Nhằm nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), cán bộ chính quyền cơ sở và người dân, huyện Giao Thủy đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia vào công tác PCTT của đại đa số người dân, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai, bão lũ gây ra…
Nâng cấp hệ thống đê biển Giao Thủy góp phần bảo đảm an toàn cho cộng đồng trong mùa mưa bão. |
Là huyện ven biển, Giao Thủy thường xuyên chịu ảnh hưởng của đa dạng các yếu tố thiên tai: bão, lũ, triều cường dâng cao, mưa lớn, thời tiết nguy hiểm trên biển và các hệ quả thiên tai như sóng, nước dâng do bão, ngập lụt, bồi lắng, xói lở… ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Năm 2021, huyện chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi 1 áp thấp nhiệt đới, 2 cơn bão số 7, số 8 và hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến năng suất của 500ha lúa mùa, 80ha hoa màu và 1.623ha thủy sản với tổng thiệt hại ước khoảng 12 tỷ đồng. Trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, các xã, thị trấn, nhất là các xã ven biển thường xuyên chịu tác động trực tiếp của bão, triều cường dâng cao, tập trung đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT. Theo đó, huyện đã tổ chức các buổi tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh; treo pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền với các chủ đề: Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia PCTT, giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng là công việc của mọi người… Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt từ huyện xuống cơ sở để quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh về đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi như: Nghị định số 66/NĐ-CP ngày 6-7-2021 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều; Nghị định số 65/2019/NĐ-CP ngày 18-7-2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 104/NĐ-CP ngày 14-9-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTT, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1-8-2021 của Chính phủ về việc thành lập và quản lý Quỹ PCTT; Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 13-6-2019 của UBND tỉnh ban hành quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định… UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện phối hợp với Đài truyền thanh các xã, thị trấn phổ biến các văn bản, tài liệu, sản phẩm truyền thông do Ban Chỉ đạo PCTT Trung ương xây dựng và một số tiểu phẩm, câu chuyện truyền thanh… để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, tránh hiểm họa thiên tai cho nhân dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản khi có thiên tai xảy ra. Phòng NN và PTNT phối hợp với các Đồn Biên phòng Ba Lạt, Quất Lâm và UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, nắm chắc số lượng tàu, thuyền, ngư dân khai thác, đánh bắt, nuôi thủy sản để quản lý chặt chẽ khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra.
UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN; xây dựng kế hoạch, các phương án PCTT, bảo vệ trọng điểm; lập danh sách các phương tiện, lực lượng tham gia khai thác thủy sản trên biển, nhất là các phương tiện khai thác xa bờ. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng chuẩn bị vật tư tại các vị trí trọng điểm cấp tỉnh, huyện đã được xác định và những đoạn đê, kè, cống xung yếu; phân bổ cụ thể nhân lực, vật tư, dụng cụ như: bao tải, cọc tre, cuốc, xẻng… đến từng hộ dân, thôn, xóm. Bên cạnh đó, các ban, ngành của huyện cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp tu bổ nhà yếu cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo, hộ neo đơn, mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần bảo đảm an toàn PCTT. Thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27-3-2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố đội xung kích PCTT cấp xã; Quyết định số 2347/QĐ-UBND ngày 22-9-2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng lực lượng xung kích PCTT cấp xã trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Giao Thủy đã triển khai xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT tại các xã, thị trấn. Nhờ đó, toàn huyện đã củng cố, xây dựng lực lượng xung kích PCTT của tất cả các xã, thị trấn với tổng số 2.070 người. Trong đó 9 xã, thị trấn ven biển mỗi xã có 110 người; 6 xã ven sông Hồng, sông Sò mỗi xã 90 người; 7 xã nội đồng mỗi xã 70 người và Công ty TNHH một thành viênNông nghiệp Bạch Long 50 người. Cùng với xây dựng lực lượng xung kích, công tác PCTT cho các lực lượng làm công tác PCTT cấp xã cũng được huyện quan tâm triển khai tích cực. Theo đó, huyện đã phối hợp với Ban quản lý dự án GCF tỉnh Nam Định, Sở NN và PTNT tổ chức tập huấn cho 9 xã ven biển về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tập huấn kiến thức, kỹ năng PCTT, xử lý các tình huống thiên tai cho lực lượng xung kích của các xã, thị trấn. Qua đó, đội ngũ cán bộ cấp xã tham gia trực tiếp công tác PCTT được tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ; người dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp thiên tai được phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCTT. Các xã, thị trấn đã xây dựng, triển khai kế hoạch PCTT, phương án ứng phó cụ thể với các loại hình thiên tai chủ yếu, thường xuyên xảy ra phù hợp với tình hình thiên tai ở địa phương, được rà soát, bổ sung hàng năm…
Với việc nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở trong công tác PCTT sẽ góp phần đảm bảo sự chủ động trong phòng ngừa và xử lý sự cố thiên tai, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các công trình thủy lợi và hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn huyện Giao Thủy./.
Bài và ảnh: Văn Đại