Triển khai các kịch bản phòng, chống thiên tai

07:05, 03/05/2022

Để hạn chế những thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tích cực xây dựng, triển khai thực hiện các phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai.

Huyện Hải Hậu diễn tập phương án di dân khi có siêu bão đổ bộ vào địa bàn.  Bài và ảnh: Văn Đại
Huyện Hải Hậu diễn tập phương án di dân khi có siêu bão đổ bộ vào địa bàn. 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, thời tiết có những diễn biến dị thường đã được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật, kèm theo giông, lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa từ ngày 30-3 đến 2-4 vừa qua với tổng lượng mưa từ 200-600mm, trong đó có nơi mưa rất lớn kèm theo giông, lốc xoáy, sóng lớn và gió giật mạnh khiến 4 người chết, mất tích; ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tỉnh ta có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10. Trên các vùng biển có thể xảy ra gió mạnh, mưa to, sóng lớn do tác động của không khí lạnh… Do vậy, việc chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó và chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời với từng tình huống thiên tai cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, nhất là bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, cống và các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh đang được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tích cực triển khai thực hiện.

Nam Định có 663km đê và 8km đê biển Cồn Xanh. Trong đó gồm 99km đê biển; 274km đê sông từ cấp I đến cấp III; 298km đê dưới cấp III. Có trên 169km kè bảo vệ tuyến đê sông và đê biển. Dưới đê có 247 cống (171 cống qua đê cấp I đến cấp III; 50 cống qua đê chưa phân cấp; 26 cống qua đê dưới cấp III). Có 35 bối, trong đó 32 bối có dân ở, tuyến đê bối dài 88km; 3 bối canh tác dài 4,314km; 61 cửa khẩu qua đê; 125 điếm canh đê; 81 kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão. Hiện có 39,8km đê còn thiếu cao trình so với thiết kế; 89,67km đê mặt đê còn nhỏ, hẹp (Theo TCVN 9902:2016), chưa đảm bảo mặt cắt thiết kế; còn gần 7km đê cần xử lý thẩm lậu, rò rỉ, sạt trượt; 70,882km phát hiện tổ mối trong thân đê, trong đó còn hơn 18km đê chưa được xử lý, các đoạn khác cần phải chú ý theo dõi… Qua kiểm tra thực địa, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh xác định, năm 2022 toàn tỉnh có 24 trọng điểm xung yếu về công tác PCTT cần đặc biệt chú ý; trong đó, tuyến đê sông có 19 trọng điểm, tuyến đê biển có 5 trọng điểm. 

Để chủ động phòng, chống giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp theo Nghị định số 66/2021/NĐ-CP. UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố chuẩn bị các phương án ứng phó, vật tư, phương tiện… sẵn sàng xử lý các tình huống thiên tai, bão, lụt theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng là chính”. Tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật PCTT và các văn bản liên quan nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tránh tư tưởng chủ quan. Trên cơ sở các loại hình và cấp độ rủi ro thiên tai có thể xảy ra, các cấp, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án ứng phó sát với thực tế, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án hộ đê, phương án phòng, chống cho công trình thủy lợi ven sông, ven biển, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên sông, trên biển, phương án sơ tán dân sinh sống ở bãi sông, vùng trũng thấp khi có lũ, mưa lớn… Đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác PCTT và TKCN năm 2022, UBND huyện đã tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN từ huyện đến cơ sở; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí thành viên Ban chỉ huy; giao chỉ tiêu “4 tại chỗ” cụ thể cho các ngành, địa phương; xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến, phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu. Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với Vườn quốc gia Xuân Thủy, Trung tâm Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTT và người dân về đánh giá rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng PCTT phù hợp với từng đối tượng. Tại huyện Vụ Bản, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các đội xung kích; lực lượng tuần tra, canh gác tại các điếm được tập huấn thành thạo về công tác hộ đê giờ đầu, tìm kiếm cứu nạn. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các xã, thị trấn đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như bạt chắn sóng, đất dự trữ tại các vị trí được phê duyệt, tre, bao tải, lưới thép B40 và xe tải. Ở các xã nội đồng, mỗi gia đình chuẩn bị 2 bao tải; ở các xã ven sông, mỗi gia đình chuẩn bị 3 bao tải để tại nhà khi có lệnh huy động các gia đình đóng đất vào bao để bàn giao kịp thời cho lực lượng hộ đê sẵn sàng ứng cứu các sự cố theo các phương án đã được diễn tập, bảo đảm xử lý tình huống ngay giờ đầu. Huyện sẽ tổ chức thực hành diễn tập công tác PCTT và TKCN tại các xã ven sông nhằm nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trong thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN, kỹ năng xử lý các sự cố thường gặp trong mùa mưa bão. 

Để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, theo đồng chí Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, các huyện, thành phố tập trung tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống đê, kè, cống và các công trình PCTT trên địa bàn, nhất là các trọng điểm PCTT. Trên cơ sở đó xây dựng phương án ứng phó cụ thể, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện các phương án này một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai phải đổi mới theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt, giảm thiểu thiệt hại về người ở tất cả các cấp. Tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, cơ quan chuyên môn PCTT và TKCN từ tỉnh đến cơ sở và người dân; lồng ghép nội dung PCTT trong cộng đồng, nhất là tại trường học; triển khai đồng loạt nhiều hoạt động thiết thực phong trào thi đua trong công tác PCTT như: “Xây dựng tuyến đê kiểu mẫu”, “Chủ động PCTT, xây dựng cộng đồng an toàn”… Tăng cường thời lượng dự báo, cảnh báo thiên tai sớm để giúp người dân, các cơ quan PCTT có thêm thời gian ứng phó. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai bảo đảm hoàn thành mục tiêu kép an toàn PCTT trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên, thông suốt, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu, thuyền trên sông, trên biển để bảo đảm an toàn và sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão. Ở khu vực thường xảy ra úng trũng như: Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản và thành phố Nam Định các địa phương cần có phương án tiêu úng cục bộ để bảo vệ lúa, cây màu và dân sinh./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com