Khắc phục bất cập trong lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

08:05, 24/05/2022

Thời gian qua, công tác lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (QH, KHSDĐ) theo quy định của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch và các nghị định, hướng dẫn thi hành đã được tỉnh tăng cường chỉ đạo. Nhờ đó đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đất đai. 

Nhà đầu tư Đài Loan tiếp cận cơ hội sử dụng đất, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).
Nhà đầu tư Đài Loan tiếp cận cơ hội sử dụng đất, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường: QH, KHSDĐ đã thực sự trở thành công cụ pháp lý hết sức quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai; nhất là đối với công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ, thu hồi đất, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ. Các cấp chính quyền, ngành chức năng đã chú trọng, tăng cường quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch; kiên quyết xử lý và ngăn chặn tình trạng giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ vi phạm QH, KHSDĐ. Việc công khai QH, KHSDĐ đã được chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, trong đó đã xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt đến năm 2020 của tỉnh là 65.437,93ha (đất chuyên trồng lúa nước là 64.283ha; diện tích đất rừng của tỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 4.592ha với 1.735ha rừng phòng hộ, 2.857ha rừng đặc dụng). Đồng thời, làm cơ sở pháp lý để tập trung thực hiện các thủ tục, giải pháp đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển như: các Khu công nghiệp Rạng Đông (giai đoạn 1) quy mô 600ha, Mỹ Thuận quy mô 200ha, Bảo Minh mở rộng quy mô 50ha; các Cụm công nghiệp Yên Bằng, Yên Dương, Thành Côi… với quy mô từ 50 đến 75ha; Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I (Hải Hậu) công suất 2.400MW; cầu Thịnh Long, tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường trục phía nam thành phố Nam Định, đường Nam Định - Lạc Quần nối với tuyến đường bộ ven biển. Ngoài ra, QH, KHSDĐ còn là cơ sở pháp lý để tạo quỹ đất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc lập, thực hiện QH, KHSDĐ của tỉnh còn những hạn chế, bất cập. Việc dự báo nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội do quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch chuyên ngành chưa sát với nhu cầu phát triển thực tiễn; nhiều công trình hạ tầng, nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất phát sinh chưa được đề cập trong QH, KHSDĐ nhưng lại có nhu cầu cấp thiết cần thực hiện ngay. Tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch chuyên ngành với QH, KHSDĐ chưa cao; khả năng đáp ứng nhu cầu đất đai cho quy hoạch các ngành thấp do quỹ đất không đáp ứng được. Điển hình là quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch nông nghiệp, để đáp ứng các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới do các Bộ ban hành đòi hỏi quỹ đất lớn nhưng chỉ tiêu phân khai các loại đất của Chính phủ không đáp ứng đủ. Bên cạnh đó, việc lập, tổ chức triển khai và giám sát thực hiện QH, KHSDĐ chưa được quan tâm đúng mức. Quá trình thực hiện phân cấp trong quản lý các loại quy hoạch theo đơn vị hành chính còn bất cập, chưa đảm bảo tính tổng thể, kết nối liên vùng. Tỷ lệ thực hiện kế hoạch sử dụng đất thấp, số lượng các dự án chưa được lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải chuyển tiếp sang năm tiếp theo tương đối lớn.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả lập, thực hiện QH, KHSDĐ các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của các bất cập, tồn tại. Theo đó, đã xác định: Về khách quan, chính sách, pháp luật giữa các Luật, Nghị định, Thông tư ở một số điểm chưa đồng bộ và thống nhất; hệ thống các văn bản pháp luật liên quan liên tục sửa đổi, và chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương dẫn đến tình trạng chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở lúng túng trong thực hiện. Điển hình như sự thiếu thống nhất trong việc xác định nhu cầu đất đai trong việc lập quy hoạch chuyên ngành, lập các đề án tái cơ cấu của các ngành với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hay đề án phát triển kinh tế trang trại có nhu cầu chuyển đất lúa sang phục vụ cho đề án rất cao, khó có thể cân đối quỹ đất để đáp ứng). Sự không đồng bộ giữa các loại quy hoạch dẫn đến việc lập thủ tục đầu tư của dự án gặp khó khăn. Mặt khác, tình trạng các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng lại không giải phóng được mặt bằng dẫn đến dự án không triển khai thực hiện được. Về chủ quan, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường, nhất là cấp huyện, xã còn hạn chế so với yêu cầu; vai trò tham mưu cho chính quyền các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Từ những vấn đề nêu trên, tỉnh đã chỉ đạo ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác lập QH, KHSDĐ đảm bảo có tính chiến lược, bám sát định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khớp nối với quy hoạch ngành, vùng. Chú trọng hoàn thiện hệ thống QH, KHSDĐ để đảm bảo các căn cứ pháp lý khi thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, cần tạo các quỹ đất quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các điểm sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại... phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất của các doanh nghiệp, cá nhân khi thu hút đầu tư trên địa bàn. Yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, đồng thời thực hiện đầy đủ cơ chế lấy ý kiến của nhân dân về việc lập và điều chỉnh QH, KHSDĐ, lập phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng như các phương án khác có liên quan tới lợi ích của người dân đảm bảo thực sự công khai minh bạch, khắc phục tình trạng “lợi ích nhóm” trong các hoạt động quản lý SDĐ. Cắm mốc, công bố, công khai rộng rãi các quy hoạch được duyệt; cung cấp thông tin quy hoạch cho các đối tượng có nhu cầu; quản lý chặt chẽ mặt bằng quy hoạch; cấp phép xây dựng theo quy hoạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng công trình của các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được duyệt, có biện pháp xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật. Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý QH, KHSDĐ. Tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan trong quá trình đề xuất lập, thực hiện và quản lý QH, KHSDĐ. Trong đó, tuân thủ quy định về việc trình cấp có thẩm quyền thông qua KHSDĐ hàng năm. Quan tâm bố trí, đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý đất đai, thẩm định dự án theo QH, KHSDĐ. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ danh mục công trình đăng ký KHSDĐ hàng năm (có đối chiếu, so sánh với kết quả thực hiện năm trước); nâng cao chất lượng thẩm định năng lực thị trường, năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của các chủ đầu tư, nhất là những đơn vị đầu tư nhiều dự án trên địa bàn nhằm đảm bảo tính khả thi, tiến độ thực hiện, khắc phục tình trạng dự án treo; có biện pháp xử lý đối với những đơn vị sử dụng sai mục đích nhằm bảo vệ quỹ đất thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo quyền lợi của người dân trên địa bàn, phát huy có hiệu quả nguồn lực từ đất./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com