Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn, UBND huyện Ý Yên đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai các giải pháp nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, các sản phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc để phát triển bảo đảm ổn định, bền vững.
Nuôi cá lồng trên sông Đào đang được người dân xã Yên Nhân phát triển mở rộng. |
Bằng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện, tuyến đê bối xã Yên Phúc vừa hoàn thành đổ bê tông vào cuối năm 2021 không chỉ góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống các công trình dân sinh mà còn là tuyến đường giao thương thuận lợi cho vùng nuôi thủy sản của địa phương. Gia đình ông Vũ Đình Tuấn ở thôn An Quang là hộ có diện tích lồng nuôi cá diêu hồng, cá lăng lớn nhất xã Yên Phúc. Ông Tuấn cho biết: Từ khi tuyến đê bối hoàn thành cải tạo nâng cấp đã giúp cho việc giao thương kinh tế thủy sản của người dân chúng tôi rất thuận lợi và tạo thêm động lực để chúng tôi nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất thủy sản. Năm 2021 vừa qua, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá thức ăn tăng cao, việc tiêu thụ cá thương phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Được chính quyền địa phương khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn, gia đình tôi tiếp tục chỉnh sửa lồng bè, mua cá giống, thức ăn và vật tư cần thiết khác để bước vào vụ nuôi mới năm 2022 với hy vọng kinh tế phục hồi, bù đắp khó khăn hai năm vừa qua. Toàn bộ 18 lồng nuôi cá trên sông với tổng diện tích gần 2.000m2 đã được xuống giống, bảo đảm chất lượng, mật độ nuôi… Ông Vũ Đình Tuấn còn là tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi thủy sản của xã Yên Phúc. Ông cho biết: Không chỉ hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ đàn cá, các hộ thành viên Tổ hợp tác còn giúp nhau thu hoạch, phân phối nguồn cá thương phẩm cho thị trường với giá ổn định, hợp lý, bảo đảm người nuôi có thu nhập cao. Đây là mô hình sản xuất hiệu quả, đang được huyện khuyến khích nhân rộng. Đồng chí Vũ Đình Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Phúc cho biết: Được tạo điều kiện về thủ tục, mặt bằng và hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ nuôi thủy sản trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng đóng mới, cải tạo lồng bè để nuôi các loại cá mới có giá trị kinh tế cao được thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ nuôi thủy sản của xã thời gian qua không ngừng tăng lên, với tổng doanh thu mỗi năm trên 10 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương… Tính đến hết năm 2021, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện Ý Yên đạt khoảng 1.180ha, tổng sản lượng 5.400 tấn. Toàn huyện có 6 vùng nuôi thủy sản tập trung với quy mô từ 10ha trở lên ở các xã: Yên Trung, Yên Thọ, Yên Khánh, Yên Hưng, Yên Phong, Yên Hồng, Yên Chính, Yên Nhân, Yên Phúc. Các đối tượng con nuôi chủ yếu gồm cá trắm, chép, diêu hồng, chép giòn, lăng... là những con nuôi có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Không chỉ nuôi trong ao, hồ, đầm, ở các xã vùng ven sông như: Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Phong, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá lồng bè trên sông nhằm khai thác lợi thế về mặt nước, dòng chảy. Nhiều hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản đã được hình thành như: Tổ hợp tác nuôi thủy sản xã Yên Phúc có 16 hộ tham gia với gần 10 nghìn m2 lồng bè nuôi các loại cá trắm đen, cá diêu hồng, lăng, chép giòn cho hiệu quả kinh tế cao; HTX Nuôi trồng thủy sản Tây Chùa, xã Yên Trung có 22 hộ tham gia với diện tích nuôi thủy sản ở khu chuyển đổi hơn 10ha. Ông Phạm Văn Đích, thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Tây Chùa cho biết: Thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương, các hộ thành viên HTX đã thực hiện tốt việc cải tạo, vệ sinh ao, đầm, vùng nuôi trước khi xuống giống; xử lý tốt nguồn nước; chú trọng cải tạo hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu nuôi và hạn chế lây lan dịch bệnh; quản lý, xử lý hiệu quả các loại chất thải, nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở những ao, đầm nuôi có bệnh. Các hộ đã tiến hành bơm kiệt nước, tổ chức san nền, rắc vôi bột khử trùng, xử lý đáy ao. Sau khi xử lý ao nuôi, căn cứ vào tình hình thời tiết, các hộ mới quyết định xuống giống thả nuôi cá trắm đen, trắm cỏ, cá chép theo hướng chuyên canh nhằm gia tăng thu nhập…
Đồng chí Trần Bình Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT phối hợp, hỗ trợ các xã, thị trấn quy hoạch mở rộng diện tích vùng nuôi thủy sản tập trung. Theo đó, 32 xã, thị trấn đã quy hoạch được 128 vùng nuôi thủy sản tập trung. Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; chú trọng công tác tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc, bảo vệ con nuôi thủy sản; khuyến khích các hộ nuôi đầu tư kinh phí cải tạo ao, đầm, lồng bè nuôi thủy sản theo hướng bền vững, chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc. Bước vào vụ nuôi mới năm nay, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Theo đó, huyện định hướng tiếp tục phát triển và duy trì diện tích nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn về việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản; khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản.
Để tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, ổn định, bền vững, huyện Ý Yên đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng nuôi thủy sản; chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, bảo đảm vệ sinh môi trường đồng bộ. Quan tâm tạo điều kiện để người dân đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phát triển phương thức nuôi thâm canh, mở rộng các mô hình nuôi cá lồng trên sông, đa dạng hóa các đối tượng nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định. Mạnh dạn đưa các giống thủy sản có chất lượng, giống mới vào nuôi thử nghiệm, nhân rộng. Tăng cường tập huấn nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ nuôi thủy sản, từng bước tăng diện tích nuôi thủy sản thâm canh góp phần tăng năng suất, sản lượng trên đơn vị diện tích. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, hình thành, phát triển các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho ngành thủy sản trên địa bàn trong những năm tiếp theo./.
Bài và ảnh: Văn Đại