Là người năng động, nhạy bén, chị Trần Thị Thu Liên ở xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đã sớm nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình VAC phù hợp với đồng đất nơi đây. Sau quá trình học hỏi kinh nghiệm, chị đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi ốc nhồi, ếch đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Trần Thị Thu Liên, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) cho ếch ăn. |
Nhận thấy trồng lúa vừa vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao, năm 2016 chị Liên đã mạnh dạn đấu thầu 2 mẫu đất của xã để phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp. Đến năm 2019, sau khi dịch tả lợn châu Phi gây nhiều thiệt hại đến đàn lợn, chị nhận thấy ốc và ếch là 2 đối tượng nuôi phù hợp với môi trường đồng ruộng; hơn nữa nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi và ếch của thị trường ngày càng cao nên chị đã quyết tâm chuyển sang nuôi. Ngay từ những bước đầu tiên, chị Liên đã cẩn thận chọn những con giống to, khỏe để đưa vào thả nuôi. Bên cạnh đó, chị tích cực lên mạng internet để tìm hiểu kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi. Quá trình nuôi chị ghi chép cẩn thận lại các giai đoạn phát triển của ốc và ếch, những loại thức ăn phù hợp. Thời gian đầu nuôi chị cũng gặp không ít khó khăn: ốc chậm lớn, trứng ốc tỷ lệ ấp nở thấp thậm chí là bị chết… Quyết tâm để tìm nguyên nhân, chị đã đến một số trang trại nuôi ốc nhồi trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận để học tập kinh nghiệm. Qua nhiều lần thất bại, chị đúc rút nhiều kinh nghiệm. Theo đó, nguyên nhân ốc chết chủ yếu do ốc ăn phải thức ăn còn chứa tồn dư chất bảo quản hay thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước bị ô nhiễm. Ốc tuy sống ở dưới bùn nhưng lại ưa sạch. Thức ăn hoàn toàn bằng nguồn thức ăn tự nhiên là loại rau, củ quả, bèo tấm… Cần cho ốc ăn đúng, đủ, đều đặn, tránh tình trạng để ốc đói vì khi bị đói lâu quá ốc sẽ chậm lớn. Nhưng cũng không được để ốc ăn no quá vì chính những thức ăn thừa đó dễ gây ô nhiễm môi trường nước khiến ốc bị chết, mắc bệnh. Điều kiện nuôi tốt nhất trong môi trường nước ngọt, không bị nhiễm phèn, mặn hay nhiễm độc các loại thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, chị thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng nước vôi định kỳ vài lần/tuần tùy thời tiết, mật độ nuôi. Ao nuôi ốc cũng không cần kiên cố như một số con nuôi khác, quy mô, diện tích tùy vào khả năng cụ thể của hộ nuôi. Mật độ nuôi phù hợp đối với ốc thương phẩm khoảng 300 con/m2. Thời gian cho một vụ nuôi kể từ khi xuống giống đến khi thu hoạch từ 3,5-4 tháng, ốc có thể đạt kích cỡ 25 con/kg với giá bán ốc nhồi thương phẩm tại ao nuôi thường dao động từ 90-100 nghìn đồng/kg.
Ngoài mô hình nuôi ốc nhồi, chị Liên còn tận dụng diện tích ao nuôi cá nước ngọt truyền thống để kết hợp nuôi ếch bằng lồng lưới giăng trên ao. Chị Liên cho biết: “Trước kia, nhiều người chỉ biết đến nuôi ếch trên bể xi măng, nhưng ít ai biết nuôi trên mặt nước ếch sẽ phát triển rất tốt. Ếch là loài lưỡng cư nên phải hiểu được những tập tính vốn có của nó thì mới dễ chăm sóc”. Nuôi ếch kết hợp nuôi cá sẽ tận dụng lượng thức ăn dư thừa và phân ếch làm thức ăn cho cá. Ngược lại, cá sẽ làm nhiệm vụ vệ sinh đáy ao, cải tạo nguồn nước, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Chị Liên chia sẻ, nuôi ếch không tốn nhiều thời gian, chỉ cần lưu ý nguồn nước phải sạch, có thức ăn dành riêng cho ếch từng giai đoạn, hơn hai tháng có thể xuất được một đàn ếch thương phẩm với mức giá từ 70-80 nghìn đồng/kg. Để giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, chị thường cho ếch sinh sản tại chỗ để đảm bảo nguồn giống chất lượng. Trong quá trình ương giống, hạn chế việc sử dụng kháng sinh, thường xuyên chọn lọc, phân cỡ cho ếch đồng đều, để tránh chúng ăn thịt lẫn nhau. Vì ếch được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon, được các nhà hàng và người dân trên địa bàn đến tận nơi mua. Đến nay mô hình của chị Liên đã mở rộng 150m2 chuồng nuôi ếch và 720m2 nuôi ốc nhồi với khoảng 3.000 con ếch và hàng vạn con ốc. Bên cạnh đó, chị Liên mở rộng trang trại chăn nuôi trên 1.000 con gà, 50 con lợn, 50 đôi chim bồ câu, trồng 50 cây bưởi diễn, 25 cây xoài và 1 ao nuôi cá chép Koi, 1 ao nuôi cá nước ngọt truyền thống. Mỗi năm, trang trại của chị Liên thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Có thể thấy, mô hình nuôi ốc nhồi và ếch của chị Liên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, rủi ro thấp, đầu ra tương đối ổn định. Thành công từ mô hình nuôi ốc nhồi và ếch của chị Liên không chỉ giúp gia đình có cuộc sống ổn định mà còn vươn lên làm giàu. Bài học thành công của chị Liên sẽ là động lực để nhiều người dân phát triển và nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu vật nuôi phù hợp./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa