Quý I năm 2022, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca nhiễm tại địa bàn các huyện, thành phố tăng cao. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Song với sự tích cực thực thi phù hợp, đúng hướng các giải pháp điều hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng cùng nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp giúp sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá.
Sản xuất đồ chơi trẻ em xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam (Giao Thủy). |
Theo Sở Công Thương, các ngành đã tích cực thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; nhất là các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng, cho vay ưu đãi đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, kịp thời thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chú trọng xúc tiến thương mại, củng cố thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới tiềm năng, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ sản xuất nông sản phân phối hàng hóa, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh trên kênh thương mại điện tử. Đáng chú ý, ngành Công Thương đã thực hiện các chương trình Xúc tiến thương mại đợt I năm 2022 gồm: quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp nông thôn và sản phẩm OCOP của tỉnh tại Hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Trà Vinh; tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Nam Định 2022; tham gia gian hàng giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của tỉnh tại Triển lãm Thế mạnh và Sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại tỉnh Thanh Hóa. Phối hợp liên ngành, liên tỉnh để đảm bảo lưu thông hàng hóa, khôi phục lại chuỗi cung ứng, phục vụ quá trình sản xuất công nghiệp, chế biến xuất khẩu, nhất là giữa tỉnh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin, các nội dung quy định về hội nhập kinh tế quốc tế, các điều kiện gia nhập thị trường thuộc các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, đã hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp dệt may của tỉnh tham gia khóa tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường xuất khẩu và doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế ngành dệt may năm 2022 do Cục Xúc tiến thương mại và Tổ chức Xúc tiến thương mại Canada (TFO Canada) tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng zoom.
Các địa phương cũng tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đã giúp các doanh nghiệp đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động, ổn định nhân lực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương đã căn cứ trên diễn biến thực tế, tăng cường các chương trình hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Tiêu biểu như huyện Giao Thủy đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng xây dựng, bảo vệ vững chắc thương hiệu. Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn doanh nghiệp nghiêm túc thực thi các điều kiện tiên quyết gồm: đảm bảo nguyên liệu sản xuất, kỹ thuật chế biến, chất lượng đạt tiêu chuẩn, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm, hình thức quảng bá sản phẩm phong phú đa dạng như trên Website của cơ sở, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm đúng cách. Huyện cũng xây dựng lộ trình dài hơi với điểm nhấn là gia tăng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất duy trì và nâng cao tiêu chuẩn các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP và tiếp tục đăng ký, đánh giá các sản phẩm mới; hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tiêu thụ trong huyện và thâm nhập sâu rộng vào thị trường các huyện, tỉnh, thành phố khác thông qua hệ thống cửa hàng nông sản sạch, siêu thị. Nhờ đó, đến nay huyện Giao Thủy có 58 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 6 sản phẩm xếp hạng 4 sao; các sản phẩm sau khi được chứng nhận, xếp hạng đều không ngừng mở rộng được thị trường tiêu thụ, gia tăng doanh số bán hàng cho cơ sở, doanh nghiệp sản xuất.
Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện những giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phù hợp, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Nhất là mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; thực hiện kịp thời các hợp đồng cung ứng, tranh thủ tốt một số thị trường xuất khẩu dần hồi phục và ổn định trở lại để tăng cường hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp tích cực đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị, công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại; tham gia đào tạo, nâng cao trình độ khai thác các ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử xuất khẩu các ngành hàng chủ lực... Nhờ đó, trong quý I năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 10,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,38%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,48%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,59%... Một số ngành công nghiệp cấp II chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước như: Dệt tăng 12,40%; sản xuất trang phục tăng 16,94%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 55,68%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,46%. Quý I năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh đạt 674,2 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 312,1 triệu USD. Nhiều địa phương trên toàn tỉnh đạt kết quả sản xuất công nghiệp đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều khó khăn, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quý I tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tiêu biểu như: huyện Hải Hậu đạt 1.522 tỷ đồng, tăng 17,4%; huyện Nam Trực đạt 1.963 tỷ đồng, tăng 13,65% so với cùng kỳ. Ngoài những chuyển biến kể trên, trong quý I năm 2022, toàn tỉnh có 217 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.560 tỷ đồng, tăng 10,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 36,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.
Qua khảo sát gần 90% doanh nghiệp nhận định về hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian tới khả quan hơn quý I, hứa hẹn kết quả sản xuất công nghiệp trong năm 2022 sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu, góp phần cùng tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy