Nhằm hạn chế lượng chất thải ra môi trường, khuyến khích tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế chất thải, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022), việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn (PLRTSHTN) không chỉ còn là vận động mà đã được đưa vào Luật với nhiều quy định mới. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), để quy định PLRTSHTN được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan cần nhận diện thực tế các bất cập, hạn chế của việc triển khai công tác PLRTSHTN trong những năm gần đây; từ đó, xác định biện pháp cải thiện khắc phục hiệu quả.
Cán bộ xã Xuân Thượng (Xuân Trường) hướng dẫn người dân phân loại, xử lý tái sử dụng hiệu quả rác hữu cơ tại gia đình. |
Cụ thể, qua công tác thẩm định kết quả việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu cho thấy: Việc PLRTSHTN ở tỉnh ta đã được một số địa phương triển khai từ nhiều năm trước và từ cuối năm 2020 đến nay đã đồng loạt nhân nhanh trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, đến nay toàn tỉnh đã có trên 70% số xã, thị trấn đã thực hiện công tác PLRTSHTN. Tuy nhiên đây là kết quả cao, đáng ghi nhận về mặt con số nhưng việc thực hiện PLRTSHTN thực tế của đại đa số các địa phương còn nhiều bất cập. Toàn tỉnh mới có một số ít đơn vị tiêu biểu đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác PLRTSHTN như các xã Yên Cường (Ý Yên), Hải Lý (Hải Hậu). Rác thải hữu cơ sau khi được phân loại, tái chế thành tài nguyên bán được và nguồn thu này cho người dân tái sử dụng để tiếp tục PLRTSHTN và giúp địa phương giảm chi phí cải tạo công trình xử lý rác thải. Nhiều mô hình mới dừng lại ở bề nổi về số lượng mô hình; đầu tư trang bị thiết bị, dụng cụ cho công đoạn phân loại cho các thôn xóm chứ chưa vào đến hộ gia đình, chưa thực sự tạo thuận lợi, thu hút người dân tự giác thực hiện việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Tại không ít địa phương người dân còn chưa thực sự nắm rõ yêu cầu phân loại rác thải; phương pháp xử lý, tái khai thác, sử dụng rác thải hữu cơ một cách thiết thực. Do vậy, người dân chưa tích cực duy trì phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, một số hộ dân không hợp tác chấp hành thực hiện phân loại. Hầu hết các địa phương chưa thực hiện đồng bộ các công đoạn sau khi người dân đã phân loại rác, cụ thể là chưa thu gom, vận chuyển, xử lý theo từng loại rác đã được phân loại. Kinh phí để thực hiện PLRTSHTN còn hạn chế, hầu hết còn mang tính chất tận dụng. Chưa có chính sách hỗ trợ rõ rệt, thiết thực khuyến khích những hộ dân tham gia thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, chẳng hạn giảm mức nộp phí dịch vụ thu gom, xử lý rác thải so với các hộ khác nên thiếu động lực để duy trì. Cán bộ làm công tác môi trường tại các xã, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách và được đào tạo bài bản về chuyên môn. Một số địa phương không phân công rõ ràng về trách nhiệm trong lĩnh vực môi trường cho cán bộ công chức nên khi xử lý công việc còn lúng túng, vướng mắc.
Để việc thực thi Luật đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tăng cường công tác hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện phân loại rác thải đồng bộ ở tất cả các khâu từ phân loại đến thu gom, xử lý. Đề nghị các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo các cấp chính quyền, các cơ sở, doanh nghiệp và người dân nắm rõ các quy định liên quan đến PLRTSHTN của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó, tập trung vào các nội dung gồm: Quy định nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện PLRTSHTN thành 3 loại (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác); Các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân tính theo khối lượng hoặc thể tích rác thay cho mức thu bình quân như hiện nay; trong đó chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Chậm nhất đến ngày 31-12-2024 bắt buộc thực hiện quy định hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện PLRTSHTN và áp dụng cách tính phí dịch vụ thu gom nêu trên; trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Luật BVMT năm 2020 cũng quy định rõ điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại. Như vậy các địa phương phải có trách nhiệm bố trí điểm tập kết, trạm trung chuyển rác đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cần chủ động xây dựng các lộ trình, phương án hiệu quả trong thực hiện quy định bắt buộc PLRTSHTN và triển khai rộng rãi đến các cấp, các ngành, địa bàn dân cư để mọi đối tượng liên quan có thể chấp hành Luật một cách nghiêm túc. Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định giá dịch vụ thu gom theo tiêu chí minh bạch, công bằng, chủ thể thải ra môi trường nhiều hơn sẽ phải chi phí nhiều hơn cho thu gom, xử lý. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến khích các huyện, thành phố chú trọng bố trí nhân lực, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý về môi trường; tiếp tục phát huy vai trò của các đoàn thể Hội Phụ nữ, Hội Nông dân trong phối hợp triển khai và duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình PLRTSHTN; đẩy nhanh tiến độ phủ kín mô hình tại tất cả các thôn xóm, tổ dân phố đảm bảo thực chất. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phải đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thiết bị từ thu gom, vận chuyển và xử lý rác, đáp ứng yêu cầu PLRTSHTN. Về phía các hộ gia đình, cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm tải rác thải phải xử lý, tạo thói quen PLRTSHTN.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kể trên sẽ góp phần đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhanh chóng đi vào cuộc sống, các quy định về PLRTSHTN được thực thi hiệu quả; giảm áp lực diện tích chôn lấp, tăng hiệu suất tái chế rác, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và tiến tới sống xanh bền vững./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy