực tham gia chương trình OCOP. Các chuỗi giá trị cơ bản được phục hồi và phát triển. Nhiều sản phẩm dịch vụ của HTX nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong tình hình mới. Trong đó, các HTX nông nghiệp tăng cường đổi mới phục hồi phát triển theo hướng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, hỗ trợ thiết thực phát triển kinh tế hộ, cải thiện thu nhập thành viên bảo toàn vốn và tăng trưởng, hầu hết đều hoạt động có lãi. Các HTX thủy sản có chiều hướng phát triển khá, đem lại nhiều lợi ích cho thành viên. Phần lớn HTX đã tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, phát huy thế mạnh vùng miền, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. 6 tháng đầu năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã quan tâm tư vấn xây dựng, phát triển mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập gia tăng cho HTX và thành viên HTX. Một số mô hình điển hình như: HTX thủy sản Hải Điền, HTX thủy sản Gia Hưng với chuỗi sản phẩm ốc hương thương phẩm và chế biến thủy hải sản. Chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của HTX An Hòa, HTX làng nghề thủy sản Minh Hải (Hải Hậu), HTX thủy sản Trực Hùng (Trực Ninh), HTX thủy sản Phúc Thắng (Nghĩa Hưng), HTX nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường), HTX thủy sản Tân Khánh (Vụ Bản). Các chuỗi sản phẩm ngành chăn nuôi như HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, HTX chăn nuôi Long Phú (Vụ Bản), HTX chăn nuôi sinh học Trực Thái (Trực Ninh), HTX chăn nuôi Châu Gia Huy (Xuân Trường), HTX chăn nuôi Thịnh Phát, HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên) với chuỗi “Thịt lợn sạch Nam Sơn” đến nay đã nâng tổng đàn lên trên 2.000 con/lứa... Các chuỗi sản phẩm ngành trồng trọt như HTX Bốn Thuận (Vụ Bản) kết nối chuỗi nhiều HTX sản xuất, thu mua, chế biến tiêu thụ chuỗi lúa gạo sản lượng mỗi tháng hàng trăm tấn. HTX nông nghiệp Mỹ Thành (Mỹ Lộc), HTX nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên) với mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ sản xuất rau hữu cơ của Nhật Bản. HTX nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) với chuỗi sản phẩm OCOP gồm mì gạo và bánh đa nem làng nghề truyền thống. HTX nông nghiệp Nam Thành, HTX sinh vật cảnh Nam Điền (Nam Trực), HTX nông nghiệp công nghệ cao Nữ Hoàng Xanh (Mỹ Lộc), HTX hoa và cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định), HTX thanh niên Nam Đại Dương (Nghĩa Hưng). Chuỗi sản xuất giống, trồng và chế biến nấm của HTX Linh Phát (Hải Hậu), HTX Tuấn Hiệp (Giao Thủy), HTX nấm Nhật Bằng (Trực Ninh). HTX nông nghiệp Trường Xuân (Giao Thủy) với chuỗi các sản phẩm nông nghiệp tổng hợp. Đặc biệt, Liên hiệp HTX Khánh Hưng (Vụ Bản) ngay sau khi được thành lập đã được UBND huyện Vụ Bản quan tâm giao đất xây dựng Trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm tại trung tâm huyện, tạo điều kiện cho Liên hiệp HTX xây dựng, kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương. Sản phẩm của Liên hiệp HTX ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, được các cấp, các ngành, khách hàng ghi nhận.

Bên cạnh đó, các HTX lĩnh vực phi nông nghiệp cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn để hoạt động. Trong đó, các HTX giao thông vận tải duy trì kinh doanh ổn định và phát triển, tích cực đáp ứng nhu cầu vận chuyển lưu thông hành khách và hàng hóa. Một số HTX đã chủ động, sáng tạo linh hoạt nắm bắt nhu cầu thị trường, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cải tiến cung cách dịch vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, góp phần lưu chuyển hành khách, hàng hóa nhanh, thuận lợi, an toàn. Tiêu biểu như: HTX vận tải Hòa Bình (thành phố Nam Định); HTX vận tải đường bộ Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); HTX vận tải và thương mại Hồng Tiến (Xuân Trường); HTX giao thông vận tải Liên Thanh (Vụ Bản). Các HTX công nghiệp - TTCN, thương mại, dịch vụ, xây dựng, nước sạch, môi trường... phát huy nội lực, đổi mới cung cách làm ăn, phương thức hoạt động, bổ sung ngành nghề, tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Điển hình như HTX cổ phần dệt may Bình Định (Trực Ninh), HTX dệt may Hoàng Mai (Nghĩa Hưng); HTX nước sạch và môi trường Sông Đào, HTX mộc Sơn Lâm (Nam Trực); HTX môi trường Hồng Đông (Hải Hậu); HTX cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường); HTX gỗ mỹ nghệ Hoành Nha (Giao Thủy)… Đối với 42 Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) hoạt động trên địa bàn 65 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã góp phần tích cực hỗ trợ vốn cho các hộ thành viên ở khu vực nông thôn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến hết tháng 5-2022, các Quỹ TDND có trên 39 nghìn thành viên với tổng nguồn vốn hoạt động trên 5.000 tỷ đồng, tăng trên 3% so với đầu năm, dư nợ cho thành viên vay đạt trên 4.000 tỷ đồng. Hoạt động của các Quỹ đảm bảo an toàn, hiệu quả, ngày càng khẳng định vai trò thiết chế tài chính quan trọng, hiệu quả ở nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an ninh nông thôn, xây dựng NTM.

Với sự năng động trong sản xuất, kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có 329/447 HTX và 41/42 Quỹ TDND đạt hiệu quả kinh tế, kinh doanh có lãi, có tích lũy. Đặc biệt xã Hải Chính (Hải Hậu) có tới 3 HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả (HTX dịch vụ Linh Phát; HTX thủy sản và môi trường Gia Hưng; HTX nuôi trồng chế biến thủy sản Hải Điền). Doanh thu bình quân của HTX đạt 1 tỷ 260 triệu đồng/HTX. Lãi bình quân đạt 75 triệu đồng/HTX. Lợi ích kinh tế đối với các hộ thành viên được cải thiện. Thu nhập bình quân của thành viên HTX ước đạt 4,1 triệu đồng/tháng. Các HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 7.425 lao động với thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com