Từ đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên nhiều phương diện, những năm qua huyện Trực Ninh đã đạt những kết quả khá tích cực, góp phần thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đưa kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Công ty TNHH Giày AMARA Việt Nam đầu tư dự án sản xuất giày tại thị trấn Cổ Lễ thu hút 12 nghìn lao động. |
Đột phá từ đẩy mạnh CCHC
Xác định CCHC là khâu đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Trực Ninh không ngừng nỗ lực thực hiện đồng bộ công tác CCHC nhằm đơn giản hóa TTHC, tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cùng với triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện CCHC, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn, hàng năm UBND huyện đều thường xuyên quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, Văn phòng HĐND và UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát, đơn giản hóa TTHC; công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện (235 TTHC trong 10 lĩnh vực) và UBND cấp xã (102 TTHC) trên Trang thông tin điện tử và niêm yết tại trụ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện TTHC. Để hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện CCHC, huyện còn đẩy mạnh “Hiện đại hóa công tác hành chính Nhà nước” với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính. Đến nay, 100% cán bộ, công chức các cơ quan hành chính Nhà nước của huyện và các xã, thị trấn được trang bị máy tính kết nối internet và hòm thư điện tử công vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động chỉ đạo điều hành, gửi và nhận văn bản điện tử được triển khai đồng bộ trên phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, khai thác hiệu quả trên Cổng thông tin điện tử của huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo việc xây dựng, chuyển đổi, duy trì vận hành áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001 liên kết với công tác kiểm soát TTHC và thực hiện cơ chế “một cửa”. Nhờ vậy, 100% cơ quan chuyên môn, 20/21 xã, thị trấn đã thực hiện tự công bố ISO 9001 và thực hiện đầy đủ việc duy trì Hệ thống quản lý chất lượng. Năm 2021, huyện Trực Ninh đạt 60,71/70 điểm (86,73%) về chỉ số CCHC (Par Index), đứng thứ 2 toàn tỉnh. Trong đó nổi bật ở một số lĩnh vực: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; hiện đại hóa hành chính; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”…
Thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh
Cùng với việc thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, huyện Trực Ninh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Từ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh; sử dụng ngân sách huyện, ngân sách xã, thị trấn cùng với việc thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực và huy động tốt các nguồn lực trong nhân dân, huyện đã làm mới, cải tạo, nâng cấp 73km đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn đạt tiêu chuẩn cấp 3, cấp 4 đường đồng bằng; 13,9km đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp 5 đường đồng bằng; hơn 221km đường trục xã đạt cấp 5, cấp 4 đường đồng bằng… cùng hệ thống thủy lợi, điện, cấp nước, hạ tầng văn hóa - xã hội, hạ tầng các cụm công nghiệp. Huyện tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan cung cấp thông tin, quảng bá tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, huyện đã lập và điều chỉnh kịp thời các quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy hoạch chung các thị trấn và quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư. Để tạo quan hệ tin cậy, gắn bó giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương, huyện Trực Ninh đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư bằng cách tháo gỡ nút thắt TTHC cho các dự án đăng ký mới, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thông qua việc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tiếp cận với các chính sách ưu đãi...
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, trong 5 năm (2017-2021), tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn huyện Trực Ninh đạt trên 12.437 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện gần 46 triệu USD (tương đương với 1.140 tỷ đồng). Trong đó, huyện đã thu hút được một số nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là: Công ty TNHH Giầy AMARA Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất giầy tại thị trấn Cổ Lễ; Công ty TNHH Dream Plastic đầu tư dự án sản xuất đồ chơi trẻ em tại xã Trực Thái; Công ty TNHH Shin Myung First Vina đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Trung Đông; Công ty TNHH Sung Won Vina và Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam đầu tư nhà máy may công nghiệp tại thị trấn Cát Thành. Ngoài ra, Trực Ninh còn là điểm đến để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn của nhiều doanh nghiệp trong nước như: dự án của Công ty Phát triển và đầu tư Duy Minh đầu tư tại xã Trực Nội; các dự án của Công ty cổ phần May 9 và Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Ninh Cường tại thị trấn Ninh Cường; dự án đầu tư của Công ty May 1 Nam Định (Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định) tại xã Trực Hưng; dự án của Công ty TNHH Minh Tiến tại xã Trực Mỹ… Đến nay, huyện có 3 cụm công nghiệp, 15 làng nghề và 534 doanh nghiệp. Thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện đều thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế; cố gắng khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định và có bước phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 46 nghìn lao động. Năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp (tính theo giá so sánh năm 2010) của huyện đạt 8.398 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2015.
Việc đẩy mạnh CCHC tạo “đột phá” để thu hút đầu tư là tiền đề để huyện Trực Ninh thực hiện thành công Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện các khóa đặt ra, đó là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn, thuận tiện, thông thoáng, minh bạch cho nhà đầu tư; đồng thời tiến hành rà soát quy hoạch, lựa chọn danh mục dự án chi tiết có trọng tâm, trọng điểm nhằm thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu đầu tư tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh