Đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng đa năng

05:06, 03/06/2022

Nhiều ngân hàng đang tăng cường phát hành thẻ tín dụng tích hợp đa tiện ích hướng tới phân khúc bình dân. Ngoài ngân hàng, thị trường thẻ tín dụng còn có sự tham gia của các tổ chức tài chính công nghệ và tập đoàn bán lẻ, thương mại điện tử liên kết với các tổ chức tín dụng.

Hiện tại, trên thị trường thẻ hiện có 2 loại thẻ: Thẻ tín dụng (Credit Card) và thẻ ghi nợ (Debit Card) là 2 loại thẻ thanh toán được phát hành với mục đích hỗ trợ thanh toán điện tử cho người sử dụng. Trong đó, thẻ Credit Card là loại thẻ cho phép bạn “vay tạm” tiền của ngân hàng để chi tiêu, khi tài khoản ngân hàng của bạn đang không đủ; giới hạn mức tiêu theo quy định của ngân hàng. Thẻ Debit Card là thẻ thanh toán mà bạn chỉ có thể tiêu dùng giới hạn với số tiền bạn đang có trong tài khoản ngân hàng đi kèm với thẻ đó. Để hỗ trợ người dân tiếp cận với vốn ngân hàng thuận tiện, thúc đẩy thanh toán điện tử, thời gian qua, các ngân hàng đã nhanh chóng tích hợp cả 2 loại thẻ trên vào 1 loại thẻ và phát hành chung là thẻ tín dụng đa năng. Mới đây, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trên địa bàn tỉnh đang triển khai mở rộng phát hành thẻ tín dụng Lộc Việt - một sản phẩm được tích hợp cả 2 loại thẻ tín dụng với công nghệ chip EMV được Agribank ra mắt đầu năm 2022. Để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ, Agribank đã miễn hoàn toàn phí mở thẻ và phí thường niên năm đầu tiên. Bên cạnh đó, khi đăng ký mở thẻ trong thời gian đầu, người dùng sẽ được hoàn 100 nghìn đồng khi giao dịch thanh toán chi tiêu từ 500 nghìn đồng trở lên. Cùng với Agribank, trong các tháng đầu năm nay nhiều ngân hàng thương mại cổ phần như: VietinBank, Sacombank, HDBank, NamABank… cũng đã nhộn nhịp triển khai các chương trình ưu đãi mở và sử dụng các loại thẻ tín dụng. Từ tháng 4-2022, VietinBank áp dụng giảm mức phí chuyển đổi trả góp 0% lãi suất cho mọi giao dịch thanh toán qua thẻ tín dụng (cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế) có giá trị từ 3 triệu đồng trở lên. Khi người sử dụng thẻ tín dụng 2Card VietinBank để thanh toán tại các trung tâm mua sắm cũng được ngân hàng ưu đãi hoàn tiền đến 1,5 triệu đồng. NamABank hiện đang áp dụng hoàn tiền 250 nghìn đồng cho chủ thẻ Happy Card trong lần chi tiêu đầu tiên sau 45 ngày mở thẻ. Khảo sát trên thị trường thẻ cho thấy, hiện nay các dòng thẻ tín dụng như ACB Express, Sacombank Napas Family, VietinBank CashPlus, NamABank Cash Card, VIB Zero Interest Rate… được người tiêu dùng trẻ rất ưa chuộng. Đối với các loại thẻ này, điều kiện để phát hành thẻ được các ngân hàng quy định ở mức khá thấp (thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng), đồng thời các ngân hàng cũng chủ động liên kết hỗ trợ giảm giá cho chủ thẻ khi mua sắm trực tuyến, chi tiêu. Do vậy, tốc độ tăng trưởng các loại thẻ tín dụng khá mạnh. Hầu hết các ngân hàng đều lên kế hoạch mở rộng thẻ tín dụng cho khu vực khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình hoặc thấp.

Người dân sử dụng thẻ đa năng tại điểm ATM của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định.
Người dân sử dụng thẻ đa năng tại điểm ATM của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định.

Theo thống kê của NHNN Chi nhánh tỉnh, tính đến nay có hơn 1,1 triệu thẻ tín dụng đã được phát hành trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định với 296.184 thẻ; Vietinbank Chi nhánh Bắc Nam Định với 216.051 thẻ, Vietinbank Chi nhánh Nam Định với 108 nghìn thẻ…

Theo đánh giá của các ngân hàng, lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng gắn với công năng lưỡng dụng vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng sẽ được ngân hàng đẩy mạnh và phát triển sâu rộng trong thời gian tới. Thẻ tín dụng sẽ là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ ngân hàng/tổ chức tài chính đáp ứng các nhu cầu chi tiêu hàng ngày cũng như các khoản nhu cầu cấp bách của người dân. Đặc biệt đối với rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử trong nước, đóng bảo hiểm… nhưng họ chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này. Đây sẽ là phân khúc khách hàng, sản phẩm rất tiềm năng cho các ngân hàng khai thác.

Hiện tại, hầu hết các thẻ tín dụng đa năng thu hút số lượng người sử dụng khá do có khá nhiều ưu đãi hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày và được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ sẵn có nên khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý. Thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng góp phần giúp các ngân hàng có thêm 1 kênh quảng bá, tiếp cận hiệu quả cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc trung bình có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản nhưng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ. Vì thế, một số ngân hàng đã phối hợp phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ (Contact và Contactless Dual - Card), thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện (trả tiền xe buýt điện và Metro trong tương lai…) hay tích hợp thêm các tính năng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử của Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… đem lại những tín hiệu tích cực cho sự thành công của dòng sản phẩm thẻ tiềm năng này.

Chính vì thế thời gian tới, các tổ chức tín dụng trên địa bàn có kế hoạch đẩy mạnh truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng. Xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng. Tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình, từng bước khuyến khích người dân mở thẻ tín dụng trực tuyến, thẻ tín dụng phi vật lý. Tăng cường liên kết mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt chú trọng mảng thương mại điện tử. Tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn gắn liền với chính sách toàn diện tài chính quốc gia; tạo điều kiện cho mọi người trong xã hội đều dễ dàng tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế. Ngoài ra, các đơn vị cũng tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nói riêng. Đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt./.

Bài và ảnh: Đức Toàn


 

 



Blog Credit card Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com