Xuân Trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao

08:05, 10/05/2022

Xác định chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc nên ngay sau khi hoàn thành xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, huyện Xuân Trường tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Một góc nông thôn mới xã Xuân Tiến.  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Một góc nông thôn mới xã Xuân Tiến. 

Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo là không chạy theo thành tích, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, huyện Xuân Trường đã “đi trước đón đầu”, xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể duy trì, nâng cao chất lượng từng tiêu chí để tiến tới NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Người Xuân Trường chung sức xây dựng NTM”, đặc biệt chú trọng công tác huy động nguồn lực đầu tư ưu tiên nâng cao chất lượng các nhóm tiêu chí “cứng”, còn khó khăn như: cơ sở vật chất giáo dục; cảnh quan và môi trường, phân loại xử lý rác thải tại nguồn; phát triển các mô hình sản xuất (công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp) tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân… Lộ trình triển khai với bước đi, cách làm hợp lý, không nóng vội, thực hiện từng bước vững chắc, không huy động quá sức dân và bám sát với tình hình thực tế. Thực hiện nhất quán phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ; người dân là chủ thể, Nhà nước định hướng, hướng dẫn, tổ chức và hỗ trợ thực hiện; lấy thôn, xóm làm địa bàn chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM”. Trong giai đoạn 2018-2021, huyện Xuân Trường đã huy động gần 590 tỷ đồng cho xây dựng NTM nâng cao, trong đó vốn huy động từ cộng đồng dân cư đạt trên 86 tỷ (bằng 14,61%), từ doanh nghiệp hơn 23,2 tỷ đồng (3,94%), ngân sách xã trên 312 tỷ đồng (52,96%)… Ngoài ra, nhân dân còn góp trên 17,8 nghìn m2 đất và 16,5 nghìn ngày công để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn huyện có 100% các tuyến đường trục xã được nhựa hoá, bê tông hoá; 100% đường trục thôn, đường dong, ngõ xóm và 81% đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa. Các trường học được mở rộng đủ diện tích, hầu hết đều đảm bảo khuôn viên “xanh - sạch - đẹp - an toàn”; các phòng học bộ môn phục vụ học tập, hành chính quản trị… được đầu tư đủ số lượng. Mạng lưới nhà văn hóa - khu thể thao các xã, thị trấn, thôn, xóm hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và tổ chức hội họp của nhân dân. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo vệ môi trường nông thôn, quan tâm nâng cao các nội dung tiêu chí cảnh quan và môi trường trong xây dựng NTM. Hiện nay, 100% số xã, thị trấn có tổ thu gom và khu xử lý rác thải tập trung (gồm 15 lò đốt rác, 6 bãi xử lý chôn lấp rác thải hợp vệ sinh) giúp duy trì nề nếp, hiệu quả công tác thu gom, xử lý 95% rác thải sinh hoạt. Đã có 10/20 xã, thị trấn có mô hình phân loại xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình; các địa phương còn lại đang xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ trong khuôn viên hộ gia đình. Một số mô hình điểm trong xử lý rác thải sinh hoạt triển khai theo hình thức xã hội hóa như: Công ty TNHH Tân Thiên Phú đầu tư xây dựng toàn bộ dây chuyền lò đốt có công suất xử lý 20-25 tấn rác/ngày cùng hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh tại thị trấn Xuân Trường và bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành; Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh thương mại tổng hợp Vĩnh Phát xây dựng dây chuyền xử lý rác thải công suất 8-12 tấn rác/ngày tại xã Thọ Nghiệp…

Song song với nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, cải tạo cảnh quan môi trường, huyện Xuân Trường còn đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn. Hiện trên địa bàn huyện có 5 mô hình liên kết với 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định, Công ty TNHH Toản Xuân để sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao tại các xã Xuân Ninh, Xuân Thượng, Xuân Kiên, Xuân Đài, Xuân Phong với tổng diện tích 148ha; 7 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại 6 xã Xuân Hòa, Xuân Thượng, Xuân Ninh, Xuân Hồng, Xuân Phong, Xuân Vinh và 80 mô hình tích rụ ruộng đất của các hộ cá thể sản xuất lúa hàng hóa với tổng diện tích gần 300ha. Mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu triển khai ở xã Xuân Thủy với 400 con lợn thịt góp phần hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập cho người chăn nuôi… Năm 2020, huyện có 2 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng và công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao; năm 2021 có thêm 10 sản phẩm đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để trình huyện, tỉnh đánh giá, chấm điểm, công nhận sản phẩm OCOP theo quy định. Đến hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của huyện Xuân Trường đạt trên 60 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội là 0,1%. Với sự nỗ lực không ngừng, 2 xã Xuân Hòa và Xuân Kiên là các địa phương đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019. Năm 2020, Xuân Trường có thêm 5 xã: Xuân Tân, Xuân Thượng, Xuân Hồng, Xuân Ngọc, Xuân Bắc đạt chuẩn NTM nâng cao. Cuối tháng 4-2022, Đoàn thẩm định NTM nâng cao của tỉnh đã kiểm tra và đánh giá 8 xã Xuân Châu, Xuân Thủy, Xuân Phong, Xuân Phương, Xuân Phú, Xuân Vinh, Xuân Tiến, Thọ Nghiệp đủ điều kiện để trình UBND tỉnh công nhận NTM nâng cao, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao của huyện lên 15/20 xã, thị trấn. Trong 2 năm 2019-2020, huyện có 17 thôn, xóm được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; hiện 92 thôn, xóm đã hoàn thiện hồ sơ, đăng ký hoàn thành xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2021.

Đồng chí Trần Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, huyện chỉ đạo các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn xã NTM rà soát để bổ sung, hoàn thành và nâng cao bộ tiêu chí xã NTM nâng cao theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của tỉnh theo Kế hoạch số 43 ngày 30-3-2022 của UBND tỉnh. Đối với 5 xã chưa được công nhận xã NTM kiểu mẫu, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn rà soát các tiêu chí NTM theo Quyết định số 318/QĐ-TTg để xây dựng lộ trình đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí còn khó khăn đang vướng mắc. Huyện yêu cầu 3 xã Xuân Kiên, Xuân Hòa và Xuân Thượng được dự kiến xây dựng NTM kiểu mẫu từ năm 2022 tiếp tục rà soát theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ việc quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và hướng dẫn của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch, lộ trình hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng mô hình kinh tế kiểu mẫu, mô hình thôn thông minh và thực hiện các giải pháp nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phát huy tối đa công năng của nhà văn hóa thôn, xóm. Tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch về cơ cấu lao động, ngành nghề, đặc biệt chú trọng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa gắn với chuỗi liên kết, hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com