Tín hiệu phát triển kinh tế sau dịch COVID-19

08:04, 29/04/2022

Là một trong những địa phương gặp diễn biến dịch COVID-19 phức tạp nhất trong 3 tháng đầu năm 2022, nhưng nhờ các cấp chính quyền, ngành chức năng đã thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phục hồi nhanh và phát triển kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, một số chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. So với cùng kỳ năm trước: (GRDP) đạt 7,24%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 43% dự toán năm và tăng gần 93%; nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại (chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,23%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 10,8%...) tạo nền tảng phát triển vững chắc và kỳ vọng trong thời gian tới.

Sản xuất tại Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định.
Sản xuất tại Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định.

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Tỉnh đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Các sở, ngành, địa phương đã quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến trình phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, thực hiện nghiêm, kịp thời các chính sách miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách theo quy định; các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong bố trí, sử dụng lao động khi số ca nhiễm dịch bệnh COVID-19 tăng cao; hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu sản xuất hợp lý trong bối cảnh giá cả leo thang do tác động của giá xăng dầu; hỗ trợ khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm mới... Đồng thời, quyết liệt hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng giúp các nhóm ngành quan trọng. Nhờ đó, dù chịu tác động của thời tiết không thuận lợi nhưng gieo cấy lúa, rau màu vụ xuân đạt kết quả khá so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi lợn dần phục hồi, chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt; sản xuất thủy sản phát triển trong cả hoạt động khai thác và nuôi trồng. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là chế biến, chế tạo tăng 10,38%; một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: Dệt tăng 12,40%; sản xuất trang phục tăng 16,94%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 55,68%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,46%… Mức tăng trưởng kể trên cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Hoạt động thương mại và dịch vụ 3 tháng đầu năm tiếp tục duy trì tăng trưởng, đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có những dấu hiệu khởi sắc khi sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh dần phục hồi. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2022 tăng cao; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.036,3 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Xác định đầu tư là công cụ kích cầu, tạo công ăn việc làm, tạo động lực cho các thành phần kinh tế phục hồi, tăng trưởng nên tỉnh đã tập trung chỉ đạo huy động, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội với  tổng vốn đầu tư phát triển đạt 8.794 tỷ đồng (tăng 9,5% so với cùng kỳ 2021). Đồng thời tỉnh tập trung sử dụng vốn Nhà nước với vai trò dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội; ưu tiên bố trí cho đầu tư  hạ tầng giao thông, đô thị, các khu, cụm công nghiệp và các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội quy mô lớn, liên vùng, có vai trò tăng năng lực sản xuất của các ngành, lĩnh vực trọng điểm, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhờ đó kết quả thu hút đầu tư toàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực. Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nam Định vẫn là nơi được các doanh nghiệp tin tưởng rót vốn vào đầu tư phát triển sản xuất; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư, mở rộng dây chuyền sản xuất để tăng công suất. Quý I năm 2022 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 8 dự án với tổng số vốn đăng ký là 29.047,82 tỷ đồng và 5,04 triệu USD (bao gồm 6 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án FDI). Toàn tỉnh có 217 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.560 tỷ đồng, tăng 10,2% về số lượng doanh nghiệp (tăng 20 doanh nghiệp) và tăng 36,5% về vốn đăng ký (tăng 417 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,2 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu tích cực cho phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.

Tăng tốc phát triển kinh tế

Để tăng tốc phát triển kinh tế, tỉnh yêu cầu thời gian tới các cấp chính quyền, ngành chức năng bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và các Kế hoạch liên quan của tỉnh để điều hành phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phù hợp với thực tế địa phương. Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động đến sản xuất, kinh doanh, phù hợp với tình hình, lộ trình mở cửa lại du lịch, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục thực hiện tốt công tác lập, triển khai các quy hoạch, trong đó đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, của Trung ương trên địa bàn có tính chiến lược thúc đẩy thu hút đầu tư của địa phương. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cải thiện khả năng tiếp cận và làm thủ tục về đất đai, đầu tư; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Với những giải pháp đồng bộ kể trên, toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành vượt các mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đề ra: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng bình quân 8,5- 9,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hàng năm tăng từ 14-14,5%/năm, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 16,5-17,5%/năm./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com