Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu trong mùa mưa bão năm nay, ngành chức năng và các địa phương đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp, sẵn sàng phương án bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân vùng bối.
Cánh đồng hoa của người dân vùng bối Phụ Long, xã Nam Phong (thành phố Nam Định). |
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 35 bối, trong đó có 31 bối có dân với trên 54 nghìn khẩu sinh sống. Sản xuất nông nghiệp tại các vùng bối phát triển theo hướng hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao với nghề trồng các loại hoa, rau màu… cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, nuôi thủy sản ở vùng bối đang được người dân đầu tư phát triển mạnh nhằm khai thác lợi thế mặt nước. Tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), ngoài sông Hồng người dân phát triển trên 50 lồng nuôi cá cho sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm, trong đó chủ yếu là những loại cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, cá diêu hồng, cá trắm, cá chép giòn… Giá trị sản xuất trên diện tích canh tác khu vực ngoài đê hiện cao gấp 1,5-3 lần so với trong khu vực nội đồng. Tuyến đê bối Yên Lộc (Ý Yên) rộng 90ha thuộc đê hữu Đào là một trong những vùng bối lớn của tỉnh. Hiện vùng bối đang có 1.209 người dân sinh sống. Mặc dù được tu bổ, nâng cấp hàng năm nhưng do mặt đê bối bằng đất, mái đê phía sông bị sạt lở tại Km1 đến Km2 với tổng chiều dài 220m. Khi nước sông Đào ở mức báo động số 2 tuyến đê bối xuất hiện rò rỉ, thẩm lậu tại nhiều vị trí; tình trạng chuột làm tổ ở thân đê dẫn đến nước thẩm lậu qua cơ và thân đê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đê khi có lũ lớn kết hợp gió mạnh. Bên cạnh đó, đoạn này dòng chảy áp sát bờ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thân đê. Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) có 2 vùng bối lớn là Hồng Hà và Hồng Long thuộc đê hữu Hồng với chiều dài đê là 11km. Các tuyến đê bối đang bảo vệ cho 300ha đất sản xuất và 5.860 người dân sinh sống ở các thôn, xóm. Hiện tuyến đê bối đã gia cố được 3,5km mặt đê bằng bê tông rộng 2-3m, dày 10-15cm; còn 7,5km mặt đê chưa được gia cố, đổ bê tông cứng mặt, gây khó khăn cho việc vận hành phương án phòng, chống thiên tai (PCTT), bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân trong mùa mưa bão.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, trong tổng số 31 bối có người dân sinh sống toàn tỉnh thì chỉ có 7 bối đủ khả năng bảo đảm an toàn khi nước lũ trên sông ở mức báo động 3, số bối còn lại chỉ bảo đảm an toàn khi nước lũ trên các tuyến sông ở mức báo động 2… Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão năm nay, các địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch PCTT, bảo vệ vùng bối theo phương châm “4 tại chỗ”, thiết lập vận hành phương án di dân vùng bối khi xảy ra sự cố về đê. Đối với vùng bối Đồng Tâm, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Vụ Bản đã chỉ đạo UBND các xã: Đại Thắng, Thành Lợi thành lập 2 tiểu ban thường trực triển khai nhiệm vụ khi có mưa bão xảy ra; tổ chức thông báo trên loa truyền thanh, huy động lực lượng xung kích gồm 200 người/xã sẵn sàng hỗ trợ di dân khi có yêu cầu, trong đó ưu tiên người già, trẻ em, gia đình chính sách. Tại xã Thành Lợi, nhân dân thôn Sa Trung, xóm Đồng Nguyên sơ tán lên xóm C thôn Áp Phú nếu không may xảy ra sự cố về đê; nhân dân xóm Đồng Lợi sơ tán lên xóm Chợ, thôn Lê Lợi; nhân dân xóm Tân Tiến sơ tán lên xóm Hát thôn Lê Lợi và nhân dân xóm Đồng Giang sơ tán lên xóm Đồng thôn Lê Lợi. Ngoài ra, xã cũng chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế cần thiết. Bước vào mùa mưa bão năm nay, UBND huyện Nam Trực đã tiến hành rà soát hiện trạng đê, bối, hệ thống kè, cống, bờ bao ngăn nước tại các vùng bối: Thịnh Thắng trên đê hữu Hồng; bối An Tùy, Đại An, Xí nghiệp Gạch trên đê tả Đào. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm giữ vững an toàn hệ thống đê điều, đề phòng và chủ động ứng phó tích cực với các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện. Các xã: Nghĩa An, Tân Thịnh, Nam Thắng và thị trấn Nam Giang đã thành lập các tiểu ban phụ trách từng đoạn, tuyến đê bối; tổ chức phân công cán bộ các thôn, đội theo dõi, giám sát toàn tuyến nhằm kịp thời thông tin, triển khai nhanh, đồng bộ phương án phòng, chống và xử lý các sự cố khi có tình huống thiên tai xảy ra. Các xã, thị trấn ký hợp đồng với các chủ phương tiện ô tô, thuyền trên địa bàn sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia công tác hộ đê, sơ tán dân và cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh điều động… Theo đó, khi lũ khẩn cấp trên sông Đào, xã Nam Thắng phải nhanh chóng di dời 6.950 khẩu cùng nhiều tài sản của 942 hộ dân sinh sống trong vùng bối đến nơi tránh trú an toàn. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban chỉ huy PCTT xã đã xây dựng phương án di chuyển, chuẩn bị lực lượng xung kích gồm 180 người hỗ trợ người dân di chuyển đến khu vực an toàn như: khu vực chợ Nam Thắng, trụ sở UBND xã, trường tiểu học, trường trung học cơ sở để người dân tạm trú.
Cùng với bảo đảm an toàn tính mạng người dân vùng bối, các cấp, ngành, địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ sản xuất. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sản xuất cá lồng ngoài sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, chủ động biện pháp tăng cường chằng buộc neo, giữ lồng bè phòng chống gió to, lũ lớn trên sông. Khi có lũ trên sông lên trên báo động 2, các hộ chủ động di chuyển người, tài sản, kể cả thủy sản vào trong bờ để bảo đảm an toàn, tránh thiệt hại. Đồng thời, chính quyền địa phương chuẩn bị lực lượng xung kích, phao cứu hộ để sẵn sàng hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng trên sông khi cần thiết. Các hộ nuôi cá lồng trên sông đều chủ động gia cố thêm mỏ neo, dây chão chuyên dụng; về phía thượng lưu, đầu các lồng bè đều được bịt thêm tấm tôn dày để hạn chế củi gỗ trôi va đập trực tiếp vào lưới nuôi cá. Anh Chu Văn Bảo ở thôn Đoàn Kết, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), chủ một khu lồng bè nuôi cá trên sông Hồng cho biết: Việc nuôi cá lồng trên sông vào mùa bão, lũ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì thế, các hộ đều phải chủ động đầu tư thêm nhiều thiết bị neo giữ bảo đảm chắc chắn. Gia đình tôi đã sử dụng hàng chục mỏ neo để neo giữ cho 30 lồng nuôi cá. Ngoài ra, các lồng nuôi cá còn được gia cố thêm bằng cách hàn sắt tạo sự kết bè chắc chắn. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân do biến đổi khí hậu nên thiên tai, mưa bão, lũ xảy ra bất thường, rất khó lường. Xã xác định việc bảo đảm an toàn cho người dân vùng bối là nhiệm vụ quan trọng số một trong mùa mưa, bão, lũ. Do vậy, mọi phương án ứng phó được chuẩn bị đầy đủ, không để bị động khi có thiên tai xảy ra.
Việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão, lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng bối sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Bài và ảnh: Văn Đại