Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa bão năm 2022 diễn biến phức tạp, đến sớm và gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm. Để chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là ứng phó với siêu bão có thể xảy ra, Sở Công Thương đã chủ động kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) trên địa bàn tỉnh.
Chế biến lương thực cung ứng cho người tiêu dùng tại thị trấn Gôi (Vụ Bản). |
Tỉnh ta có hệ thống nhà phân phối hàng hóa thiết yếu nhiều, đủ cơ số và phân bổ đồng đều ở các địa bàn, dọc các đường quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến phố trung tâm trên địa bàn thành phố Nam Định và tại các xã, thị trấn, đang đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Để việc dự trữ hàng hóa đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, Sở Công Thương đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng phân phối xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tại kho, vừa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thời điểm hiện tại, vừa đảm bảo cung ứng kịp thời cho nhân dân khi có thiên tai xảy ra. Về lương thực, 3 đơn vị lớn là Công ty Cổ phần Lương thực Nam Định (thành phố Nam Định); Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) và Công ty TNHH Toản Xuân tại (Ý Yên) đảm bảo dự trữ, cung ứng khoảng 900 tấn gạo. Bên cạnh đó, trên địa bàn các huyện có các cửa hàng kinh doanh lương thực đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm công nghệ chế biến như: mỳ tôm, lương khô, nước uống đóng chai… được các nhà phân phối, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh chủ động dự trữ với tổng lượng hàng khoảng 78.700 thùng mỳ ăn liền, 4.400 thùng nước uống đóng chai, 8.800 thùng lương khô, bánh các loại; khoảng 2.000m3 xăng, 2.500m3 dầu các loại và các mặt hàng khác như tấm lợp tôn, đinh vít, dây thép… duy trì số lượng đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Cùng với đó, Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập toàn bộ hệ thống kho chứa hàng hoá; chuẩn bị các phương tiện vận tải, thiết bị... để kịp thời sửa chữa, bảo đảm yêu cầu bảo quản, lưu trữ hàng hóa, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Đồng thời định hướng cho các siêu thị, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động tăng nguồn hàng dự trữ trong kho, hoặc tại hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ ở trung tâm các huyện và cụm xã ở những vùng sâu vùng xa, những khu vực dễ bị chia cắt, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; đặc biệt là khu vực hay xảy ra ngập úng, bị chia cắt cục bộ trong mùa mưa lũ. Theo đó, khi có thiên tai xảy ra, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được tập trung cung ứng cho người dân gồm: mì ăn liền, phở ăn liền các loại; bánh ngọt; nước uống đóng chai; muối i-ốt; dầu hỏa… Sau lũ lụt, bão, phương án chuyển sang cung ứng mặt hàng thiết yếu phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân. Ngoài ra, Sở Công Thương còn xây dựng các phương án cung ứng hàng hóa theo các tình huống bất ngờ ngoài dự kiến; phối hợp với các tỉnh lân cận trong khu vực luân chuyển hàng hóa đảm bảo không để thiếu hàng cục bộ gây “sốt giá” ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Bên cạnh việc dự trữ, phân luồng cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng lương thực, thực phẩm tươi sống như: Gạo, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau, củ, quả. Định hướng Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, bảo đảm thông suốt và an toàn đảm bảo việc đẩy mạnh sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để cung ứng cho thị trường trong tỉnh, không để xảy ra đứt gãy nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. UBND các huyện, thành phố chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời rà soát nguồn cung, thống kê số lượng hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để chủ động phương án đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến. Trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, kịp thời báo cáo về Sở Công Thương để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp điều tiết kịp thời hàng hóa, ổn định thị trường.
Với phương châm “4 tại chỗ”, các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng, đại lý… đã chuẩn bị sẵn sàng phương án tác chiến và các loại hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh, phục vụ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần PCTT-TKCN hiệu quả./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương