Để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, truyền thông giáo dục tài chính của ngành Ngân hàng đóng một vai trò quan trọng, phối hợp đồng bộ với các trụ cột khác như xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính, ứng dụng công nghệ số… tạo chuyển biến rõ nét về việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số của người dân.
Người dân xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) tìm hiểu các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tại điểm giao dịch xã. |
Theo các chuyên gia ngân hàng, truyền thông giáo dục tài chính là giải pháp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp các thông tin, kiến thức cần thiết về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Nhờ được truyền thông giáo dục tài chính, nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng sẽ thay đổi, từ đó tự tin tiếp cận và hạn chế việc tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi chính thức (tín dụng đen). Hơn nữa, mỗi người dân sẽ có kiến thức nền để quản lý ngân sách cá nhân, gia đình tốt hơn, gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân cư và thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư cho xã hội. Trước đây, các hình thức truyền thông khá đơn giản, chỉ tập trung trong nội bộ ngân hàng, thiếu sự tương tác với công chúng. Đây chính là lý do dẫn đến chậm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số. Thêm vào đó, việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng - tài chính hiện đại của người dân còn khá thấp, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn do trình độ nhận thức và hạ tầng công nghệ còn hạn chế. Hiện tại, có 4 vấn đề đặt ra cho hoạt động truyền thông giáo dục tài chính là “khó nhớ - khó tiếp thu - khó áp dụng - khó lan tỏa” điều này xuất phát từ đặc thù của thông tin về sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng thường mang tính học thuật, chuyên ngành cao; bên cạnh đó là sự hạn chế của những kênh truyền thông truyền thống thường một chiều, thiếu tương tác và lan tỏa. Thời gian qua, để hóa giải những khó khăn trên, truyền thông giáo dục tài chính của ngành Ngân hàng đã áp dụng giải pháp “4 dễ”, bao gồm: Dể hiểu (đơn giản tối đa các thuật ngữ chuyên môn để công chúng dễ tiếp cận); Dễ nhớ (sử dụng các hình thức sáng tạo, linh hoạt sao cho công chúng dễ nhớ thông điệp nhất); Dễ làm (các quy trình tiếp cận và sử dụng sản phẩm dịch vụ, tài chính ngân hàng phải được hướng dẫn một cách rõ ràng nhất để công chúng có thể dễ dàng vận dụng và làm theo trong thực tế); Dễ lan tỏa (lựa chọn các phương tiện truyền thông có tính lan tỏa cao trong công chúng) để công chúng dễ dàng nắm bắt, áp dụng vào thực tiễn và có tính lan tỏa trong cộng đồng.
Đại dịch COVID-19 đã giúp các ngân hàng “biến nguy nan thành cơ hội” để thúc đẩy truyền thông giáo dục tài chính trên các kênh số hoá. Hàng loạt các ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB, LienVietPostBank… đều đẩy mạnh phát triển các trang chủ giới thiệu các dịch vụ tài chính, các món vay cùng chính sách ưu đãi vốn công khai, minh bạch trên website, ứng dụng ngân hàng góp phần phổ biến rộng rãi hơn đến với người dân.
Thông qua các chương trình truyền thông giáo dục tài chính, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Để nâng cao hiệu quả truyền thông, ngành Ngân hàng cũng thực hiện đánh giá kết quả truyền thông tài chính dựa trên các cơ sở dữ liệu cụ thể về thói quen chi tiêu, sở thích, nhu cầu người dân khi tiếp cận các dịch vụ tài chính tại mỗi ngân hàng. Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã tập trung phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách vay vốn ưu đãi mới, hỗ trợ người nghèo vay vốn mở mang phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân đã nắm bắt được chính sách, tiếp cận với vốn vay ưu đãi phù hợp, sử dụng vốn hiệu quả, ý thức “có vay, có trả” của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Trong quý I năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương thực hiện gần 50 tin, bài, phóng sự trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, Cổng thông tin điện tử tỉnh và các huyện. Ngoài ra, các Phòng Giao dịch còn thường xuyên tuyên truyền về tín dụng chính sách, đặc biệt là chính sách mới; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay trong việc vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, tích cực tham gia gửi tiền tại ngân hàng trên đài phát thanh của huyện, xã, trong các cuộc họp, hội nghị hoặc buổi giao ban giao dịch xã hàng tháng…
Với mục tiêu mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính của người dân, bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro không đáng có khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng - tài chính, hạn chế việc người dân phải tìm đến các kênh cung ứng dịch vụ tài chính phi chính thức, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tập trung đổi mới, sáng tạo nội dung các chương trình truyền thông giáo dục tài chính, bao gồm các chủ trương liên quan đến chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cách tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng (tư vấn, cung cấp các thông tin liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như gửi tiết kiệm, vay vốn, quy trình tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…), cảnh báo cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ này, đồng thời cung cấp cho người dân các hiểu biết về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ thanh toán, vấn đề minh bạch về phí thanh toán. Mở rộng thêm đối tượng mục tiêu được hướng đến của truyền thông giáo dục tài chính là giới trẻ, đồng bào khu vực nông thôn, những đối tượng yếu thế trong xã hội. Đồng thời, ngành Ngân hàng sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện các chương trình truyền thông giáo dục tài chính có tính sáng tạo, dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính tương tác cao, ứng dụng sức mạnh công nghệ số; phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp để triển khai các chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng; phối hợp với các tổ chức tín dụng để truyền thông một cách trực quan, sinh động về các sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tín dụng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn