Phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, thời gian qua, cán bộ, hội viên nông dân xã Trực Chính (Trực Ninh) đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, chủ động thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, ngày càng nhân rộng những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi.
Thu hoạch khoai tây bằng máy tự chế của gia đình ông Trịnh Văn Diện, xóm An Trạch, xã Trực Chính. |
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2012, gia đình ông Trịnh Văn Diện, xóm An Trạch đã thuê 20 mẫu ruộng cánh gò từ những hộ gia đình không cấy, bắt tay thực hiện mô hình cánh đồng lớn trồng khoai tây. Bước đầu triển khai gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật còn hạn chế, nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội Nông dân (HND) xã, ông Diện nỗ lực vượt khó, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương. Bên cạnh những kinh nghiệm sản xuất tự tích lũy của bản thân, thông qua các hội nghị tập huấn của HND phối hợp với Ban nông nghiệp xã, ông được trang bị thêm những kiến thức về quy trình, kỹ thuật, hiểu rõ và nắm chắc các biện pháp từ khâu chuẩn bị giống, kỹ thuật xử lý giống, làm đất, phân luống đến chăm sóc, bảo vệ. Do diện tích ít, sản xuất manh mún nhỏ lẻ rất lãng phí ngày công lao động, ông đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm thiểu sức lao động, nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác. Trước thực tế sản xuất nhiều, thuê mượn máy móc nhiều làm tăng chi phí, ông mạnh dạn đầu tư mua máy cấy lúa và nghiên cứu, cải tiến, tạo ra các loại máy móc giúp cho việc sản xuất được thuận lợi, phù hợp với đồng đất địa phương như máy thu hoạch khoai tây, máy vun luống, máy phun thuốc sâu. Gia đình ông trực tiếp đứng vận hành các loại máy móc đó. Ngoài các loại máy phục vụ cho gia đình, ông còn phục vụ bà con trong xã và các tỉnh khác để tăng thêm thu nhập. Ông Diện cho biết, thu hoạch bằng máy rất thuận tiện, diện tích 20 mẫu chỉ thu hoạch trong vài ngày. Nhờ thực hiện sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, gia đình ông giảm chi phí sản xuất từ 1-1,2 triệu đồng/sào. Qua thời gian tập trung đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, gia đình ông đã có 5 máy làm đất cỡ lớn, 1 máy phay đất, 1 máy gieo hạt, 3 máy thu hoạch lúa màu các loại và nhận làm dịch vụ làm đất, gieo hạt, thu hoạch cho bà con nông dân, đảm bảo thời vụ gieo cấy theo kế hoạch của UBND xã. Đến nay, tổng diện tích trồng khoai tây của gia đình ông có 8ha. Trong đó, ông lựa chọn trồng giống khoai tây nhập khẩu Actrice kháng bệnh tốt, chất lượng củ ngon, ruột vàng, cho năng suất cao vượt trội. Sau thời gian trồng khoảng 90-100 ngày, trung bình mỗi sào cho thu hoạch 8 tạ khoai gồm 5 tạ củ thương phẩm, 3 tạ củ giống. Ngoài một vụ khoai tây đông, ông còn trồng luân canh 2 vụ lúa giống, thu hoạch 40 tấn lúa giống/năm. Trừ chi phí, thu nhập từ sản xuất, dịch vụ của gia đình ông đạt 450-500 triệu đồng/năm; đồng thời giải quyết việc làm cho từ 15 đến 20 lao động địa phương. Ông Diện vinh dự là một trong những người lao động tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020.
Ông Lê Hồng Quân ở thôn Dịch Diệp đã triển khai mô hình nuôi vịt và bước đầu thu được những thành quả. Trên vùng đất thuê của xã giáp sông Ninh Cơ, ông đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng 2 trại nuôi vịt, mỗi trại diện tích 900m2, quy mô 6.000 con/trại. Đây là giống vịt Grimaud, siêu nạc, thịt dày và thơm ngon, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trên cạn, thời gian nuôi ngắn, tiết kiệm chi phí thức ăn. Hệ thống chuồng trại được ông xử lý sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Đặc biệt, ông còn cất công lên tận Hà Nam học tập kinh nghiệm, về lắp đặt hệ thống âm thanh, cho vịt nghe nhạc trong quá trình nuôi. Điều này giúp vịt không bị ảnh hưởng bởi người lạ và tiếng ồn bên ngoài, tránh giẫm vào nhau làm chết vịt, giảm tổn thất trong chăn nuôi. Cứ 2 tháng, ông thu hoạch một lứa khi trọng lượng đạt từ 3,3-3,5kg/con. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán 260 tấn vịt đi thị trường các tỉnh, mang lại hiệu quả thu nhập cao…
Để hỗ trợ phát triển và nhân rộng các điển hình làm kinh tế giỏi, hàng năm, HND xã tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại các chi hội thôn xóm, qua đó, hội viên đã áp dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Hội còn nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho 178 hộ hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 3,5 tỷ đồng. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được đổi mới, khuyến khích nông dân mạnh dạn tích tụ ruộng đất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các điển hình trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề dịch vụ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngành dệt truyền thống được duy trì. Ngoài ra, các ngành nghề khác như mộc, cơ khí, các dịch vụ phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng đều hoạt động khá, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân. Nhờ đó, đời sống sinh hoạt của nông dân ổn định và tiếp tục được cải thiện. Thời gian tới, HND xã Trực Chính tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm, gương mẫu nòng cốt của tổ chức Hội, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các phong trào thi đua, đổi mới phương thức áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, duy trì mở rộng ngành nghề theo quy mô tổ hợp tác, HTX, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tạo điều kiện việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và ngày càng có nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi./.
Bài và ảnh: Lam Hồng