Quyết liệt số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

07:04, 26/04/2022

Để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-7-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 86/KH-UBND triển khai thực hiện “Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” trên địa bàn tỉnh; trong đó xác định số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) là yêu cầu quan trọng khi áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Tỉnh đặt mục tiêu: Năm 2021 hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Năm 2022 tăng tối thiểu tỷ lệ số hóa 20% kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực tại các cấp chính quyền; tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 50% bộ phận một cửa cấp huyện và 30% bộ phận một cửa cấp xã. Tuy nhiên, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC là nhiệm vụ chưa có tiền lệ với nhiều khó khăn nên hạn chế tiến độ, kết quả triển khai.

Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn người dân hoàn tất hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn người dân hoàn tất hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

Cụ thể, hạn chế đầu tiên là việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo truyền thống được thực hiện theo phương thức hồ sơ giấy dẫn đến số lượng hồ sơ lớn phải kiểm soát, đánh giá để đảm bảo cập nhật, chuẩn hóa được các cơ sở dữ liệu thông tin hồ sơ, kết quả thực hiện TTHC. Bên cạnh đó, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện TTHC tại các bộ phận một cửa các cấp trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống một cửa điện tử để sử dụng lại các hồ sơ, giấy tờ điện tử, giảm các thủ tục kiểm tra, xác nhận… chưa được thực hiện. Điều này vừa không phát huy được hiệu quả của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, mà còn không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Nội dung công việc, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong việc tham gia vào quá trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC chưa được làm rõ; chưa có quy định về lưu trữ điện tử đối với hồ sơ TTHC dẫn đến việc lúng túng, thiếu thống nhất, chậm trễ trong thực hiện số hóa. Bên cạnh các vướng mắc liên quan đến trách nhiệm các nhân sự thì các cấp chính quyền, địa phương, đơn vị còn phải sắp xếp, cân đối, bố trí nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống kho dữ liệu điện tử lưu giữ hồ sơ TTHC.

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Khuyến, Trưởng Phòng Công nghệ Thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông): Về cơ bản nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều gặp phải những bất cập kể trên. Trên cơ sở ý kiến đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, ngày 21-12-2021 Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp, hoàn thiện tài liệu hướng dẫn về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Văn bản số 9318/VPCP-KSTT. Từ đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương bám sát chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, khẩn trương triển khai các phần việc phải thực hiện. Đến nay, các ngành, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, quán triệt giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xác định việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC là một nhiệm vụ mới, thay thế dần phương thức tiếp nhận, giải quyết TTHC truyền thống thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ, chi phí thực hiện TTHC cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động của các cơ quan hành chính. Các ngành, các địa phương cũng chỉ đạo, ngoài thực hiện các quy định trong tiếp nhận, giải quyết TTHC theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, các cán bộ, công chức, viên chức còn đồng thời thực hiện thêm nhiệm vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo Văn bản số 9318/VPCP-KSTT ngày 21-12-2021 của Văn phòng Chính phủ. Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin điện tử để xây dựng Hệ thống quản lý thông tin số hóa giải quyết TTHC của tỉnh; nghiên cứu tài liệu hướng dẫn tại Văn bản số 9318/VPCP-KSTT ngày 21-12-2021 của Văn phòng Chính phủ để sau hoàn tất xây dựng Hệ thống quản lý thông tin số hóa sẽ tổ chức kết nối, tích hợp, chia sẻ hiệu quả dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC gồm: tích hợp, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Hệ thống thông tin điều hành của Chính phủ về TTHC, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và các hệ thống, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác của các bộ, ngành Trung ương. Tập trung cấp chữ ký số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ giải quyết TTHC ở bộ phận một cửa. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành đào tạo, tập huấn theo phương thức “cầm tay chỉ việc” trong khoảng 3 tháng để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở nắm bắt, thực hiện thuần thục các công đoạn, quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương đã yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức bước đầu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC bằng phương pháp scan, lưu bản mềm trên hệ thống máy tính, đảm bảo ngay khi được đủ điều kiện hoàn thiện đầu tư Hệ thống quản lý thông tin số hóa sẽ nhanh chóng hoàn thiện cập nhật dữ liệu số.

Tỉnh đặt mục tiêu trong tháng 5-2022 sẽ hoàn tất đầu tư Hệ thống quản lý thông tin số hóa giải quyết TTHC của tỉnh và chính thức hoàn tất số hóa kết quả thành phần TTHC trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cấp sở, ngành vào ngày 1-6-2022, cấp huyện từ 31-12-2022, cấp xã vào ngày 1-6-2023; phấn đấu đạt hiệu quả, chất lượng trong thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com