Để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn trong điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến cực đoan, các loại dịch bệnh nguy hiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố quan tâm triển khai thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng vụ xuân bảo vệ đàn vật nuôi.
Lực lượng thú y xã Thành Lợi (Vụ Bản) tiêm phòng vụ xuân 2022 cho đàn vật nuôi của người dân. |
Anh Lương Văn Lập ở thôn Đào, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) chủ trang trại nuôi bò 3B cho biết: Được cán bộ thú y xã tuyên truyền, hướng dẫn, ngày 15-3-2022, anh đã chủ động liên hệ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vụ Bản mua vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục về tiêm cho đàn bò. Toàn bộ vắc-xin nhận từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về được anh bảo quản trong phích lạnh, được che kín, giữ ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp, sử dụng hết trong ngày, tiêm đúng liều lượng theo quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi tiêm vắc-xin, anh ghi chép vào sổ và thường xuyên theo dõi để xử lý kịp thời các phản ứng sau khi tiêm phòng… Việc chủ động tiêm vắc-xin cho đàn bò của anh Lập cũng phù hợp với chủ trương của tỉnh là khuyến khích các chủ trang trại, gia trại thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi của mình nếu đảm bảo về mặt kỹ thuật và các điều kiện theo quy định… Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay toàn tỉnh tiêm vắc-xin đa giá phòng các bệnh: tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả cho 199.900 con lợn; lở mồm long móng 30.655 con trâu, bò, dê và 29.120 con lợn nái, lợn đực giống; bệnh dại cho 57.770 con chó, mèo; viêm da nổi cục cho 21.075 con trâu, bò. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), hiện nay tổng đàn gia súc gia cầm của tỉnh khá lớn với khoảng 641.050 con lợn, 7.726 con trâu, 28.011 con bò và 9 triệu 467 nghìn con gia cầm. Hình thức chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số. Trong khi đó, thời tiết lạnh, ẩm kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thực phẩm những tháng đầu năm tăng là những nguy cơ tiềm ẩn và khiến các loại dịch bệnh như: cúm gia cầm, tai xanh, các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy trên gia súc, gia cầm... phát sinh, lây lan rất cao. Do vậy, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Để công tác tiêm phòng vụ xuân đạt kết quả cao, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tập trung kiện toàn, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp; phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn để kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật. Các huyện, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện theo đúng nội dung hướng dẫn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng an toàn sinh học cho đội ngũ cán bộ thú y xã, phường, thị trấn và lực lượng tham gia tiêm phòng của các địa phương. Chỉ đạo hệ thống Đài truyền thanh cơ sở tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc tiêm phòng các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi; các nguy cơ, tác hại của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, tụ huyết trùng; tiêu chảy, phù đầu cho lợn; cúm, Newcastle, Lasota, tụ huyết trùng, Gumboro, đậu cho gà; cúm, dịch tả, tụ huyết trùng cho vịt. Đồng thời tổ chức phổ biến Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi thú y thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hoàng Thị Tố Nga, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 4-3-2022 Sở NN và PTNT đã có Công văn số 397/SNN-CNTY triển khai đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân năm 2022. Đề nghị các huyện, thành phố rà soát, thống kê tổng đàn vật nuôi, nắm chắc tình hình dịch bệnh; đăng ký số lượng, chủng loại vắc-xin với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để được cung ứng vắc-xin đầy đủ, chất lượng và kịp thời. Đồng thời tổ chức hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ thú y xã, phường, thị trấn và lực lượng tham gia tiêm phòng của các địa phương, các hộ chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại trên địa bàn về các biện pháp kỹ thuật bảo quản vắc-xin, kỹ thuật tiêm, phòng dịch bệnh, hạn chế tình trạng lây chéo. Đội ngũ cán bộ thú y các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tu sửa chuồng trại đảm bảo khô ráo, thoáng mát, không bị mưa tạt, gió lùa; đồng thời tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Chấp hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Lường trước những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Chi cục chủ động chuẩn bị các loại vắc-xin tai xanh, dịch tả, lở mồm long móng, bệnh dại... bảo đảm chất lượng cung ứng cho các địa phương tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Từ cuối tháng 3 sẽ tổ chức đồng loạt tiêm cho đàn lợn, chó, mèo, trâu, bò và gia cầm theo kế hoạch đã xây dựng. Sau đó tiếp tục rà soát, thống kê để tiến hành tiêm bổ sung, nhất là đối với số gia súc, gia cầm mới phát sinh.
Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vụ xuân có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, hạn chế những tác động bất lợi, thiệt hại do bệnh dịch gây ra đối với đàn vật nuôi, thúc đẩy chăn nuôi phát triển an toàn, ổn định, góp phần hoàn thành mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh./.
Bài và ảnh: Văn Đại