Tiết kiệm, chống lãng phí vốn đầu tư công trong xây dựng cơ bản là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp thiết thực và đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động tiết kiệm chống lãng phí được thực hiện đồng bộ ở tất cả các công đoạn đầu tư dự án: lập, phê duyệt chủ trương đầu tư; bố trí vốn; chọn nhà thầu; quản lý chất lượng thi công; giải ngân... đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Từ nguồn vốn đầu tư công, xã Hải Lộc (Hải Hậu) đã xây dựng, nâng cấp trường mầm non đáp ứng yêu cầu về hạ tầng giáo dục. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư: Từ năm 2016 tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công theo hướng từng bước điều chỉnh cơ cấu và tích cực huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển. Thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương có tổng mức đầu tư lớn; tạm dừng, giãn tiến độ một số dự án chưa thực sự cấp bách để tạo điều kiện tập trung vốn cho các dự án trọng điểm. Đáng chú ý, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ các dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương có số thiếu vốn lớn so với khối lượng hoàn thành, dự án có tổng mức đầu tư lớn nhưng không còn được cấp vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ... để đưa về bố trí bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Với Thông báo số 86/TB-UBND ngày 16-5-2016 tỉnh chỉ đạo tập trung thanh toán nợ xây dựng cơ bản các dự án đã hoàn thành, chỉ tiếp tục thi công các hạng mục chính và quan trọng nhất để đảm bảo hiệu quả đầu tư của các công trình đê, kè; thực hiện dừng tại điểm dừng kỹ thuật hợp lý đối với các dự án còn lại. Quá trình lập kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm đều công khai tổng nguồn vốn, nguyên tắc và phương án phân bổ chi tiết từng khoản chi; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh và trình HĐND tỉnh thảo luận, nhất trí thông qua. Việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ưu tiên cho các dự án hoàn thành đã có quyết toán, các dự án hoàn thành chưa có quyết định quyết toán, sau đó mới bố trí cho các dự án chuyển tiếp, khởi công mới. Giai đoạn 2016-2021 ngân sách tỉnh đã dành 76,5% (5.201,699 tỷ đồng) để thanh toán cho các dự án đã hoàn thành, quyết toán; trong đó đã thanh toán dứt điểm cho 350 dự án với số vốn 4.026,17 tỷ đồng; bằng 59,2% tổng số vốn bố trí cho các dự án. Việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đều hướng tới tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Để góp phần quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, tỉnh đã thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và Ban quản lý dự án của 10 huyện, thành phố theo quy định của Luật Xây dựng; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng công tác thiết kế, thẩm định thiết kế - dự toán theo hướng tránh thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản; quy định các bước thực hiện, trách nhiệm của các đơn vị tham gia quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên toàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2022 nhờ chuyên nghiệp hóa công tác đấu thầu nên đã lựa chọn các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện các gói thầu đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần tiết kiệm, tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại địa phương. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc cắt giảm hoạt động tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình trọng điểm nhóm A và một số công trình hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp lớn có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên kiểm điểm đôn đốc, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối với các công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đã phân công cụ thể các đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách, theo dõi trực tiếp từng dự án trọng điểm; thường xuyên tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai thủ tục đầu tư (đối với các dự án mới) và tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công xây lắp (đối với các dự án chuyển tiếp). Các cấp, các ngành cũng thường xuyên rà soát để kịp thời hướng dẫn, báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các thủ tục về thanh, quyết toán để giải ngân các dự án đã được bố trí vốn theo quy định. Đối với các dự án chậm thực hiện và giải ngân do nguyên nhân khách quan, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh đã ban hành quyết định điều chuyển vốn cho các dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, có khả năng giải ngân tốt hơn. Từ đó đã hạn chế tối đa các vấn đề chậm xử lý trong quản lý, thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công. Năm 2021, tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh là 6.339,459 tỷ đồng; kết quả giải ngân là 5.966,615 tỷ đồng, đạt 94,1% kế hoạch; nằm trong tốp những tỉnh có kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao trên toàn quốc.
Giai đoạn 2016-2021, với các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí đồng bộ kể trên, tỉnh đã tập trung vốn bố trí và hoàn thành nhiều công trình lớn, trọng điểm thuộc các lĩnh vực như các công trình giao thông huyết mạch, các công trình đê, kè, thủy lợi phòng chống lụt bão đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản; các công trình giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thể dục thể thao. Riêng hệ thống giao thông đã tập trung nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp một số tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trung tâm kinh tế các huyện như: Tỉnh lộ 485B, 487B, 488C, 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (cầu Lạc Quần) đến cầu Sa Cao; tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh... Đặc biệt, đến nay, trên địa bàn tỉnh không có dự án nào đã hoàn thành mà không phát huy hiệu quả hoặc gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Thời gian tới, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí vốn đầu tư công trong xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư; hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình. Tiếp tục chú trọng quản lý vốn đầu tư công, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với việc sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy