3 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Với nỗ lực của toàn hệ thống, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Nam Định đã đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ điều hành quản lý quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN) chặt chẽ, an toàn, không ách tắc, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Kho bạc trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần giảm thiểu lượt giao dịch tại quầy ở Kho bạc Nhà nước Nam Định. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND tỉnh và KBNN Việt Nam, KBNN Nam Định đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn thực hiện các giải pháp trong công tác quản lý thu NSNN, trao đổi, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp thuế, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách. Bên cạnh đó, Kho bạc tập trung khai báo bộ tỷ lệ điều tiết theo quy định tại Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 2-12-2021 của HĐND tỉnh về quy định phân cấp nguồn thu, tỷ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi cho các cấp ngân sách tỉnh năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, đảm bảo các khoản thu phát sinh ngay từ đầu năm 2022 được hạch toán phân chia chính xác. Đến hết ngày 22-3-2022, tổng số thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 2.556 tỷ 274 triệu đồng, bằng 38,7% kế hoạch dự toán thu của năm 2022 (6.600 tỷ đồng) và bằng 211% so với cùng kỳ. Tổng chi NSNN đạt 4.341 tỷ 460 triệu đồng. Các khoản chi thường xuyên thanh toán qua KBNN Nam Định, nhất là chi phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chi đảm bảo an sinh xã hội, trợ cấp người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội; chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng COVID-19 đã được kiểm soát chặt chẽ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đúng chế độ quy định. Tổng số tiền kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc là 2.514 tỷ 969 triệu đồng, đạt 25,4% dự toán.
Công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được thực hiện tốt theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật, hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh và KBNN Việt Nam. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành và UBND tỉnh; KBNN Nam Định đã chủ động phối hợp với Sở Tài chính, triển khai thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2022; phối hợp với các chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án) tập trung rà soát, đối chiếu về kế hoạch vốn còn lại của năm 2021, số dư tạm ứng, số dư tài khoản tiền gửi, phục vụ cho công tác chuyển nguồn ngân sách năm 2021 sang năm 2022 và quyết toán niên độ ngân sách năm 2021. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện kế hoạch vốn và công tác quản lý vốn, công tác quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư về tình hình triển khai dự án để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình kiểm soát thanh toán, báo cáo kịp thời với KBNN Việt Nam về những vấn đề vượt thẩm quyền. Tiếp tục rà soát các khoản tạm ứng lớn, các khoản tạm ứng đến hạn, quá thời hạn để kịp thời đôn đốc chủ đầu tư thu hồi hoặc gia hạn thời gian bảo lãnh tạm ứng theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giao dịch dịch vụ công trực tuyến tới các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN Việt Nam. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư qua KBNN. Hướng dẫn và hỗ trợ KBNN các huyện trong quá trình triển khai; tiếp tục phản ánh những khó khăn, vướng mắc về KBNN để xử lý kịp thời. Đến hết ngày 22-3-2022, KBNN Nam Định đã giải ngân thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 720 tỷ 932 triệu đồng.
Để đảm bảo phục vụ tốt thanh quyết toán của các cơ quan, người dân và doanh nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, KBNN Nam Định đã thực hiện tốt công tác phối hợp thu, thanh toán song phương điện tử, thanh toán liên ngân hàng, TABMIS-LKB, TCS và các chương trình giao diện với chương trình TABMIS đảm bảo nhanh chóng, an toàn, chính xác và thông suốt, việc đối chiếu số liệu và quyết toán cuối ngày với các ngân hàng thương mại được thực hiện theo đúng quy trình và hoàn thành dứt điểm hàng ngày. Tổ chức hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu, chi NSNN, các loại vốn, quỹ, tài sản của Nhà nước. Theo dõi chặt chẽ tình hình thu, chi NSNN, tổng hợp, báo cáo, tham mưu kịp thời, chính xác các thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành quỹ NSNN của các cấp lãnh đạo. Phối hợp với các đơn vị sử dụng ngân sách, Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện và thành phố Nam Định thực hiện rà soát, đối chiếu, chốt số liệu để thực hiện chuyển nguồn ngân sách sang năm 2022, đồng thời thực hiện hủy dự toán đối với trường hợp không được phép chuyển nguồn. Ban hành Quy trình quản lý nghiệp vụ kho quỹ tập trung trên máy tính trong hệ thống KBNN.
Năm 2022, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của hệ thống KBNN là “Xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030” đặt nền móng cho việc hình thành Kho bạc số vào năm 2030. Theo đó, hệ thống KBNN Nam Định tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong một số hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống KBNN. Cùng với toàn hệ thống, KBNN Nam Định sẽ tiếp tục rà soát, chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng công nghệ hiện đại vào các quy trình, hoạt động nghiệp vụ KBNN trên địa bàn như: dịch vụ công trực tuyến, thanh toán song phương điện tử; thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng, phối hợp thu với ngân hàng; quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua KBNN; ứng dụng tra cứu số dư và trạng thái hồ sơ chi điện tử trên thiết bị di động… Bám sát vào “Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới Kho bạc số” đã được phê duyệt theo Quyết định số 2739/QĐ-KBNN ngày 4-6-2021, KBNN Nam Định sẽ tập trung chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất nhân lực đáp ứng yêu cầu về dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương; củng cố hoàn thiện dịch vụ của Kho bạc điện tử; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN; từng bước chia sẻ dữ liệu mở; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu. Chuyển đổi về phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin; chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu; chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật./.
Bài và ảnh: Đức Toàn