Xác định thu hồi đất nhanh gọn có mặt bằng sạch là yếu tố then chốt có sức cạnh tranh cao để thu hút đầu tư về địa bàn. Từ quan điểm đó, cấp ủy, chính quyền huyện Giao Thủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Góp phần tạo đột phá trong thu hút đầu tư
Bà Kuo Mei Yi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nice Power ở xã Giao Tiến cho biết: Là nhà đầu tư Đài Loan, trước khi quyết định chọn Giao Thủy, tìm hiểu qua bạn bè chúng tôi được biết có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp khó trong tiếp cận đất đai khi đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến với Giao Thuỷ thì tình hình lại khác. Nhờ có sự quyết liệt chỉ đạo GPMB, tận tình hỗ trợ hoàn tất các thủ tục liên quan từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Nam Định, đặc biệt là huyện Giao Thủy, Công ty đã rất thuận lợi trong tiếp cận quỹ đất sạch. Kể từ khi đến Giao Thủy xúc tiến đầu tư, thực hiện các thủ tục đến khi trúng đấu giá diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp nằm trong quy hoạch chuyển đổi, phát triển sản xuất công nghiệp và được bàn giao mặt bằng sạch Công ty chỉ mất khoảng 1 năm. Và chỉ 10 tháng sau đó, Công ty đã hoàn tất thi công xây dựng, đưa nhà máy sản xuất chi tiết đế, mũ giày và phụ kiện giày dép vào vận hành; hiện đã giải quyết việc làm ổn định cho gần 800 lao động địa phương với mức lương từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Giao Thủy thảo luận phương án thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. |
Không riêng gì Công ty TNHH Nice Power, nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Quốc tế Kam Fung Việt Nam, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng Giao Yến, Công ty May ProSport Giao Thủy, Giao Yến, Hồng Thuận, Công ty TNHH Giày Sunshai Bình Hòa... đều có đánh giá rất tích cực về kết quả GPMB, cung ứng quỹ đất sạch cho nhà đầu tư của huyện Giao Thuỷ. Đồng chí Doãn Quang Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Giao Thủy cho biết: Sự ghi nhận của các doanh nghiệp đang “đứng chân” hoạt động trên địa bàn về chất lượng thực hiện công tác GPMB đã minh chứng một cách thuyết phục về năng lực GPMB, giúp Giao Thủy có điểm cộng mang tính đột phá trong thu hút đầu tư. Đến nay, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đều biết đến với Giao Thủy sẽ được huyện chủ động hỗ trợ GPMB, cung ứng quỹ đất sạch; tránh được các tình huống tiêu cực khi phải trực tiếp đi làm công tác GPMB với người dân như tranh chấp, khiếu kiện, nâng giá… làm gia tăng chi phí tiếp cận quỹ đất công nghiệp. Bên cạnh đó, huyện còn tích cực cải cách, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Cụ thể, thay vì nhà đầu tư phải tiếp cận từng cơ quan chức năng riêng lẻ, huyện hỗ trợ các nhà đầu tư trong một buổi có thể làm việc với tất cả các phòng, ban, đơn vị liên quan, thống nhất các công đoạn và sẽ được tiến hành giải quyết mọi thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã đúng quy trình, pháp luật một cách nhanh gọn nhất. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện nên đã sớm hoàn thành công tác GPMB các dự án trọng điểm, nhất là dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh thuộc địa phận huyện Giao Thủy để nhà thầu triển khai thi công. Dự án này sớm hoàn tất sẽ khắc phục nhược điểm lớn về giao thông giúp Giao Thủy xoay chuyển vị thế đường “cụt”, kết nối trực tiếp với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm, năng động như Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhờ đó, huyện đã nhanh chóng tạo được sức hấp dẫn mới, trong thu hút đầu tư đã có có nhiều doanh nghiệp, bao gồm các tập đoàn lớn như SunGroup, VinGroup... tiếp cận, xúc tiến triển khai đầu tư tại địa bàn. Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, tổ chức sản xuất, kinh doanh tại huyện.
Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng cho người dân
Theo đồng chí Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và GPMB huyện, kinh nghiệm nổi bật trong công tác bồi thường GPMB ở Giao Thủy là trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách liên quan, huyện chú trọng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân. Theo đó, huyện chủ động công khai dự án, các chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của Nhà nước. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tập trung rà soát kiểm kê, phân loại đất. Cung cấp thông tin trích đo thửa đất, hiện trạng đất đai tới từng hộ để các hộ biết phạm vi cần giải tỏa của gia đình mình. UBND huyện chủ trì, tổ chức họp các hộ dân có liên quan đến dự án để thông báo công khai kết quả đo, người dân trực tiếp đối chiếu diện tích, phản ánh đề xuất kiến nghị để đi đến thống nhất, chốt số liệu. Trong quá trình tổ chức hội nghị, xây dựng, chuẩn bị đầy đủ các phương án, tình huống có thể xảy ra, kịp thời giải đáp các ý kiến thắc mắc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ quá trình đo đạc, xác định diện tích, loại đất, thửa đất, thiết lập hồ sơ GPMB, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố tình làm sai lệch hồ sơ để trục lợi. Sau khi phương án được phê duyệt thì tiến hành chi trả tiền cho nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch để người dân có nguồn lực sớm ổn định đời sống sau khi thu hồi đất.
Công ty Cổ phần May Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy đầu tư Nhà máy sản xuất thứ 3 tại xã Hồng Thuận. |
Trong suốt quá trình thực hiện công tác GPMB, các cấp, các ngành ở địa phương đều quán triệt quan điểm về sự lãnh đạo tuyệt đối toàn diện của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở; trong đó đặc biệt nêu cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng. Đối với các dự án lớn, ngay khi có chủ trương đầu tư, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ. Không chỉ duy trì họp định kỳ theo tháng, theo quý, Ban Chỉ đạo GPMB, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện tổ chức họp hàng tuần, thậm chí họp đột xuất khi cần thiết để cho ý kiến giải quyết ngay đối với những vướng mắc phát sinh. Các đồng chí thành viên Hội đồng, nhất là các đồng chí lãnh đạo huyện không kể ngày nghỉ, ngày lễ, thường xuyên kiểm tra thực địa, đối soát tiến độ từng dự án bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB. Xác định công tác truyền thông là hết sức quan trọng và phải đi trước một bước, huyện đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền đồng thời bằng nhiều kênh (phương tiện truyền thông đại chúng, truyền miệng hội họp…) về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của dự án, đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân để tạo tiếng nói đồng thuận, chia sẻ trách nhiệm của người dân với chính quyền vì lợi ích chung lâu dài.
Với những biện pháp thiết thực kể trên, công tác GPMB của huyện Giao Thủy trong những năm qua luôn được người dân đồng tình, ủng hộ, đạt kết quả cao. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã và đang triển khai GPMB 36 dự án. Trong đó: 10 dự án phải thu hồi đất với tổng diện tích là 51,7ha; số tiền đã chi trả, hỗ trợ người dân trên 82 tỷ đồng; 9 dự án thoả thuận GPMB giúp doanh nghiệp với diện tích 28,55ha, số tiền trên 44 tỷ đồng; 17 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình công cộng, đường giao thông nông thôn tại các xã, thị trấn, vận động người dân tự giải toả các công trình trên đất và hiến đất không yêu cầu bồi thường hỗ trợ với trị giá đất quy đổi tương đương gần 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2022-2025, huyện cần tập trung thu hồi đất phục vụ hàng loạt công trình, dự án trọng điểm, bao gồm: tuyến đường bộ ven biển mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; các cụm công nghiệp Giao Thiện, Giao Yến; các tuyến giao thông trọng điểm đường Cồn Nhì - Giao Thiện, đường Tả sông Sò, đường Cồn Nhất - chợ Vọng, đường Thiện Lâm, đường Bình Xuân 2; xây dựng các khu dân cư tập trung trên địa bàn các xã, thị trấn; thỏa thuận GPMB giúp khoảng 20 doanh nghiệp về thuê đất trên địa bàn với số tiền bồi thường hỗ trợ GPMB dự kiến khoảng 160 tỷ đồng. Để thực hiện hiệu quả công tác GPMB, cùng với các giải pháp thiết thực đã áp dụng, thời gian tới huyện chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu đất đai, đảm bảo xác định giá đất bồi thường GPMB theo hướng phải kịp thời, chính xác, phù hợp với giá thị trường, đúng thời điểm để đưa ra phương án thu hồi đất được người dân ủng hộ chấp thuận. Quan tâm, áp dụng những chính sách, biện pháp hỗ trợ cho những người bị thu hồi đất khôi phục cuộc sống. Đặc biệt, với việc Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao về việc sẽ ban hành Nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” tại Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) tới đây công tác thu hồi đất sẽ có nhiều đổi mới. Huyện xác định bám sát, linh hoạt vận dụng các giải pháp, chủ trương, định hướng đã được Trung ương thống nhất như: Chú trọng khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; chính sách tài chính đất đai và xác định giá đất; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất dành cho việc thờ tự, tôn giáo, nghĩa trang, nghĩa địa; quản lý Nhà nước về đất đai. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân để tạo sự đồng thuận, đưa chính sách, pháp luật về đất đai thực sự đi vào cuộc sống.
Huyện Giao Thủy phấn đấu chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch để gia tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhanh nhu cầu sử dụng đất để thu hút nhà đầu tư, phục vụ hiệu quả nhu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy