Chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại cho ngành thủy sản

08:06, 06/06/2022

Kinh tế thủy sản ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Song ngành này cũng chịu tác động rất lớn của thiên tai, biến đổi khí hậu. Vì vậy để đảm bảo hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất này, việc chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai là một yêu cầu quan trọng hàng đầu. Bước vào mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai sát với tình hình thực tế và theo từng cấp độ rủi ro đảm bảo an toàn cao nhất về người, tài sản, nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, tổ chức thực hiện ngay tại địa bàn cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tàu, thuyền của ngư dân neo đậu an toàn tại cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu) khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra.
Tàu, thuyền của ngư dân neo đậu an toàn tại cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu) khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra.

Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản của toàn tỉnh đạt 175.572 tấn, trong đó sản lượng khai thác là 57.441 tấn. Tổng giá trị sản xuất thủy sản cả năm đạt 11 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 31% tỷ trọng cơ cấu ngành Nông nghiệp và tăng 6,7% so với năm 2020. Hết quý I năm 2022, tổng sản lượng khai thác ước đạt 12.453 tấn, tăng 1,33% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khai thác mặn lợ đạt 11.920 tấn, khai thác nội đồng đạt 533 tấn. Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh là 16 nghìn ha, trong đó nuôi mặn, lợ 6.650ha, nuôi ngọt 9.350ha. Năm 2022, toàn ngành phấn đấu tổng sản lượng khai thác đạt 59.800 tấn, trong đó khai thác mặn lợ đạt 57.440 tấn, khai thác nội đồng đạt 2.360 tấn. Kết quả kiểm tra, thống kê, phân loại cho thấy, tính đến ngày 15-4-2022 toàn tỉnh có 2.136 tàu cá, trong đó có 548 tàu có chiều dài dưới 6m, tàu có chiều dài từ 6m đến 12m là 698 chiếc; tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 362 chiếc và tàu dài từ 15m trở lên 528 chiếc. Tổng số lao động trực tiếp trên biển là 6.197 người, trong đó vùng ven bờ 2.502 người, vùng lộng 1.052 người, vùng khơi 2.610 và dịch vụ hậu cần 33 người. Ngoài ra, khu vực ven biển có trên 1.000 đầm nuôi thủy sản, 1.019 lều, chòi dựng tại đầm với 1.228 lao động trông coi đầm, bãi và 225 lồng bè nuôi thủy sản trên các tuyến sông. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 cảng cá đủ tiêu chuẩn và đã được công bố mở cảng, đưa vào sử dụng; trong đó cảng cá Ninh Cơ là cảng cá loại I được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) công bố mở cảng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2437/QĐ-UBND ngày 28-10-2016 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cảng cá Quần Vinh (Nghĩa Hưng) giai đoạn I. Đến nay, dự án đang trong giai đoạn thi công. Nam Định cũng đã được Trung ương phê duyệt đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 3 khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão cấp tỉnh. Trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1 cảng cá kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ, huyện Hải Hậu; 1 khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng đã xong giai đoạn I và đưa vào sử dụng âu số 1 từ năm 2014, hiện đang chờ xây dựng âu neo đậu số 2 và khu neo đậu tránh trú bão cửa Hà Lạn, huyện Giao Thủy đưa vào sử dụng từ tháng 10-2021. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế các cảng cá hiện có vẫn còn thiếu về cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu của tàu cá khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới và phát triển nghề cá của tỉnh. Vì vậy, một số tàu cá vẫn phải neo đậu trong các khu vực cống cửa sông, không bảo đảm an toàn dẫn đến những thiệt hại về tài sản khi thiên tai xảy ra. Đặc biệt mới có 548/2.136 phương tiện lắp máy thông tin để liên lạc với các tàu và đất liền để các cơ quan chức năng có thể kịp thời thông báo tin bão, áp thấp nhiệt đới cho ngư dân biết để phòng tránh.

Thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2022 của tỉnh, để chủ động phòng ngừa, giảm thiệt hại cho ngành thủy sản trong mùa mưa bão năm nay, Sở NN và PTNT đã thành lập Ban Thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) chuyên ngành thủy sản; ký kết với các ngành, chính quyền các địa phương ven biển thực hiện quy chế phối hợp thông tin báo bão, gọi tàu cá, ngư dân về nơi tránh, trú bão, nhất là các tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm, kiên quyết không cho tàu cá đi biển khi đang có tin bão, áp thấp nhiệt đới. Phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, nhất là người dân các xã ven biển, người lao động trên các tàu, thuyền khai thác thủy sản tích cực, chủ động PCTT, đảm bảo an toàn cho người và tàu, thuyền hoạt động khai thác thuỷ sản, chống tư tưởng lơ là, chủ quan với những diễn biến bất thường của thời tiết. Phổ biến Quy chế sử dụng trạm bờ, phát huy hiệu quả thông tin liên lạc của trạm bờ với các tàu cá khai thác ngoài khơi khi có áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông. Đồng chí Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, và kế hoạch của ngành Nông nghiệp huyện đã tăng cường cán bộ phụ trách công tác PCTT nói chung, lĩnh vực thủy sản nói riêng; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, các phương án PCTT, phương án bảo vệ vùng nuôi thủy sản; lập danh sách các phương tiện, số người tham gia khai thác thủy sản trên biển, nhất là tàu cá khai thác xa bờ. Xây dựng kế hoạch quy định rõ khi có áp thấp nhiệt đới, bão phải triển khai ngay lực lượng xuống các địa bàn theo phân công để chỉ huy xử lý kịp thời các tình huống, sự cố xảy ra, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đối với các tàu, thuyền hoạt động tại vùng ven bờ, chính quyền địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng sử dụng điện thoại gọi cho chủ tàu, thuyền trưởng đưa tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Đối với tàu cá hoạt động ở vùng lộng, vùng xa sử dụng mọi biện pháp gọi cho chủ tàu, thuyền trưởng, các đoàn trưởng, tổ trưởng tổ khai thác thủy sản; phối hợp với các đồn, trạm kiểm soát Bộ đội Biên phòng dùng hệ thống máy thông tin tầm ngắn, tầm xa thông báo cho ngư dân về tình hình bão, áp thấp nhiệt đới và hướng dẫn ngư dân đưa tàu, thuyền về nơi tránh trú gần nhất hoặc thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới để bảo đảm an toàn cho người và tàu cá… 

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố, các ngành chức năng xây dựng phương án phối hợp TKCN, huy động tối đa lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời với các tình huống TKCN khẩn cấp và các sự cố, tai nạn trên biển. Hỗ trợ ngư dân kết nối thông tin liên lạc với hệ thống trạm bờ. Chỉ đạo, hướng dẫn tu sửa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, cầu cống, bờ đầm, chòi, nhà bảo vệ tại các vùng nuôi thủy sản. Hướng dẫn thu hoạch thủy sản đúng mùa vụ và có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, tuyệt đối không cho người ở lại đầm và trên các chòi canh coi khi có bão. Thống kê số lượng tàu, thuyền, thuyền viên, lồng bè nuôi thủy sản, kiểm soát chặt chẽ tình trạng kỹ thuật, trang thiết bị an toàn, thiết bị thông tin liên lạc của tàu, thuyền hoạt động trên sông, trên biển. Tổ chức và đảm bảo thông suốt hệ thống thông tin liên lạc phục vụ dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, đảm bảo thông tin chỉ đạo, chỉ huy trong mọi tình huống thiên tai; chú trọng thông tin cảnh báo thiên tai cho ngư dân hoạt động trên biển./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com