Lãi suất cạnh tranh thu hút dòng tiền trở lại

08:06, 27/06/2022

Lãi suất huy động của các ngân hàng đang ngày một cạnh tranh khi liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua. Tính riêng trong tháng 5-2022, đã có ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất đến 2 lần. Động thái này của các ngân hàng đã thu hút dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại khi 2 kênh đầu tư cũ là thị trường chứng khoán và bất động sản sụt giảm mạnh mẽ trong thời gian qua.

Thực hiện tốt huy động vốn giúp các ngân hàng dồi dào nguồn vốn rẻ tiếp lực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19 (Trong ảnh: Sản xuất cơ khí tại xã Xuân Kiên, Xuân Trường).
Thực hiện tốt huy động vốn giúp các ngân hàng dồi dào nguồn vốn rẻ tiếp lực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19 (Trong ảnh: Sản xuất cơ khí tại xã Xuân Kiên, Xuân Trường).

Theo đó, trong tuần cuối cùng tháng 5, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) Chi nhánh Nam Định từng là ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trong hệ thống, đã điều chỉnh tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất dành cho tiền gửi tại quầy của Techcombank tăng 0,3%/năm, lên mức 6,3%/năm với khách hàng ưu tiên khi gửi tiền kỳ hạn 36 tháng. Đối với tiền gửi trực tuyến, lãi suất cao nhất cùng kỳ hạn cũng lên tới 6,5%/năm. Với khách hàng thường, Techcombank Chi nhánh Nam Định áp dụng mức lãi suất cao nhất từ 5,85-5,95%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,45%/năm so với trước nếu gửi tại quầy. Còn gửi tiền trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 36 tháng là 6,3%/năm. Không riêng Techcombank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định đã thông báo tăng lãi suất huy động thêm 0,3%/năm với nhiều kỳ hạn. Theo đó, với tiền gửi dưới 300 triệu đồng, lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng của VPBank tăng từ 6,1%/năm lên mức 6,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng, tăng từ 6%/năm lên 6,3%/năm; kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,2%/năm… Đáng lưu ý, đây là lần điều chỉnh tăng lãi suất thứ 2 của ngân hàng này kể từ đầu tháng 5 đến nay. Tại lần tăng trước đó, có kỳ hạn được điều chỉnh tăng tới 0,8%/năm. Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Nam Định thông báo tặng đến 1,1%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng tại SHB là 7,4%/năm dành cho chứng chỉ tiền gửi “Phát lộc” kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm cho kỳ hạn 6 năm. Ngoại trừ nhóm “Big 4” gồm các Ngân hàng TMCP: Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng khác đã tăng lên đáng kể trong nhiều tháng qua với mức dao động từ 0,1-0,4%/năm. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất huy động hiện đã tăng khoảng từ 0,5-1%/năm.

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, lãi suất huy động và cho vay trong năm 2022 chịu nhiều áp lực từ các yếu tố cả trong và ngoài nước. Đây là lý do lãi suất huy động đã liên tục nhích tăng trong nhiều tháng qua. Dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay trong ngắn hạn cơ bản vẫn sẽ được giữ ổn định ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Trong dài hạn, lãi suất cho vay có thể sẽ biến động phù hợp với cung và cầu của nền kinh tế. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong hơn 2 năm qua, lãi suất huy động đã liên tục giảm sâu để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch bệnh. Do đó, không còn dư địa để tiếp tục hạ lãi suất huy động. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng trưởng rất mạnh. Nếu các ngân hàng không tăng lãi suất huy động thì khả năng thanh khoản sẽ rất khó và không thể đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay phục hồi sản xuất kinh doanh. Do đó, việc tăng lãi suất huy động là điều tất yếu để hút dòng tiền từ các kênh đầu tư trở lại ngân hàng và dự báo thời gian tới lãi suất này sẽ vẫn tiếp tục tăng. Thực tế, tiền gửi vào ngân hàng đã ghi nhận dấu hiệu tăng trở lại trong vài tháng gần đây. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, đến cuối tháng 6-2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 93.234 tỷ đồng, tăng 6.099 tỷ đồng tương đương 7% so với đầu năm. Việc tăng trưởng nguồn vốn huy động của ngân hàng không những phản ánh niềm tin của người dân, doanh nghiệp với ngân hàng mà còn cho thấy các tiện ích, dịch vụ ngân hàng ngày càng tốt hơn, đặc biệt là các tiện ích về gửi tiết kiệm, thanh toán trực tuyến, ngân hàng số ngày càng phát triển... 

Chị Thu Phương, phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) cho biết, đối với những người trẻ mới đi làm, không có sẵn khoản tiền lớn như chị thì việc gửi tiết kiệm trực tuyến là cách để tích cóp tiền khá phù hợp cho kế hoạch chi tiêu từ 1-12 tháng mà vẫn sinh lời. Hiện nay, không cần đến ngân hàng lấy số thứ tự chờ đợi lâu, chị cũng có thể gửi tiết kiệm trực tuyến ngay trên ứng dụng điện thoại của mình, vừa không tốn thời gian vừa có thể chủ động quản lý tài khoản. Chị Phương cho biết: “Khi mức sống, chi phí sinh hoạt ngày càng cao thì việc tiết kiệm một khoản tiền nhỏ hàng tháng vừa đơn giản, vừa thiết thực cho mục tiêu lâu dài. Ngoài ra, gửi tiết kiệm trực tuyến luôn được hưởng mức lãi suất cao hơn so với khi gửi tiền trực tiếp tại quầy, đôi khi còn nhận được những ưu đãi, mã dự thưởng từ ngân hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt, vô cùng tiện lợi”. Thêm vào đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhằm góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi kinh tế. Trong đó, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn 40 nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang được đặc biệt quan tâm. Dự kiến trong thời gian tới nhu cầu vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh tăng mạnh đòi hỏi 1 lượng vốn cung ứng lớn. Do đó, các ngân hàng TMCP đều đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng tốt nhu cầu này. 

Thời gian tới, các ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước 40 nghìn tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Chuẩn bị tốt các điều kiện về vốn, thủ tục, hồ sơ, quy định cho vay đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng tinh thần Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc là huyết mạch của nền kinh tế tỉnh nhà, giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững sau dịch COVID-19./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com