Chống thất thu thuế thương mại điện tử

08:05, 06/05/2022

Trên cơ sở rà soát, nắm bắt tình hình thực tế của ngành Thuế, những năm gần đây, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, loại hình kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh. Hầu hết các hộ, cá nhân kinh doanh theo phương thức truyền thống có cửa hàng, cửa hiệu cố định, nộp thuế theo phương pháp khoán ổn định đều tham gia kinh doanh online. Đặc biệt, không ít hộ, cá nhân kinh doanh chỉ có kho hàng và kinh doanh chủ yếu theo hình thức online. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực, nhất là sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm đều tăng cường xây dựng, phát triển các trang website để quảng cáo, giới thiệu, bán hàng hóa phục vụ tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tham gia gián tiếp đến hoạt động kinh doanh online dưới hình thức là các đơn vị vận chuyển, chuyển phát hàng hóa có thu hộ tiền hàng hoặc thu tiền dịch vụ chuyển phát...

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực thành phố Nam Định - Mỹ Lộc hướng dẫn người nộp thuế làm thủ tục nghĩa vụ thuế.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực thành phố Nam Định - Mỹ Lộc hướng dẫn người nộp thuế làm thủ tục nghĩa vụ thuế.

Để tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, Cục Thuế tỉnh đã quan tâm triển khai quản lý và thu thuế phát sinh từ các giao dịch TMĐT. Tuy nhiên, tình trạng thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT vẫn xảy ra. Nhiều hoạt động TMĐT trên địa bàn các huyện, thành phố có doanh thu rất lớn nhưng phần thuế thu được từ các hoạt động này còn rất nhỏ hoặc chưa quản lý thu được thuế so với doanh thu phát sinh. Nguyên nhân là do TMĐT là hoạt động kinh doanh mới, có nhiều đặc thù gây thách thức cho công tác quản lý của ngành Thuế. Cụ thể như: các tổ chức, cá nhân bán hàng online qua sàn TMĐT, mạng xã hội hay thực hiện các dịch vụ cung cấp phần mềm qua thư điện tử, hoặc các clip giải trí trên mạng xã hội, không cần trụ sở làm việc, địa điểm sản xuất, kinh doanh cố định khiến cho ngành thuế gặp khó trong xác định được danh tính rõ ràng của đối tượng nộp thuế. TMĐT thực hiện giao dịch qua internet bằng thông điệp điện tử, vì vậy việc xác định những thông tin liên quan đến giao dịch TMĐT là một thách thức rất lớn cho công tác quản lý thuế khi mỗi giây có hàng trăm triệu người gửi thông điệp điện tử với hàng ngàn loại thông tin; trường hợp người kinh doanh cố tình xóa lịch sử giao dịch thì cần có giải pháp công nghệ để có thể khôi phục dữ liệu giao dịch đã bị xóa. Việc kiểm soát luồng tiền thanh toán TMĐT vô cùng khó khăn bởi sự đa dạng về phương thức thanh toán, nhất là khi chủ thể kinh doanh TMĐT cố tình gian lận thuế và sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD)...

Theo đại diện Cục Thuế tỉnh, để quản lý thuế TMĐT, tránh thất thu thuế hiện ngành Thuế đang gia tăng một số giải pháp. Trong đó, chú trọng bám sát, thực thi hiệu quả hệ thống pháp lý trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đã được xây dựng, bao gồm: Luật Quản lý thuế; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế; cụ thể các nội dung quản lý thuế đối với TMĐT đã được hướng dẫn rõ ràng và khả thi tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các Thông tư số: 105/2020/TT-BTC, 40/2021/TT-BTC, 80/2021/TT-BTC và 100/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đặc biệt, ngành Thuế tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, thực hiện rà soát, phân loại, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các Công ty đang tổ chức hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực TMĐT trong phạm vi địa bàn quản lý. Trong đó, các nhóm đối tượng cụ thể được theo dõi thường xuyên bao gồm: doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng trực tuyến; doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch TMĐT; doanh nghiệp có thu thập từ các tổ chức nước ngoài; doanh nghiệp kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến; doanh nghiệp chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài, điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán, ứng dụng trung gian vận chuyển… Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để thu thập thông tin doanh nghiệp, thu nhập, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành các nền tảng trực tuyến như Facebook, Google... Cục Thuế tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền để các tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, có phát sinh thu nhập từ các đơn vị sở hữu các nền tảng ứng dụng trực tuyến nắm đầy đủ các nội dung về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đối thu nhập từ hoạt động TMĐT. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND các tỉnh, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng để thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin của các tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT. Thực hiện tổng hợp, rà soát, đối chiếu thông tin dữ liệu các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh TMĐT, tham gia sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến có phát sinh thu nhập từ các tổ chức nước ngoài với thông tin quản lý thuế. Từ đó, kịp thời xác định các trường hợp có phát sinh nghĩa vụ kê khai, nộp thuế nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế, kê khai nộp thuế theo quy định. Trên cơ sở phân tích rủi ro để tăng cường, bổ sung các trường hợp thanh tra, kiểm tra các tổ chức tại Việt Nam có tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, giao dịch, hợp tác và sử dụng các dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến do các đơn vị nước ngoài cung cấp, Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, thực hiện rà soát tình hình kê khai nộp thuế nhà thầu nước ngoài và thu thập thông tin về các công ty, tập đoàn nước ngoài đang cung cấp các hình thức quảng cáo xuyên biên giới hiện nay. Tích cực xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gian lận, trốn thuế không thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định, chuyển cơ quan công an để điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục Thuế tỉnh xác định, việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT sẽ gặp không ít khó khăn nhưng khi tích cực thực hiện hiệu quả thì sẽ tạo được nguồn thu thuế ổn định, chống chất thu ngân sách Nhà nước và phù hợp với xu thế kinh doanh trong nền kinh tế số; tạo ra sự cạnh tranh công bằng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với các thành phần kinh tế và loại hình kinh doanh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com