Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) và đã đạt được một số kết quả đáng kể, từng bước tạo được môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế, bảo vệ thành quả sáng tạo của các chủ sở hữu đối với các đối tượng SHTT.
Nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống tại xã Giao Châu (Giao Thủy). |
Công tác thực thi quyền SHTT, kiểm tra, thanh tra chất lượng hàng hóa trên địa bàn được các cấp, ngành trong tỉnh phối hợp thực hiện có hiệu quả khi lực lượng chức năng luôn gắn công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Thường xuyên theo dõi, bám sát những diễn biến của thị trường, kịp thời thông tin, khuyến cáo tới người tiêu dùng. Đồng thời thường xuyên phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin và xử lý các hành vi gian lận, xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2021 các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã xử lý hành chính 13 vụ có hành vi xâm phạm quyền SHTT, chủ yếu là xử lý xâm phạm quyền nhãn hiệu; xử phạt hành chính 84 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 80 triệu đồng. Tiêu biểu, trong năm 2021, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã phối hợp với Công an tỉnh thanh tra 1 đơn vị vi phạm về sở hữu công nghiệp theo đơn tố cáo của Công ty Cổ phần Mondelez Kinh Đô. Qua thanh tra đã yêu cầu đơn vị có hành vi xâm phạm quyền SHTT không tiếp tục sản xuất, bán, tàng trữ sản phẩm để bán gắn nhãn hiệu “Cozin và hình” và loại bỏ yếu tố xâm phạm quyền SHTT trên sản phẩm.
Triển khai hỗ trợ các nội dung về SHTT tại Nghị quyết 42/2017-HĐND ngày 10-7-2017 của HĐND tỉnh và các nhiệm vụ về phát triển tài sản trí tuệ trong Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 4 sản phẩm: cơ khí xã Xuân Tiến (Xuân Trường); nông, lâm, thủy sản của Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định; “Mật ong Rừng Sú - Vẹt” của Vườn quốc gia Xuân Thủy nhằm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hỗ trợ về tài chính trong việc đăng ký xác lập quyền SHTT cho hơn 28 tổ chức, cá nhân về nhãn hiệu, website giới thiệu sản phẩm. Tư vấn, hướng dẫn các cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chống gian lận thương mại; đã có 130 cơ sở xây dựng phần mềm định danh điện tử và 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử để theo dõi sản xuất. Triển khai tích cực Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh đã hướng dẫn các cơ sở, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP về ghi nhãn hàng hóa, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2021, đã có 146 sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt 3-4 sao; 178 sản phẩm của 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện công bố, tự công bố chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm được đầu tư xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng đã giúp tiếp cận được với thị trường tốt hơn, nâng cao giá trị thương mại. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính như: muối sạch xuất khẩu sang Nhật Bản; nông sản sấy xuất khẩu sang Trung Quốc; thịt ngao đóng hộp Lenger xuất khẩu sang EU; sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu sang Hồng Kông, Malaysia...
Triển khai Đề án xây dựng sàn giao dịch tài sản trí tuệ, Sở KH và CN đã phối hợp với Công ty VietNam Silicon Valley Accelerator tổ chức khóa tập huấn “Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ” cho hơn 80 học viên đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết nối với tổ chức BNI Venus Chapter tìm hiểu xây dựng, tìm hướng phát triển hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ thiết bị trên địa bàn tỉnh và tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; Phối hợp với Trung tâm Phát triển KHCN và Đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng tổ chức sự kiện kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản… Qua đó đã tăng cường liên kết cung cầu về tài sản trí tuệ, kết nối và đẩy mạnh hoạt động hợp tác về SHTT với các tổ chức nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về SHTT bắt kịp với xu hướng tiến bộ và trình độ trong nước. Trong thời gian qua, các cấp, ngành cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học về lĩnh vực SHTT. Tiêu biểu là UBND huyện Hải Hậu với dự án KHCN “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP huyện Hải Hậu”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với dự án KHCN “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và hỗ trợ đăng ký, phát triển quyền SHTT đối với quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn tỉnh Nam Định”… Đặc biệt trong năm 2022, Sở KH và CN đã triển khai dự án KHCN “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định” với mục tiêu hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP của 7 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Ý Yên, Vụ Bản và thành phố Nam Định. Trong bối cảnh hiện nay, SHTT đang là một trong những công cụ để thực hiện các hoạt động tổ chức sản xuất, chế biến, tổ chức quảng bá và phát triển thương mại sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu đối với sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý. Do đó, kết quả của dự án sẽ giúp các sản phẩm OCOP của các địa phương khai thác thương hiệu, phát huy được giá trị của cộng đồng, đặc biệt là về chất lượng, văn hóa, tổ chức cộng đồng. Đồng thời góp phần thúc đẩy việc bảo hộ các sản phẩm của doanh nghiệp, HTX gắn với những thương hiệu của địa phương.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực hoạt động bộ máy các cơ quan quản lý, thực thi và bổ trợ hoạt động SHTT. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hoạt động SHTT. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến nâng cao nhận thức của xã hội về SHTT, sở hữu công nghiệp; quyền tác phẩm, nhãn hiệu hàng hóa... Xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thông tin về SHTT. Nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ địa phương. Tăng cường công tác thanh tra về sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa; kiểm tra hàng hóa nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng; thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng - chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT đối với các nhóm mặt hàng trọng điểm như: thực phẩm, thực phẩm chức năng; dược phẩm, mỹ phẩm và vật tư nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh