Năm 2021, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân (HND) huyện Nghĩa Hưng tiếp tục thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia, xuất hiện thêm nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh tiêu biểu.
Hội viên nông dân xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) phát triển mô hình nuôi tôm, cá mú cho thu nhập cao. |
Ngay từ đầu năm, HND huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội phát động 26.355 hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hưởng ứng phong trào, nhiều hội viên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Văn Thỉnh, thị trấn Quỹ Nhất sở hữu trang trại rộng 10ha với 50 ao nuôi cá chạch đồng, trong đó có 7ha nuôi cá chạch thương phẩm, 3ha chuyên sản xuất con giống. Toàn bộ quy trình sản xuất hoạt động theo chuỗi khép kín, sạch từ trang trại đến bàn ăn, đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người tiêu dùng. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông Thỉnh cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn khoảng 8-10 tấn cá chạch đồng thương phẩm; mỗi năm sản xuất được khoảng 5 triệu con giống. Nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của khách hàng, gia đình ông còn đầu tư hệ thống máy kho cá, trong đó sản phẩm “Cá chạch kho niêu” được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3 sao năm 2020. Từ việc phát triển sản xuất kết hợp với chế biến chạch đồng đã đem lại cho gia đình ông thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết cho 10-15 lao động có việc làm thường xuyên. Ông Hoàng Văn Minh ở thị trấn Rạng Đông nhờ nuôi tôm, sản xuất giống cá bớp, trồng cây đinh lăng hàng năm có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 5-6 lao động từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Ông Đoàn Văn Tiên, xã Nghĩa Hải sản xuất chế biến thức ăn gia súc, gia cầm đồng thời hỗ trợ gà giống, thức ăn cho hội viên. Ông Trần Văn Đoàn, xã Nghĩa Bình nuôi tôm trừ chi phí thu lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm. Ông Trần Văn Cấp, xã Hoàng Nam sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu… có thu nhập cao, ổn định. Ông Nguyễn Văn Sơn, hội viên nông dân thị trấn Rạng Đông đã được HND tỉnh đề cử, đề nghị tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ IV năm 2021. Cùng với đó, câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” ở các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân, thị trấn Rạng Đông duy trì hoạt động thường xuyên và luôn ủng hộ cho phong trào của Hội. Hội viên các chi hội ở thị trấn Liễu Đề tiếp tục đẩy mạnh nghề trồng hoa cây cảnh, cho thu nhập 300-350 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra còn nhiều mô hình điển hình ở các xã, thị trấn đã tạo việc làm cho các hội viên, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Để động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hàng năm, các cấp HND huyện Nghĩa Hưng vận động cán bộ, hội viên mỗi chi hội giúp từ 1-3 hộ thoát nghèo. Trong năm 2021, hội viên trong huyện đã quyên góp tiền và 1.500 con giống giúp đỡ 32 hội viên nghèo. Bên cạnh đó, HND các cấp đẩy mạnh xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Năm 2021 đã xây dựng và tổ chức ra mắt 2 mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp “Nuôi cá mú” tại xã Phúc Thắng, “Trồng hoa, cây cảnh” tại xã Nghĩa Lạc với 44 thành viên tham gia; 5 tổ hội nông dân nghề nghiệp tại thị trấn Liễu Đề và các xã: Nghĩa Trung, Nghĩa Châu, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng. Đến nay, toàn huyện có 21 tổ hợp tác với 352 thành viên. Các thành viên tổ hợp tác cùng nhau góp quỹ, xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kỹ thuật và giá cả tiêu thụ sản phẩm theo sự thống nhất chung. Các cấp HND trong huyện còn chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện và cơ sở hiện có 1 tỷ 531,3 triệu đồng cho 71 hộ vay; đồng thời huyện đang thực hiện 3 dự án từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương với số vốn 2 tỷ đồng cho 36 hộ vay. Các cấp Hội còn thực hiện tốt chương trình phối hợp với các ngân hàng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, dư nợ của Ngân hàng NN và PTNT huyện đạt 1.878 tỷ đồng cho 8.049 hộ vay; dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội là 117,266 tỷ đồng cho 2.715 hộ vay. Vốn 120 của Trung ương Hội có dư nợ 675 triệu đồng cho 10 hộ vay. Trong năm 2021, HND huyện và cơ sở chủ động phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề tổ chức 12 lớp dạy nghề cho 411 lao động gồm các lớp đan cói, may công nghiệp, trồng cây cảnh, trồng nấm, điển hình ở các xã: Phúc Thắng, Nghĩa Thành, Nghĩa Hải, Nghĩa Hùng, Hoàng Nam, Nghĩa Lạc. HND các xã, thị trấn phối hợp với HTX nông nghiệp triển khai cung ứng vật tư trả chậm cho hội viên như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, các loại chế phẩm sinh học trong chăn nuôi và cây trồng được 399,2 tấn các loại, tổng giá trị 5 tỷ 582,5 triệu đồng. Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, các cấp HND đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, ban nông nghiệp xã tổ chức 65 lớp với 9.500 lượt hội viên tập huấn kỹ thuật sử thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc lúa, cây trồng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình liên kết chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thuỷ, hải sản vùng ven biển tỉnh Nam Định” của HND tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cho 2 hội viên tại thị trấn Rạng Đông về mô hình nuôi cá bống bớp.
Thời gian tới, các cấp HND huyện Nghĩa Hưng tiếp tục vận động hội viên thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; tham gia xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa, đưa các cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản; nhân rộng các mô hình điểm, duy trì hoạt động các câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Phấn đấu năm 2022 có từ 60% số hộ nông dân đăng ký và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp./.
Bài và ảnh: Lam Hồng