Với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) ở tỉnh ta đã có bước chuyển đột phá rõ nét, khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên khẳng định vị trí, vai trò, giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM).
Mô hình trồng hoa, cây cảnh của anh Đỗ Duy Bắc, xã Điền Xá (Nam Trực). |
Thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX của Chính phủ, hàng năm, căn cứ vào kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý HTX nâng cao năng lực quản lý, điều hành qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Liên minh HTX tỉnh. Giai đoạn 2012-2021, tổng kinh phí hỗ trợ 13 tỷ 721 triệu đồng, đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 17.025 lượt cán bộ quản lý và thành viên HTX. Thực hiện Luật HTX, tỉnh đã thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các HTX nông nghiệp đối với phần thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nội bộ thành viên HTX. Cùng với đó, tỉnh đã bố trí ngân sách hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, đào tạo kiến thức quản lý, đầu tư xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, tham quan học tập, tập huấn và truyền nghề cho người sản xuất; đào tạo nâng cao trình độ cho người hoạt động khuyến nông; tư vấn, hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông sản... Để hỗ trợ các HTX về nguồn vốn, UBND tỉnh đã giao Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực tế để đổi mới thủ tục cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Các chính sách hỗ trợ HTX tiếp thị và mở rộng thị trường được quan tâm. Năm 2018, tỉnh đã thành lập Hiệp hội Nông sản sạch và xây dựng Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, HTX, trang trại giao lưu, giới thiệu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại hàng hóa. Hàng năm, tỉnh tổ chức các hội nghị kết nối giữa các HTX nông nghiệp, trang trại với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, từ năm 2016-2020, UBND tỉnh đã hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho phát triển kết cấu hạ tầng 127 HTX nông nghiệp với tổng số kinh phí hỗ trợ 74,23 tỷ đồng để xây dựng trụ sở, nhà kho, cửa hàng kinh doanh vật tư, cơ sở thu mua, chế biến bảo quản tiêu thụ sản phẩm; góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX theo Luật HTX và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX và các hộ thành viên. Thực hiện tiêu chí số 13 Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM: xã NTM phải có HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và có hoạt động liên kết gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tỉnh xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các nội dung liên quan đến phát triển KTTT, HTX. Nhờ đó, các HTX được tạo điều kiện tham gia các chương trình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, cải tạo và nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, kiên cố hóa kênh mương, điện nước, chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, xây dựng nhà máy cấp nước, xử lý rác thải, kho bảo quản sau thu hoạch...
Với vai trò được giao, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đề xuất các giải pháp phát triển KTTT, HTX; tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật HTX, các chính sách pháp luật liên quan; tư vấn hỗ trợ thành lập HTX; tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ, phương pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh cho cán bộ, thành viên HTX. Liên minh HTX tỉnh còn tích cực tư vấn, hỗ trợ, cùng với các ngành, các địa phương xây dựng được hơn 20 mô hình HTX sản xuất nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị. Điển hình như HTX CCB Vạn Xuân Trường (Vụ Bản) với mô hình gạo thảo dược hữu cơ; HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên) xây dựng chuỗi “Thịt lợn sạch Nam Sơn”; HTX thanh niên Tân Tiến (Ý Yên) với chuỗi rau an toàn chất lượng cao; chuỗi chế biến thủy hải sản của HTX thủy sản Hải Điền, HTX Tiến Đạt (Hải Hậu); chuỗi sản xuất miến dong của HTX Liên Minh (Hải Hậu); chuỗi trồng và chế biến nấm của HTX Linh Phát (Hải Hậu), HTX Tuấn Hiệp (Giao Thủy)…
Triển khai đa dạng các cơ chế chính sách hỗ trợ, KTTT, HTX của tỉnh từng bước đổi mới và phát triển, khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong nền kinh tế. Số lượng HTX tăng, đa dạng về loại hình, rộng khắp ở các ngành, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000 tổ hợp tác, 457 HTX trong các lĩnh vực kinh tế đang hoạt động. Hoạt động của các HTX ngày càng đi vào ổn định và có bước phát triển mới, xuất hiện ngày càng nhiều HTX kiểu mới, liên kết, hiệu quả; xóa bỏ được các HTX làm ăn yếu kém. Số lượng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng phát triển về số lượng, đang dần trở thành phương thức sản xuất phổ biến để phát triển bền vững. Trong đó, 65 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên; 20 HTX ứng dụng công nghệ cao. Một số mô hình nổi bật với cách làm mới như HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường); HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên); HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). Một số mô hình HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như HTX Trung Hiếu, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng); HTX chế biến tiêu thụ nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản); HTX chăn nuôi Sơn Nam, xã Hải Trung (Hải Hậu)... Qua hơn 2 năm triển khai chương trình OCOP, đã có 28 HTX với 53 sản phẩm được xếp hạng 3 sao (chiếm 21,2%) tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh. KTTT, HTX đã đóng góp vai trò quan trọng trong xây dựng NTM, giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Lam Hồng