Vận động nông dân sản xuất an toàn

08:03, 10/03/2022

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HNDT, ngày 6-8-2019 của BCH Hội Nông dân (HND) tỉnh (khóa X) về “Vận động nông dân sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo” đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về sản xuất nông sản an toàn.

Nông dân xã Nam Dương (Nam Trực) chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, góp phần gia tăng giá trị nông sản (ảnh 1); Cửa hàng thực phẩm sạch Tâm Sáng (thành phố Nam Định) góp phần tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân (ảnh 2).  Bài và ảnh: Lam Hồng
Nông dân xã Nam Dương (Nam Trực) chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, góp phần gia tăng giá trị nông sản.

HND tỉnh đã phối hợp các ngành, đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”; tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện các quy định, văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm; khích lệ thành lập các mô hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn… Trong đó, HND tỉnh đã phối hợp với Ban xã hội (Trung ương HND Việt Nam) tổ chức 8 lớp tuyên truyền phổ biến Luật An toàn thực phẩm tại huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, Nam Trực, Vụ Bản cho 1.180 hội viên về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an toàn thực phẩm; quy trình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới, kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi; cách bảo quản, chế biến, tiêu dùng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, Hội phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức 2 lớp tập huấn sản xuất nông sản an toàn cho 200 hội viên nông dân tại các huyện Xuân Trường, Hải Hậu; phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) tổ chức 17 lớp truyền thông kiến thức an toàn thực phẩm cho 1.720 cán bộ, hội viên nông dân của 10 huyện, thành phố; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn xây dựng thương hiệu, nhãn mác truy xuất nguồn gốc cho cán bộ, tổ trưởng tổ hợp tác tiêu biểu trong toàn tỉnh. HND tỉnh còn tổ chức 27 buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật, 7 lớp tuyên truyền về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cho gần 1.000 hội viên, nông dân ở 6 huyện, thành phố; kết hợp với Công ty TNHH Phương Nam tổ chức 27 lớp tập huấn tuyên truyền sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch cho 3.240 cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp lắp đặt hàng nghìn bể biogas bằng công nghệ composit cho các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại… Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Hội cùng Công ty Cổ phần T&T 159 tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón cho cây trồng, hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng hệ thống cung ứng phân bón hữu cơ cho nông dân; phối hợp với Công ty TNHH Việt Tín tuyên truyền cách sử dụng phân bón lá sinh học trên cây lúa, cây màu… 

Nông dân xã Nam Dương (Nam Trực) chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, góp phần gia tăng giá trị nông sản (ảnh 1); Cửa hàng thực phẩm sạch Tâm Sáng (thành phố Nam Định) góp phần tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân (ảnh 2). Bài và ảnh: Lam Hồng
Cửa hàng thực phẩm sạch Tâm Sáng (thành phố Nam Định) góp phần tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân.

Bên cạnh đó, để tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn, hàng năm, HND tỉnh chỉ đạo HND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương tổ chức cho hội viên đăng ký và ký cam kết thực hiện nội dung “3 không” (không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn). Kết quả, trong năm 2021 tất cả 209 cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân ký cam kết đảm bảo sản xuất an toàn. HND các cấp trong tỉnh còn chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Tiêu biểu là mô hình “Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi vịt thương phẩm, hỗ trợ và củng cố HTX” tại xã Hải Thanh (Hải Hậu) gồm 15 hộ tham gia với quy mô 5.400 con vịt thương phẩm. Mô hình sản xuất lúa gạo sạch theo chuỗi giá trị liên kết nông dân 9 huyện với Công ty TNHH Toản Xuân trên diện tích 500ha, sản lượng 2.000 tấn lúa chất lượng cao. Mô hình chăn nuôi lợn sinh học tại xã Trực Thắng (Trực Ninh). Mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược của gia đình ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh)… Cùng với đó, HND tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Liên minh HTX tỉnh duy trì tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” trưng bày, giới thiệu những sản phẩm an toàn, chất lượng của hội viên nông dân, phụ nữ, thành viên HTX, qua đó động viên, khuyến khích, tôn vinh những ý tưởng, sản phẩm tiêu biểu sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Hàng năm, các cấp HND trong tỉnh còn cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra giám sát về an toàn thực phẩm của các hộ nông dân trong chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, chế biến, đảm bảo an toàn nông sản thực phẩm; vận động nông dân tích cực đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, đặc biệt là hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm. Để khuyến khích nông dân sản xuất an toàn, HND tỉnh còn ký kết chương trình phối hợp với HND các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, HND tỉnh Hà Giang quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Trong năm 2021, HND tỉnh trực tiếp chỉ đạo HND huyện Hải Hậu làm điểm thành lập cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa tại xã Hải Thanh nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có uy tín; cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các sản phẩm OCOP của tỉnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập cửa hàng nông sản an toàn Thành Nam Food tại thành phố Nam Định. Các cấp Hội cũng đã phối hợp thành lập các cửa hàng nông sản an toàn, trong đó HND huyện Giao Thủy phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện khai trương ra mắt cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông sản sạch trưng bày, bán trên 70 sản phẩm có chứng nhận OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương; HND huyện Trực Ninh phối hợp với cơ sở Hiền Thục khai trương cửa hàng nông sản an toàn tại xã Trực Thái. Ngoài ra, HND tỉnh còn tham gia giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh tại hội chợ của Trung ương Hội và các tỉnh.

Sau 2 năm thực hiện nghị quyết của Hội Nông dân tỉnh về vận động nông dân sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, đã có 90% hội viên nông dân được tuyên truyền về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị; 100% hộ nông dân sản xuất nông sản ký cam kết đảm bảo sản xuất nông sản an toàn; 100% cơ sở Hội xây dựng được ít nhất một mô hình sản xuất nông sản an toàn; 100% các huyện, thành Hội phối hợp xây dựng ít nhất một mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cho sản phẩm có thế mạnh của địa phương; đồng thời liên kết tổ chức các điểm bán hàng tiêu thụ nông sản cho nông dân. Kết quả trên đã góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com