Được chính quyền địa phương tạo điều kiện về quỹ đất, các cấp Hội Nông dân (HND) chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cho vay nguồn vốn ưu đãi, ông Vũ Thanh Chuyển, xã Trực Thanh (Trực Ninh) đã đầu tư mở rộng sản xuất với quy mô rộng 3ha được quy hoạch các khu ao, vườn, chuồng trại nuôi gà, cá, ngỗng, trồng cây ăn quả. Trang trại thường xuyên duy trì nuôi gần 10 con lợn nái, 200 con gà đẻ, đồng thời có 3 ao cá thịt, 2 ao cá giống. Trong đó, nguồn cá giống do gia đình tự ương để nuôi nên chất lượng tốt, phát triển nhanh, trung bình mỗi năm thu khoảng 30 tấn cá thương phẩm các loại. Đặc biệt, tận dụng vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ và nguồn rau xanh sẵn có tại địa phương, ông Chuyển tập trung nuôi thả tự nhiên gần 300 con ngỗng, chủ yếu là ngỗng đẻ. Để giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá vật tư đầu vào tăng cao, gia đình ông đã mua máy nghiền ngô, máy ép chín nguồn cá tạp, cho lên men, chế biến thành thức ăn chăn nuôi. Toàn bộ khu trang trại còn được lắp đặt hệ thống camera giám sát, giúp cho việc quản lý các hoạt động chăn nuôi được thuận lợi, hiệu quả. Từ mô hình trang trại tổng hợp, mỗi năm sau khi trừ chi phí, ông thu về 300-400 triệu đồng. Ông Mai Công Chính ở thôn Lập Vũ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản), là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, có nhiều kinh nghiệm sáng kiến, giải pháp kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn. Năm 2002, ông bắt đầu triển khai mô hình chăn nuôi và đến năm 2008 mở rộng thành mô hình trang trại. Trong trang trại rộng 8.300m2, ông tập trung chăn nuôi giống gà, ngan, vịt. Do nhu cầu sử dụng điện nhiều, cách đây 5 năm, ông đã quyết định lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho khu nhà ấp trứng gia cầm với tổng chi phí 500 triệu đồng. Với 8 lò ấp trứng gia cầm; lúc cao điểm sản xuất trên 10 vạn con giống/tháng, ngoài một phần để nuôi còn lại xuất bán cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Ông Chính cho biết, sử dụng điện mặt trời trong sản xuất có ưu điểm nổi bật là tiết kiệm chi phí năng lượng, giảm phát thải khí CO2, không phụ thuộc hoàn toàn vào điện lưới nên đảm bảo chủ động trong sản xuất. Trung bình mỗi tháng, hệ thống điện năng lượng mặt trời tiết kiệm cho gia đình khoảng 12 triệu đồng. Bên cạnh nuôi ngan, vịt, ông Chính mạnh dạn nuôi vịt trời. Theo ông Chính, vịt trời mặc dù kỹ thuật nuôi khó hơn nhưng chi phí thức ăn thấp hơn, chất lượng thịt thơm ngon, được các nhà hàng, khách sạn đặt mua với giá 200 nghìn đồng/con. Trung bình mỗi năm, gia đình ông có thu nhập 600 triệu đồng từ chăn nuôi, bán con giống gia cầm. Từ những kinh nghiệm tích lũy được, ông đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm. Năm 2021, ông Chính được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho phong trào địa phương.
Ông Mai Công Chính, thôn Lập Vũ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) sử dụng điện năng lượng mặt trời cho hệ thống máy ấp trứng gia cầm. |
Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” là động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển, thời gian qua, các cấp HND trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giúp hội viên hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa phong trào, quy định tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi để đăng ký phấn đấu. Cùng với đó, HND các cấp tập trung triển khai các chương trình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, của huyện; phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng hỗ trợ hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh đất đai, lao động, nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế, tăng thu nhập. Năm 2021, toàn tỉnh có 126.750 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như các cấp Hội đã tổ chức lựa chọn và đề nghị tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ IV năm 2021 cho hội viên Nguyễn Văn Sơn ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); giới thiệu, lựa chọn hội viên Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) tham gia bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”. Từ việc nhân rộng các điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp HND trong tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 458 mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích 21.844ha, trong đó có 3.121ha được bao tiêu sản phẩm. Thành lập được tổng số 146 mô hình tổ hợp tác, HTX với trên 2.500 thành viên; 74 chi hội, tổ hội nghề nghiệp với 911 thành viên tham gia.
Để tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, năm 2022, các cấp HND trong tỉnh tập trung vận động nông dân đoàn kết; liên kết, hợp tác hình thành các tổ hợp tác, HTX và các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chương trình OCOP. Toàn tỉnh phấn đấu có từ 60% số hộ nông thôn đăng ký và có từ 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp theo quy định./.
Bài và ảnh: Lam Hồng