Những lao động nữ ở làng nghề

04:05, 27/05/2022

Thị trấn Nam Giang có gần 40 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong 2 Cụm công nghiệp Vân Chàng và Đồng Côi, với tổng diện tích 44,2ha. Với lịch sử tồn tại và phát triển lâu năm, các doanh nghiệp, hộ gia đình nơi đây chủ yếu sản xuất lĩnh vực cơ khí tái chế với các sản phẩm chủ yếu là: dao, kéo, xẻng, bánh lồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; phụ tùng xe đạp, xe máy…. Tuy nhiên, bên cạnh phát triển kinh tế, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, làng nghề hiện cũng đang phải đối diện với các yếu tố nguy hiểm, độc hại như: bụi, tiếng ồn, hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động đối với các lao động, nhất là lao động nữ.

Lao động nữ trong một cơ sở sản xuất cơ khí tại Cụm công nghiệp Đồng Côi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Lao động nữ trong một cơ sở sản xuất cơ khí tại Cụm công nghiệp Đồng Côi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).

Trong cái nắng tháng 5, tại các xưởng sản xuất tại thị trấn, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ mũ trùm, đội nón đang miệt mài lao động trong các hộ sản xuất, kinh doanh nghề cơ khí. Tiếng đe, tiếng búa gõ đều nhịp chát chúa, ầm ầm; càng lại gần, thứ âm thanh ấy càng lớn gây nhức tai, khó chịu với những người không quen. Được biết, phần lớn các hộ làm nghề tổ chức sản xuất ngay tại nhà ở, hoặc xen lẫn trong các khu dân cư, mặt bằng chật hẹp, nơi làm việc tạm bợ, thiếu ánh sáng, nguyên liệu sản xuất và sản phẩm để bừa bãi. Các phương tiện đảm bảo môi trường lao động như hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió, hút khí độc còn thiếu, hệ thống xử lý nước thải, khí thải… nhiều nơi chưa có. Trong hoàn cảnh như vậy, ngày qua ngày, những lao động nữ nơi đây vẫn miệt mài làm việc. Nói những công nhân ở đây phải mưu sinh bằng mồ hôi và máu là không ngoa, bởi nghề làm cơ khí rất nặng nhọc, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Che mặt sơ sài bằng tấm khẩu trang mỏng, đôi găng tay vải cũ sờn, với các dụng cụ đơn giản, bác Nguyễn Thị Duyên xóm Tân Nghĩa, năm nay đã ngoài 60 tuổi, vội vã lau những giọt mồ hôi trên trán cho biết: “Nghề này tuy vất vả nhưng cũng giúp cho không ít chị em chúng tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Lúc nông nhàn rất nhiều phụ nữ trong làng rủ nhau đi làm phụ cho các chủ cơ sở sản xuất đồ cơ khí trong thị trấn”. Cũng như bác Duyên, ở làng nghề cơ khí này có nhiều phụ nữ ở các xã: Nam Dương, Nam Cường… Trước đây, ngoài việc mỗi năm 2 vụ mùa cấy hái thì phụ nữ không có nghề phụ để làm. Đàn ông đi làm thuê, phụ hồ, bốc vác khắp nơi; còn với phụ nữ, chủ yếu phải ở nhà chăm sóc con cái, gia đình nên không thể đi làm ăn xa. Cuộc sống sinh hoạt cũng thêm phần eo hẹp khi không có nghề nào kiếm thêm thu nhập ngoài mấy sào ruộng và trông chờ vào khoản thu nhập từ người chồng đi làm ăn xa. Những năm gần đây, nghề cơ khí phát triển, họ đã có thêm việc làm, thu nhập mà không phải “tha hương, cầu thực”. Chị Trần Thị Thanh, xã Nam Dương đã có “thâm niên” hơn 10 năm làm nghề tại các hộ sản xuất đồ cơ khí cho biết: “Nghề nông của chị em ở đây nói vất vả là có nhưng khi mùa màng xong xuôi cũng chẳng biết làm gì cả. Gặp vụ mất mùa thì cũng phải tất tả ngược xuôi đi làm thuê ở khắp nơi. Bây giờ, làng nghề cơ khí được mở rộng, dịch vụ thương mại phát triển ngay tại địa phương, nhiều gia đình cũng có tiền từ làm công để dành dụm nuôi con cái ăn học. Nói là công việc phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho gia đình, tiền công cho việc đứng máy, lắp ráp phụ tùng gông lò là 190 nghìn đồng/ngày, tính ra một tháng cũng được khoảng 5 triệu đồng”. Mặc cho sức nóng trong các nhà xưởng, không khí làm việc của các lao động nữ nơi đây vẫn rất khẩn trương. “Công việc vất vả, trong môi trường tiếng ồn lớn nhưng được làm ở quê nhà với thu nhập ổn định hơn với công việc khác là niềm vui. Tuy vậy, người lao động phải có sức khỏe dẻo dai và chịu được cái nóng của lửa, bụi bặm. Đặc biệt, khói của than đá rất độc nên người thợ thường hay mắc các chứng bệnh về hô hấp. Mùa đông còn dễ chịu chứ mùa hè thì nóng bỏng rát cả mặt”, chị Thanh vừa làm thoăn thoắt, vừa chia sẻ thêm.

Vẫn biết việc đảm bảo an toàn lao động tại các làng nghề phải xuất phát từ ý thức của chính người lao động và chủ sử dụng lao động, tuy nhiên, về mặt quản lý, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn. Trong đó, cần tổ chức nhiều hơn các buổi tập huấn, các buổi tọa đàm để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng an toàn lao động cho người dân. Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tại các làng nghề để đảm bảo người dân thực hiện nghiêm túc vấn đề an toàn lao động và phòng chống cháy nổ, từ đó tạo điều kiện giúp người lao động yên tâm sản xuất./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh


 

 



mau cv xin viec Vieclam24hKhám phá công ty tuyển dụng việc làm chất lượng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com