Sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống trồng cây cảnh, nên từ khi còn nhỏ, anh Vũ Văn Tưởng ở làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là những bí quyết về kỹ thuật chăm sóc, tạo thế và nghệ thuật bonsai để phát triển nghề trồng cây đem lại thu nhập cao.
Anh Vũ Văn Tưởng chăm sóc cây cảnh trong nhà vườn. |
Quyết định theo đuổi nghề cây nên anh Tưởng đi nhiều nơi sưu tầm các loài hoa, cây cảnh về trồng, tạo thế trong khuôn viên gia đình. Nghề trồng cây cảnh tuy không vất vả, tốn nhiều công sức như bao ngành nghề khác, nhưng đòi hỏi người trồng phải biết thổi “hồn” vào cây để chúng có sức sống, hình dáng độc lạ thu hút khách hàng. Bằng sự đam mê và đôi bàn tay khéo léo, anh Tưởng đã tìm kiếm, sưu tầm các cây phôi, cây nguyên liệu, những cây tưởng như đơn giản nhưng qua quá trình tạo tác, cắt tỉa, chăm sóc trở thành những tác phẩm nghệ thuật thể hiện ý niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, hướng con người đến chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Những lúc rảnh rỗi, anh thường học hỏi kỹ thuật trồng cây của những nghệ nhân, người chơi cây cảnh lâu năm và tiếp cận với các nhà vườn nổi tiếng để tích lũy thêm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên tham dự hội thảo, triển lãm về cây ở trong và ngoài tỉnh và dày công nghiên cứu qua sách báo, mạng internet. Anh cho biết, ngoài lòng đam mê, sự tâm huyết, kỳ công và cả kinh nghiệm, người trồng phải nắm vững kỹ thuật trồng cây, cần cù, tỉ mỉ, có kiến thức thẩm mỹ để tạo ra các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Ngay từ khi tạo phôi người trồng đã phải hình dung xem sẽ tạo dáng cho cây theo thế nào và phát triển ý tưởng theo sự lớn lên của cây. Quá trình chăm sóc, tạo thế từ cây phôi lên chậu là công đoạn khó khăn, đòi hỏi nhiều tâm sức hơn cả. Sau khi ổn định thế, dáng, mới đưa cây phôi lên chậu. Khi ấy, việc chăm sóc cây trở nên đơn giản hơn. Tuỳ theo kích thước cây, loại cây mà thời gian để tạo sản phẩm có thế ổn định mất từ 2-12 năm. Với thị trường cây cảnh luôn phát triển, nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, anh Tưởng đã mở rộng, phát triển đa dạng chủng cây như tùng la hán, sung, vừng, sanh, si và các loại cây công trình với nhiều hình dáng, thế khác nhau phù hợp với nhu cầu thị hiếu của từng khách hàng. Trên diện tích gần 1.000m2, anh đang có hàng trăm gốc cây cảnh trưởng thành, cây ít nhất cũng có tuổi đời 5, 6 năm, cây nhiều thì khoảng 50-60 năm tuổi, mỗi cây có giá từ vài triệu đến hàng tỷ đồng. Trong đó, cây sanh dáng huyền có tuổi đời khoảng 60 năm đặt tên “Tuyệt bích cầu long” đã được anh dầy công uốn tỉa trong 16 năm, có khách trả giá cao nhưng anh chưa có ý định bán. Theo thị hiếu của người chơi, cũng như để có nguồn thu nhập trong lúc đợi nuôi cây cổ thụ, anh Tưởng còn tập trung làm những cây bon sai giá trên dưới 10 triệu đồng/cây và các loại cây hoa phù hợp với nhiều khách hàng mua về trưng tại gia đình. Bên cạnh đó, anh còn có trên 1.000m2 ở vùng chuyển đổi để trồng cây phôi giống, vừa tạo nguồn cây trưởng thành cho gia đình vừa cung cấp giống cho các nhà vườn trong cả nước. Với thị trường tiêu thụ luôn rộng mở, nhà vườn của anh có khách hàng khắp trong Nam ngoài Bắc, đặc biệt là các khách hàng quen biết, mua cây nhiều năm ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Mô hình trồng, kinh doanh hoa, cây cảnh của gia đình anh Tưởng không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn lưu giữ nghề truyền thống của gia đình, là mô hình kinh tế điển hình làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Có những năm doanh thu của anh lên tới vài tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong các công đoạn hỗ trợ kỹ thuật, phải dùng đến sức người và hỗ trợ họ học nghề.
Với anh Nguyễn Văn Tưởng, đam mê cây cảnh không chỉ đơn thuần là mục đích kinh doanh mà còn là cách để giữ gìn những nét đẹp của thời gian, là cách để những người chơi tạo ra tâm hồn thư thái, gần gũi, hòa nhập với thiên nhiên. Vì vậy, vườn cây cảnh của anh Tưởng còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ niềm đam mê sinh vật cảnh của giới chơi cây cảnh trong và ngoài tỉnh. Anh đã có nhiều tác phẩm cây cảnh, cây bonsai tham gia trưng bày tại các triển lãm cây cảnh nghệ thuật trong tỉnh và được công nhận là nghệ nhân SVC tỉnh./.
Bài và ảnh: Hồng Minh