Nam Định có hơn 3.000ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng ngập mặn phân bố ở các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng cùng một số diện tích rừng nằm rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Diện tích rừng phòng hộ của tỉnh có tác dụng bảo vệ đê điều, chống biến đổi khí hậu, là nơi quần tụ của nhiều loài chim nước quý hiếm và là vùng sinh thái đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, sản xuất, đời sống của nhân dân. Vì vậy rừng phải được bảo vệ nghiêm ngặt, phát triển và quản lý, sử dụng có hiệu quả.
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát diện tích rừng phòng hộ ven biển. |
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm (Sở NN và PTNT), hiện nay diện tích rừng của tỉnh không tập trung, nằm xen kẽ với các khu dân cư, đất canh tác nông nghiệp nên việc tranh chấp rừng và đất nông nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số khu vực giáp ranh, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo vệ rừng. Tại các địa phương có nhiều làng nghề sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, gỗ xây dựng phát triển, mỗi năm tiêu thụ hàng nghìn m3 gỗ các loại, nên hoạt động vận chuyển, buôn bán lâm sản diễn ra thường xuyên, sôi động; áp lực đối với công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng ngày càng lớn do dân số tăng, người dân các vùng nông thôn ven biển thiếu đất để sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng, còn thiếu nhân lực để quản lý, bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có; năng lực, trình độ của một số công chức kiểm lâm địa bàn xã còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chính quyền địa phương một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, còn tư tưởng ỷ lại vào lực lượng chuyên trách. Đặc biệt, rừng đang chịu những tác động lớn của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, triều cường dâng cao, hạn hán… làm thiệt hại, nhất là rừng phòng hộ ven biển.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở NN và PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 11-10-2021 thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 16-6-2021 về trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 8-12-2021 về triển khai đề án bảo vệ phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tỉnh… Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm đã in 3.500 tờ rơi tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; sửa chữa, xây mới 2 biển báo, biển tuyên truyền trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tại các huyện Vụ Bản, Ý Yên. Phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền các xã, thị trấn có rừng và lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp và các văn bản thi hành luật bằng nhiều hình thức… Lực lượng kiểm lâm địa bàn tại các xã, thị trấn có rừng tích cực vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác, nuôi trồng thủy sản trong khu vực rừng phòng hộ ven biển. Tích cực phối hợp tuần tra, giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chi cục Kiểm lâm cũng thường xuyên phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức triển khai thực hiện PCCCR, tham mưu cho chính quyền chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức thực hiện, chấp hành pháp luật về việc PCCCR. Các Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức tuyên truyền về công tác PCCCR đến cộng đồng dân cư, nhất là những tháng cao điểm mùa khô hanh; thường xuyên bố trí cán bộ trực kiểm tra phòng, chống cháy rừng. Phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra công tác PCCCR tại một số địa bàn trọng điểm, gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy; thị trấn Gôi, xã Kim Thái (Vụ Bản), xã Yên Tân (Ý Yên). Phân công cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn 29 xã có rừng trong toàn tỉnh, các hoạt động của lực lượng Kiểm lâm địa bàn góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng tại gốc, nâng cao năng lực PCCCR và thừa hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.
Thời gian gần đây, tại một vài khu vực ven biển, có tình trạng một số hộ gia đình, cá nhân bơm, hút cát gần rừng phòng hộ để tạo vùng bãi bồi cao, khoanh vùng nuôi ngao, lấn chiếm diện tích rừng phòng hộ, chiếm dụng đất trong vùng bãi bồi đã được quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thông tin, hướng dẫn và vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng, nuôi trồng thủy sản trong các khu vực rừng phòng hộ ven biển; tôn trọng mục tiêu quan trọng, lâu dài của hệ thống rừng ngập mặn, vùng bãi bồi ven biển nhằm bảo vệ có hiệu quả hệ thống rừng ngập mặn hiện có, phục hồi và phát triển rừng, phát huy vai trò phòng hộ, mở rộng diện tích bãi bồi, khôi phục môi trường sinh thái, khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội của vùng theo quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn ven biển thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật, gắn với bảo vệ môi trường, an toàn các công trình liên quan, đảm bảo an ninh trật tự xã hội khu vực rừng ngập mặn. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhằm phòng ngừa ngăn chặn vi phạm, xâm hại đến rừng ngập mặn và vùng bãi bồi ven biển; có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, phối hợp với chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng và chủ rừng tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi xâm hại đến rừng, không để xảy ra các vụ vi phạm về bảo vệ rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Văn Đại